Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay

Hà Hiền

(Dân trí) - Dù làm việc văn phòng, nhưng khi quyết định lên Đà Lạt làm homestay, Thùy Uyên phải tự làm nhiều việc nặng, cô tự tay cuốc đất san mặt bằng, bào hàng chục tấn gỗ, đóng nội thất cho homestay của mình.

Sau một vài năm sinh sống và làm việc ở TPHCM, Nguyễn Thị Thùy Uyên (29 tuổi), ở Gia Lai ấp ủ dự định "bỏ phố về quê" để tạm gác lại xô bồ của thành phố, trải nghiệm sống chậm và được thảnh thơi.

Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 1

Đầu năm 2021, chị Uyên rủ bạn trai lên Đà Lạt, thuê mảnh đất khoảng 500m2 gần trung tâm thành phố nhưng vẫn yên tĩnh để làm homestay với tên gọi "Vườn thảnh thơi".

Về quê để "sống chậm hơn nhưng sâu hơn"

Trước khi lên Đà Lạt làm homestay, Thùy Uyên làm nhân viên cho 1 tập đoàn về công nghệ thông tin của Singapore. Cuộc sống lúc đó cũng giống đa số nhân viên văn phòng trẻ khác với phần lớn thời gian dành cho công việc và bổ sung kỹ năng, kiến thức chuyên ngành. Đa số thời gian rảnh đi du lịch khám phá văn hóa của các địa phương khác hoặc cà phê cùng bạn bè.

Bạn trai Thùy Uyên là Hải Nam, sinh năm 1989, hiện đang là kỹ sư lập trình cho một công ty trụ sở ở Úc, anh cũng có cùng những sở thích như bạn gái.

Trong những chuyến du lịch hoặc "phượt" cùng bạn trai, chị Uyên luôn chọn homestay để ở vì muốn được thoải mái hơn và khám phá được văn hóa địa phương bằng cách tham gia sinh hoạt, ăn uống chung và trò chuyện cùng chủ nhà.

"Trong các vùng đất đi qua, tụi mình mê Đà Lạt vì khí hậu, không khí yên bình và kiến trúc mộc mạc, giản dị nhưng mang lại cảm giác ấm áp của các căn nhà gỗ trên đây. Chúng mình đã ấp ủ mong muốn có một căn nhà gỗ, một vườn rau nhỏ để sống chậm hơn nhưng sâu hơn", chị Uyên chia sẻ.

Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 2
Homestay của chị Uyên tọa lạc ở gần trung tâm thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.

Chị Uyên bàn với bạn trai quyết định tạm gác lại công việc, về Đà Lạt để thực hiện dự định đã ấp ủ, trong khi đó bạn trai vẫn làm ở TPHCM để có thu nhập duy trì hàng tháng. Được bạn trai hoàn toàn ủng hộ và đồng hành nên cô gái Gia Lai liền xin nghỉ việc, về Đà Lạt tìm đất.

Khi ấy, kiến thức và kỹ năng cần có để xây dựng homestay chị Uyên đều là con số 0. Cô gái 9X phải thuê phòng trọ ở Đà Lạt, tìm hiểu các mảnh đất và khu vực khác nhau để xem nơi nào phù hợp với nhu cầu, lân la đi hết những căn nhà gỗ mà chị biết để hỏi han và xin kinh nghiệm xây dựng.

May mắn sau khi bỏ dở 2 dự án vì thiếu kinh nghiệm và còn mơ mộng, chị Uyên cũng tìm được mảnh đất hiện tại, được chủ đất giúp đỡ rất nhiều.

Địa điểm này thuận lợi cho sinh hoạt thường ngày vì gần trung tâm, nhưng vẫn giữ được sự yên tĩnh kèm thêm view thoáng đãng, xung quanh khá nhiều cây cối và buổi sáng vẫn nghe được tiếng chim hót.

Bốn tháng miệt mài "biến" ước mơ thành hiện thực

Để đảm bảo công năng, kiểm soát chi phí và thiết kế nên chị Uyên và bạn trai làm tất cả mọi việc có thể làm như cuốc và san phẳng mô đất cao 1m6 với diện tích gần 40m2 hoàn toàn bằng tay, miệt mài bào 20 tấn gỗ ngày này qua ngày khác, cải tạo đất làm vườn, tự đóng bàn ghế, kệ sách, giường, cải tạo đất nền để làm vườn, học hỏi để làm thuốc sâu và phân bón hữu cơ…

Tất cả đều là lần đầu tiên nên mồ hôi, nước mắt và cả máu chảy nhiều. Cách mà cả hai tháo gỡ duy nhất chính là học và hỏi, làm rồi sửa; và hai đứa tự động viên nhau.

"Với tụi mình, khó khăn chính là những thứ mình không kiểm soát được và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác; còn những chuyện khác thì chính là thử thách mà mình phải vượt qua.

Nên có lẽ trong thời điểm đó, khó khăn nhất chính là những ngày thợ nghỉ việc mà chỉ có một mình loay hoay với công trình, hoặc lúc còn bận công việc ở TPHCM chưa lên coi công trình được thì bị ăn trộm, thất thoát tiền,… những việc đó mình phải chấp nhận và tự an ủi để vượt qua", Thùy Uyên nhớ lại.

Sau 4 tháng xây dựng, homestay hoàn thành vào tháng 6/2021 vừa qua, thời điểm đó dịch bùng lên mạnh ở TPHCM nên bạn trai Uyên phải làm online và chuyển lên đây Đà Lạt ở cùng cô. Hai người bắt đầu trang trí căn nhà và làm vườn.

Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 3

Vì cố gắng tự làm nhiều nhất có thể nên số vốn đầu tư vào homestay khoảng gần 700 triệu.

Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 4

Để đảm bảo sự yên tĩnh, chị Uyên chỉ làm 4 phòng đôi, mỗi phòng 16m2, đều có cửa sổ để đón ánh nắng.

Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 5
Các phòng đều có kệ sách và chỗ để đọc sách nhâm nhi tách trà hoặc cacao nóng.
Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 6

Phần không gian còn lại là vườn rau, khu trồng thảo mộc; khu uống trà và BBQ để ngồi tận hưởng không khí trong lành của Đà Lạt và ngắm phố phường ban đêm.

Hiện homestay của chị Uyên đã bắt đầu nhận khách, nhưng vì dịch bệnh vẫn diễn biễn phức tập nên chỉ hoạt động 50% công suất, để du khách có trải nghiệm tốt trong sự an toàn.

Chị Uyên thừa nhận tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng khi "bỏ phố về quê", dù phải đánh đổi công việc tốt ở thành phố. Hiện tại, cô gái trẻ thấy mọi đánh đổi đó đều xứng đáng.

Cô gái bỏ việc văn phòng, rủ bạn trai lên Đà Lạt làm homestay - 7

Đã nhiều lúc cô gái 29 tuổi tự hỏi: "Tại sao phải đánh đổi cuộc sống ổn định để về đây làm như thế này? Hay thôi sang nhượng lại cho người khác để về TPHCM tìm việc lại?" nhưng rồi lại nghĩ chẳng lẽ đánh đổi mọi thứ chỉ để nhận lại những thứ dở dang? nên cô lại tiếp tục cố gắng.

Thùy Uyên và bạn trai tự cho mình thêm 3 năm để trải nghiệm và tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống ở Đà Lạt, nếu cảm thấy thực sự phù hợp sẽ chọn một miếng đất ở ngoại ô để gắn bó và phát triển mô hình mà cả hai đã và đang hướng tới, chia sẻ sự thảnh thơi và "tự chữa lành".