Hội nghị viết văn trẻ Toàn quốc Lần thứ VIII

Có đam mê, khát vọng mới hy vọng thành công

Trong Hội nghị viết văn trẻ Toàn quốc Lần thứ VIII, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ trẻ tham gia Hội nghị để biết được những tâm sự và những kỳ vọng của họ thông qua Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII.

Chiều 10/9, tại UBND tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII sau hai ngày tổ chức sôi nổi với các hội thảo về thơ, văn với rất nhiều ý kiến tham luận, đóng góp và chia sẻ của những người viết văn trẻ. Phần lớn họ đến với văn chương với niềm khát vọng lớn lao, niềm đam mê tận cùng để góp phần cùng các thế hệ nhà văn trên cả nước làm nên một nền văn học đương đại nở rộ cả về số lượng và chất lượng.

 

Phong Việt (Đại biểu TP Hồ Chí Minh): Tôi nghĩ mình đã tìm thấy được rất nhiều điều hữu ích từ Hội nghị lần này, nó không chỉ là cơ hội được gặp gỡ những người viết trẻ cùng thế hệ với mình, mà trên hết là tìm thấy một tinh thần văn chương cũng như không khí sáng tác mà lâu lắm rồi tôi mới gặp phải...

 

Có thể chỉ với vài ngày Hội nghị ngắn ngủi, đôi khi chưa đủ thời gian để mỗi người chia sẻ hết được những tâm huyết với văn chương, đặc biệt là với những người xem viết văn là một công việc chuyên nghiệp. Nhưng tôi tin chắc trong suy nghĩ của mỗi người viết trở về từ sau Hội nghị, sẽ nhận thức rõ hơn về định hướng của mình trong văn chương.

 

Cá nhân tôi chỉ xem văn chương là một cuộc chơi vì tôi sống bằng nghề báo, nhưng cuộc chơi này đối với tôi mà nói nó vẫn đủ sức hấp dẫn và cuốn hút để có thể đi đến cuối đời cùng với nó. Tôi nghĩ mình nên nói lời cảm ơn chân thành đến Hội nghị lần này, vì nhờ nó mà tôi hiểu văn chương - cho dù chỉ là một cuộc chơi đối với tôi - thật sự là một cuộc chơi không hề đơn giản nhưng lại rất đáng để khám phá bởi những niềm vui vô tận, mà ở đó cá nhân tôi cũng như những độc giả của tôi tìm thấy trên những tác phẩm mình viết ra...

 

Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu tỉnh Tiền Giang): Chờ đợi suốt 5 năm để được gặp nhau trong vài ngày, thế nên tôi cảm thấy rất háo hức khi từ Tiền Giang về Tuyên Quang tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII.

 

So với 5 năm trước, tôi dạn dĩ và tự tin hơn nhiều và thấy mình đã già đi so với tuổi đời của nhiều bạn viết văn trẻ khác. Hội nghị là cơ hội để tôi gặp gỡ và giao lưu với các cây bút trẻ trong cả nước mà có khi chỉ biết nhau qua những cái tên và cũng là dịp tôi hâm nóng lại tình yêu văn chương. Nội dung hội nghị này xoáy vào nhiều vấn đề nóng của văn học trẻ hiện nay, tôi cho rằng điều này rất bổ ích cho việc sáng tác trong thời gian tới.

 

Kha Thị Thường (Đại biểu tỉnh Nghệ An): Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội nghị, trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi cũng luôn lắng nghe nhiều hơn là nói, và đến với hội nghị viết văn trẻ này, tôi đã nghe được rất nhiều điều đáng nghe, cả những điều được và chưa được của văn trẻ. Đặc biệt là cùng được lắng nghe những bậc tiền bối trao đổi về kinh nghiệm, kể lại những kỷ niệm và những con đường khác nhau của mỗi người đến với văn chương.

 

Chúng tôi đến với hội nghị đầy hào hứng và đầy sức trẻ, qua những buổi giao lưu, thảo luận các bạn đã nói lên những suy nghĩ thật của mình về những khúc mắc, những tâm tư, mong mỏi. Bản thân tôi cũng thế, ngoài những trăn trở về một nền văn học trẻ luôn trong cỗ máy vận hành, mong các nhà văn lão thành, những thế hệ anh chị đi trước cũng như độc giả tiếp nhận văn chương hãy sàng lọc, tiếp sức, góp ý cho chúng tôi. Lớp trẻ chúng tôi rất cần những lời động viên về tinh thần, điều đó rất quan trọng dẫu rằng mỗi người vẫn luôn phải tự nhận biết bản thân mình là ai? Mình đang đứng ở đâu trong cuộc sống này!

 

Nguyên Hậu (Đại biểu tỉnh Phú Yên): Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Hội nghị viết văn trẻ, cũng bởi vì thế nên khác với những diễn đàn thơ văn trong tỉnh, tôi lắng nghe nhiều hơn để tự đúc kết những điều cho riêng mình.

 

Bản thân tôi vẫn đi theo lối thơ truyền thống, bởi vậy dù thuộc thế hệ 8X, song khi làn sóng thơ cách tân hầu như lấn át dòng truyền thống, tôi thật sự thấy hoang mang và hoài nghi chính bản thân mình. Đến với hội nghị lần này, tôi vẫn chưa hết những hoài nghi đó. Và thật may, chính những ý kiến hết sức chân thành từ những người đi trước, và đặc biệt là các anh chị cũng như các bạn cùng trang lứa - trong đó không ít người cũng đã từng "gợn lòng" như tôi, tôi đã nghĩ khác. An lòng hơn, ngay sáng nay, tại hội thảo thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã khẳng định rằng: "Hãy cứ tự nhiên mà đi, đừng băn khoăn và tự nó sẽ thành đường".

 

Có đam mê, khát vọng mới hy vọng thành công - 1
Các đại biểu và nhà văn trẻ trong lễ bế mạc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
 

Phạm Văn Vũ (Đại biểu tỉnh Thái Nguyên): So với Hội nghị lần VII tại Hội An năm 2006, tôi thấy Hội nghị lần này có một khác biệt khá rõ, đó là sự chú trọng đặc biệt  cho những tranh luận và bàn thảo về nghề. Dù việc luận bàn không phải lúc nào cũng có ích tức thì cho sáng tác, nhưng tác dụng sâu sắc của nó đến ý thức nghề nghiệp và tư duy lao động viết là không thể phủ nhận.

 

Chỉ tiếc là, những điều vấn đề đưa luận bàn, theo tôi, chưa đủ, chưa "đã", chưa thật trúng. Chúng ta nói quá nhiều về chuyện viết thế nào, mà chưa tâm giao cùng nhau xem sống thế nào để viết. Mà thực ra, sống đồng thời nghĩa là đang viết rồi.

 

Phạm Thị Duyên (Đại biểu tỉnh Ninh Bình): Đây là lần thứ 2 tôi tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc. Kỳ thực thì sau mỗi lần Hội nghị tôi cũng mở mang ra được nhiều vấn đề về văn học đương đại vì được gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ đàn anh, các bạn văn cùng lứa ở nhừng vùng miền khác nhau.

 

Trên thực tế, những người viết văn ở tỉnh lẻ chúng tôi có những khó khăn nhất định về phong trào sáng tác trẻ. Họ ít có điều kiện cập nhật được nhiều thông tin về đời sống đương đại nên nhịp sống chậm và tác phẩm cũng chủ yếu viết về những quẩn quanh trong đời sống thường ngày ở một thị xã nhỏ.

 

Lần Hội nghị này, theo tôi, có nhiều điểm mới về cách thức tổ chức, các tác giả trẻ cũng mạnh dạn hơn trong việc nêu ra chính kiến của mình với những người đứng đầu Hội Nhà văn, những người có thẩm quyền để có thể tạo điều kiện cho các nhà văn trẻ sáng tác và xuất hiện tác phẩm.

 

Phạm Nguyễn Ca Dao (17 tuổi - Đại biểu trẻ nhất đến từ Đà Nẵng): Qua Hội nghị lần này tôi là đại biểu trẻ nhất nên vừa vui, vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Vui vì tôi đã đóng góp được một phần nhỏ cho mảng văn học thiếu nhi nói riêng và văn học trẻ nói chung. Hơn nữa, được tham dự Hội nghị viết văn trẻ là một dấu mốc quan trọng đối với mỗi người viết trẻ, vì thế, tôi cần phải năng nổ, nhiệt huyết và phấn đấu rất nhiều trên con đường sáng tác vốn dĩ không có giới hạn, không có đích cuối cùng của mỗi người.

 

Qua Hội nghị này, tôi cũng kỳ vọng rằng, không chỉ riêng tôi mà những người viết trẻ sẽ có một tiền đề vững chắc để cùng nhau tạo nên một cú hích để phát triển nền văn học nước nhà.

 

Theo Thiên Kim

CAND

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm