Clip hài trên YouTube: Hài câu khách không hút người xem

Với khán giả Việt thời gian gần đây, có vẻ như sự hài hước đang “thống lĩnh” giải trí của họ, từ phim ảnh lên truyền hình, và cả YouTube. Theo thông tin từ Yeah1TV, với các clip hài chủ đạo, năm 2014 nhóm Phở đã có tổng doanh thu hơn 10 tỷ đồng từ YouTube.

1. Theo tổng kết của YouTube dựa trên số lượng người dùng (view) tại mỗi quốc gia, thì trong năm 2014 Việt Nam có 5 video YouTube với lượng view khủng.

Trong đó, Liên minh siêu nhân - tập 2 (hơn 9,3 triệu lượt xem trong 9 tháng), Mình yêu nhau đi (hơn 8,4 triệu lượt xem trong 7 tháng), Em của mùa World Cup (hơn 16,3 triệu lượt xem trong 5 tháng) thuộc thể loại hài, 2 clip còn lại là ca nhạc: Nắm lấy tay anh (Tuấn Hưng), Bốn chữ lắm (Trúc Nhân - Trương Thảo Nhi).

Còn trong top 12 kênh chính thức có lượng theo dõi nhiều nhất trên YouTube nửa đầu năm 2015 thì đã có JVevermind, BB&BG, DAMtv, 5sonlinevietnam, FAPtv, Vanhleg, Tin Việt… chuyên trị clip hài. Riêng Yeah1TV là kênh giải trí video tích hợp, với hơn 1 triệu người theo dõi, trong đó có thương hiệu Thích Ăn Phở dành riêng cho hài hước; Pops cũng tích hợp như vậy, họ cũng có kênh nhánh dành cho hài.


Clip “Thách 5 - Lỗ dồn dồn lỗ” của nhóm Phở trên YouTube dù được chủ động xóa những từ nhạy cảm, nhưng do tính chất câu khách rẻ tiền nên không có nhiều lượt xem bằng các clip văn minh của chính nhóm này

Clip “Thách 5 - Lỗ dồn dồn lỗ” của nhóm Phở trên YouTube dù được chủ động xóa những từ nhạy cảm, nhưng do tính chất câu khách rẻ tiền nên không có nhiều lượt xem bằng các clip văn minh của chính nhóm này

Trong phạm vi khảo sát của chúng tôi với các clip hài, đơn cử là nhóm Phở, rõ ràng họ vẫn có một vài clip trong Phở, trong Thách (ví dụ Thách 2 - Dùng lưỡi đoán vật với hơn 1,9 triệu lượt xem, Thách 5 - Lỗ dồn dồn lỗ với hơn 1,4 triệu lượt xem…) còn để sót một số chi tiết dung tục, câu khách.

Nhưng nhìn chung họ vẫn nỗ lực để làm những clip vui nhộn, trẻ trung, tự do và hướng đến sự văn minh. Dường như người xem cũng đồng tình với điều này, nên những clip thông minh, vui nhộn như Phở 10: Tuổi thơ tôi có hơn 8 triệu lượt xem, Phở 7: 15 đặc trưng của sinh viên có hơn 10 triệu lượt xem…

Tình trạng này cũng đúng với nhiều clip hài của JVevermind, BB&BG, DAMtv, FAPtv, Vanhleg, Tin Việt, 5sonlinevietnam… Ví dụ clip hài nghe tựa đề rất câu khách Những điều khiến đàn ông sướng! của Jvevermind, trong 10 tháng chỉ có hơn 107 ngàn lượt xem, trong khi clip Tết xưa và Tết nay trong tôi chỉ 9 tháng đã hơn 1,2 triệu lượt xem…


Clip “Tình người duyên ma” kể được câu chuyện vui nhộn, thông minh, nên đã có nhiều lượt người xem hơn

Clip “Tình người duyên ma” kể được câu chuyện vui nhộn, thông minh, nên đã có nhiều lượt người xem hơn

Hoặc các clip hài có lượt xem khủng của nhóm BB&BG như Anh không đòi quà (hơn 30,2 triệu lượt xem), Mình yêu nhau đi (hơn 17,1 triệu lượt xem), Tình yêu tuổi học trò (hơn 12,4 triệu lượt xem), Đẹp và xấu (hơn 12 triệu lượt xem)…, đều được làm tương đối tươm tất, nội dung dễ dãi không quá đà.

Trong khi những clip câu khách của nhóm này thì ít người xem hơn, ví dụ như Chuyện phòng the (hơn 1,4 triệu lượt xem), Cặp đôi hoàn cảnh (hơn 1,1 triệu lượt xem)…

Với 25 clip hài chính thức trên YouTube của Thu Trang cũng vậy, vẫn có vài tình tiết, câu thoại rẻ tiền, câu khách, thế nhưng sức hút lại nhằm vào các clip được đầu tư chỉn chu hơn về kịch bản, diễn xuất như Tình người duyên ma (hơn 10 triệu lượt xem), Quán chè... 3C (hơn 5,8 triệu lượt xem), Twilight Vietnamese Version (hơn 4,1 triệu lượt xem)…

Nhóm DAMtv xác định tiêu chí làm clip là để thỏa mãn đam mê, sáng tạo là chính, nên thường bị cài cắm thương mại và quảng cáo ngay từ đầu. Tết này họ sẽ tung ra clip hài Pikachu đâu rồi? với đầu tư sản xuất hơn 400 triệu đồng. Nếu để ý sẽ thấy các clip hài của DAMtv được đầu tư khá kỹ về kịch bản, dàn dựng, có lẽ đó là một sức hút của họ.

Clip hài trên YouTube: Hài câu khách không hút người xem - 3

 

2. Các clip YouTube tại Việt Nam hiện nay chịu sự chi phối từ cơ quan quản lý, từ chính người làm ra nó, và từ cộng đồng mạng. Thế nhưng, như Thể thao & Văn hóa đã nhận định, thì xu hướng tự chịu trách nhiệm sản phẩm của mình đang khá phổ biến trên YouTube; đại diện của Yeah1TV cũng đồng tình với nhận định này.

 

Họ còn phân tích cho thấy với những nghệ sĩ đã có tên tuổi trên YouTube, chẳng ai muốn clip hoặc tài khoản của mình bị khóa, bị xóa.

Một clip nếu bị nhiều phản đối từ cộng động mạng về sự kém văn minh của nó thì YouTube sẽ xem xét để khóa, còn một tài khoản mà có từ 3 clip bị khóa trở lên sẽ có nguy cơ bị YouTube xóa vĩnh viễn. Nói cách khác, để tồn tại an toàn, lâu dài trên YouTube, người làm ra clip phải tự tiên liệu hậu quả và tự chịu trách nhiệm đầu tiên.

Theo Như Hà

Thể thao & Văn hóa