Cô gái Việt tham gia phim bom tấn

Cô gái ấy là ai mà được ghi tên trong ê-kíp làm phim “bom tấn” Mỹ đang “làm mưa làm gió” và “càn quét” các phòng vé trên khắp thế giới.

Tôi xem mỗi ngày làm việc là một cơ hội.

Khi cái tên Nhi Ngoc Vo bất ngờ xuất hiện trong danh sách nhóm đồ họa của bộ phim bom tấn Fast & Furious 7, nhiều người ngỡ ngàng. Cô gái ấy là ai mà được ghi tên trong ê-kíp làm phim “bom tấn” Mỹ đang “làm mưa làm gió” và “càn quét” các phòng vé trên khắp thế giới. Đó là Võ Ngọc Nhi (SN 1989) - cựu du học sinh gốc Việt ngành Digital Media chuyên về đồ họa điện ảnh, quảng cáo và truyền hình, hiện sinh sống tại Los Angeles - Mỹ.

Trải nghiệm tuyệt vời

Từ ngày biết tin mình cộng tác làm hiệu ứng đồ họa động (GFX) cho Fast & Furious 7 cho đến khi hoàn thành công việc, Ngọc Nhi không bao giờ hình dung ra được rằng mình đã phải trải qua 2 tháng nhiều cảm xúc đến vậy. “Tôi háo hức vì đây là công việc hoàn toàn khác với những gì mình đã làm, căng thẳng vì nó không phải sở trường của mình, mặc cảm mình là người ngoại quốc và là đứa con gái duy nhất trong nhóm thiết kế nữa” - Ngọc Nhi chia sẻ. Tự nhận mình là cô gái “toàn nghe nhạc sến với coi phim tình cảm... bánh bèo” nên khi làm công việc thiết kế đồ họa cho phim toàn “bắn súng, máy bay chiến đấu với vũ khí hiện đại”, Nhi nhiều lần... choáng váng.


Võ Ngọc Nhi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Võ Ngọc Nhi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngôn ngữ đồ họa trong điện ảnh rất khác với trong quảng cáo và truyền hình nên những cảnh quay từ đơn giản nhất cho tới hơi phức tạp, cô đều phải tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu tài liệu rất kỹ. Kể cả quy trình làm việc hoàn toàn khác biệt với những nơi trước đây, cô buộc phải thích nghi. Chỉ cần ngồi trước màn hình vi tính thì vẻ dịu dàng, duyên dáng ngoài đời vụt mất, nhường chỗ cho một cô gái nghiêm nghị và cần mẫn, cả ngày đêm vùi mình vào công việc, có lúc là người cuối cùng rời khỏi công ty khi trời đã khuya. “Những ngày đầu, tôi lo lắng và căng thẳng tới mức tối nào về cũng vừa ăn cơm vừa lẩm bẩm suy nghĩ, rồi đi ngủ nhắm mắt lại mà cứ trằn trọc trong đầu cảnh quay ngày hôm đó, giải pháp như vậy có hợp lý nhất chưa...” - cô nhớ lại.

Thời gian qua nhanh, đến khi kết thúc công việc, Nhi lại hơi tiếc vì những cung bậc cảm xúc và những trải nghiệm mình có được trong suốt 2 tháng. Cô bắt đầu nôn nao, háo hức chờ đợi ngày được thấy thành quả trên phim. Khi thấy tên mình chạy lên trong danh sách đồ họa của siêu phẩm Fast & Furious 7, cô chỉ ước giá mà được như ngày nhỏ được điểm 10, thế nào cũng sẽ chạy mau mau về nhà.

“Cha ơi! coi nè cha! Mẹ ơi! coi nè mẹ, tên con nè, sướng nhất cha mẹ đó nha! Rồi mẹ sẽ quay lưng vô bếp giấu nụ cười hiền thiệt hiền, rồi cha sẽ châm điếu thuốc ngồi trước hàng ba, rồi mình sẽ lâng lâng ngó cha vừa nhả khói vừa tủm tỉm cười in chân chim lên khóe mắt” - Nhi trải lòng. Chặng đường dài cô đi đã nhích thêm một bước và đây coi như là món quà của người con xa xứ thương gửi quê nhà.

Việc có tên trong ê-kíp thực hiện siêu phẩm điện ảnh chỉ là một ghi nhận mình đã hoàn thành công việc được giao chứ chưa có gì to tát. Dù vậy, với cô gái 8X quê ở Cà Mau này, đó là cơ hội trải nghiệm tuyệt vời trong lĩnh vực mới, được làm việc với những người tài giỏi, nhiều kinh nghiệm mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Và hơn hết là hiểu rõ bản thân mình thích làm gì hơn. “Tôi xem mỗi ngày làm việc là một cơ hội hoặc là để sáng tạo cái mới hoặc là để khắc phục, hạn chế cái cũ hoặc là để tích cóp những trải nghiệm nghề nghiệp như mình hằng mong muốn”.

Đi qua những cam go của tuổi trẻ

Thừa nhận mình không phải là một cô gái mạnh mẽ nhưng Võ Ngọc Nhi lại chẳng ngại đương đầu với khó khăn và luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách. Trong 4 năm liên tiếp, cô có tới hai lần quyết liệt thay đổi để tìm một con đường mới cho riêng mình. Đó là năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Graphic Design (Thiết kế đồ họa) ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM), Nhi lên đường du học ngành Web Design & New Media ở Trường Academy of Art, San Francisco - Mỹ. Rồi đột ngột cô bỏ ngang để học ngành Digital Media ở Trường Otis College of Art and Design (Los Angeles).

Nhi giải thích: “Tôi từng rất bế tắc và mất phương hướng trong 4 năm học đại học ở Việt Nam. Thậm chí, khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng trong tay, tôi vẫn chưa thực tin mình đã chọn được nghề mình thích. Có những khi nản chí, tôi lên mạng tham khảo chương trình đào tạo của mấy trường dạy thiết kế ở Mỹ mà thấy vừa tủi thân vừa thèm. Lúc đó, tôi quyết tâm học thêm tiếng Anh để đi du học cho bằng được”.

Cũng như khi đã học được một học kỳ ở Trường Academy of Art, Nhi thấy chương trình New Media ở đây không hợp vì họ không dạy đúng thứ mình cần học nên cô đã nộp đơn vào học ngành Digital Media ở Trường Otis College of Art and Design. Cô nhận ra Los Angeles mới là cái nôi của điện ảnh và truyền hình. Lúc này, Nhi bảo mình đã nhận ra một trong những cam go nhất của tuổi trẻ là “biết mình là ai” vì chỉ có như vậy mới biết mình muốn gì và phải làm gì để đạt được điều mình muốn.

“Đi du học là mơ ước nhưng theo đuổi nghề này mới chính là tham vọng của mình. Tôi đã rất cân nhắc trước những thay đổi vì biết sẽ mất nhiều thời gian hơn và sẽ cần thêm “viện trợ” của gia đình nhiều hơn. Nhưng những ngã rẽ góp phần quan trọng tạo nên số phận mỗi người. Tôi tin những gì mình đánh đổi sẽ được bù đắp xứng đáng” - cô chia sẻ.

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, đêm đầu tiên trong ký túc xá, Nhi cảm thấy vừa nhẹ nhõm vừa nao nức lạ kỳ. Cô biết mình chỉ có một con đường, đó là cắm đầu học vì đã đặt chân được đến đây thì phải đi cho tới cùng.

Hồi đi học, khó khăn nhất luôn là áp lực bài vở và mặc cảm thua kém bạn bè, cả trong giao tiếp lẫn kiến thức văn hóa. Những lúc đó, Nhi tự trấn an mình, đã vượt qua bao nhiêu trở ngại mới được đến đây, được học trong môi trường mình mơ ước như vậy thì không có khó khăn nào làm mình nản lòng.

Nhưng quan trọng hơn thế là cô hiểu được gánh nặng kinh tế của gia đình. Một ngày đi học của cô bằng tiền chợ cả tháng của gia đình, bằng đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi của cha mẹ, bằng đất đai lần lượt bán tháo ở quê nhà. Càng tự thân làm mọi việc, càng va chạm nhiều lại càng thấm thía cả đòn roi lẫn công ơn cha mẹ.

Hai chữ “báo hiếu” cứ làm Nhi đau đáu. Lúc khó khăn nhất cũng như khi bình yên nhất, cô đã nghĩ rằng mình không ham chức vị cũng không ham làm giàu, chỉ mong được đi nhiều hơn, khám phá cuộc sống nhiều hơn và lo cho gia đình chu toàn hơn. Trước mắt, Nhi sẽ tiếp tục theo đuổi con đường cộng tác viên tự do ở Los Angeles.

Võ Ngọc Nhi thú thật là mình rất ngại lên báo nhưng có người nói với cô rằng nếu câu chuyện của mình truyền được cảm hứng và động lực cho người khác thì hãy mở lòng đi vì mỗi suy nghĩ tích cực của một cá nhân sẽ góp thêm một tác động tích cực cho cả một cộng đồng. Mà đúng thật, đã có nhiều bạn trẻ viết thư nhờ Nhi tư vấn con đường du học, làm sao để xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình… và cô cảm thấy hạnh phúc vì được họ sẻ chia và tin tưởng.

Theo Minh Nga

Người Lao Động