“Có Gallery mua tranh thật rồi sao chép, lừa đôi bên”
(Dân trí) - Nữ diễn viên, họa sĩ Lương Giang kể, có trường hợp khi họa sĩ mang bức tranh của mình tới bán, chủ Gallery thấy giá trị liền cất bức đó đi rồi thuê người vẽ lại 10 bức tương tự treo bán. Như vậy đồng nghĩa với việc họ lừa dối cả hai bên: khách hàng và họa sĩ.
"Có hiện tượng mua độc bản rồi sao chép mà họa sĩ không hay biết"
Lương Giang được biết đến ở vai trò diễn viên các phim nổi tiếng như: 13 nữ tù, Khát vọng Thăng Long, Hoa cỏ may (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Nhà có nhiều cửa sổ (đạo diễn Hồng Sơn), Xin thề anh nói thật (đạo diễn Phi Tiến Sơn),… Không dừng lại với đam mê điện ảnh, Lương Giang còn có năng khiếu hội họa. Cô từng được đào tạo bài bản về hội họa tại trường Lasalle College of the Art của Singapore.
Cô cũng là học trò được họa sĩ Vĩnh Phối, một họa sĩ vô cùng nổi tiếng và có uy tín cao trong giới mỹ thuật Việt Nam cầm tay chỉ việc. Những tác phẩm của họa sĩ Vinh Phối đã được rất nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới như: Giải Targa d'agent, Huy chương Bạc triển lãm sinh viên Mỹ thuật quốc tế Rome, Huy chương Bạc Triển lãm Quốc tế Mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia…
Lương Giang là học trò của họa sĩ Vĩnh Phối - một họa sĩ nổi tiếng và có uy tín cao trong giới mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Dân Hùng).
Lương Giang theo nghề hội họa nhiều năm nay và tham gia vào thị trường tranh đã hơn 3 năm bằng việc kinh doanh tranh và mở gallery mang tên con gái được đông đảo giới văn nghệ sĩ tại Hà Nội biết tới.
Trước những tranh luận thật - giả xung quanh triển lãm tranh “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, cô bày tỏ góc nhìn xung quanh thực trạng tranh thật, tranh chép ở Việt Nam và những trải nghiệm thực tế mà chính cô từng trải qua.
Lương Giang thẳng thắn nói, tranh ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, giá cả bức tranh cũng tuỳ thuộc vào từng thể loại bức tranh, cũng như tên tuổi của tác giả. Nhưng thị trường tranh của Việt Nam những năm gần đây chưa thực sự sôi động.
Nếu kinh doanh tranh của các hoạ sĩ, người bán tranh chỉ kiếm được lợi nhuận từ bức tranh duy nhất mua lại từ họa sĩ. Nhưng nếu mua độc bản, sau đó sao chép, nhân bản để bán thì số tiền lãi sẽ thu được gấp bội.
Vì thế mới có câu chuyện, khi họa sĩ mang bức tranh của mình tới bán, chủ Gallery thấy giá trị liền cất bức đó đi rồi thuê người vẽ lại 10 bức tương tự treo bán. Như vậy đồng nghĩa với việc họ lừa dối cả hai bên: khách hàng và họa sĩ.
"Cần rạch ròi trong việc phân định các giá trị"
“Do nhu cầu của thị trường có nhiều khách hàng muốn sở hữu tranh của danh họa nổi tiếng nhưng không đủ điều kiện kinh tế mua được hoặc cũng không thể mua được vì chỉ có một bức duy nhất, ở nhiều nước họ có những phòng tranh chuyên tranh chép nhưng công khai thông báo cho công chúng. Đó là sự chuyên nghiệp trong việc phân địch rạch ròi các giá trị.
Và nếu muốn chép tranh của họa sĩ đang sống, phải xin phép và phải trả bản quyền cho tác giả nhưng vấn đề bản quyền ở Việt Nam vẫn còn đang là bài toán nhức nhối”, Lương Giang nói.
Đã có lần, chính bản thân cô không may mua rồi mới phát hiện bức tranh nghi giả. Ngay lập tức phải nhờ đến các họa sĩ có tên tuổi trong giới kiểm định và kết quả là phải dỡ ngay khỏi Gallery.
Ở thị trường tranh Việt Nam, nhiều khi giá trị thật giả, vàng thau lẫn lộn. Có một nghịch lí là nhiều bức tranh chép đang được bày bán nhan nhản có giá đắt hơn cả tranh thật của các họa sĩ trong nước. Và khách hàng đôi khi cũng không biết đến quyền lợi của mình khi mua tranh thật sẽ có chữ kí của họa sĩ trên bức tranh, được nhận giao dịch bán lại hoặc đổi tranh với chính Gallery đã mua mà chỉ “mua đại” một bức về treo thấy hợp với nội thất là được.
Họa sĩ Lương Giang cũng nói thêm, chính những nhập nhèm trong tranh thật, tranh chép ở Việt Nam khiến cho giá trị tranh Việt chưa có được chỗ đứng thực sự trên trường quốc tế. Và câu chuyện buồn bỏ tiền thật, mua tranh giả vẫn không phải câu chuyện hiếm.
Phương Nhung
Ảnh: Tom Hoàng - Dân Hùng