Chuyện về cuốn sách Việt đầu tiên nhận huy chương quốc tế
(Dân trí) - Tại triển lãm nghệ thuật IBA (Drsden - Đức), tranh truyện “Sát thát” do họa sĩ Nguyễn Bích 1925-2011) vẽ (103 trang, in trên giấy dó, bìa in bằng giấy điệp, đóng chỉ bằng tay), đã được BGK quốc tế nhất trí trao huy chương Bạc. Đây là tấm huy chương quốc tế về sách đầu tiên của Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng, trong “rừng” tranh truyện các thể loại, đủ màu sắc, cuốn tranh truyện Sát Thát vẫn được độc giả các lứa tuổi đặc biệt chú ý.
Tôi tò mò tìm gặp người biên tập quyển sách thời đó: Họa sĩ Nguyễn Phú Kim, năm nay ông đã qua tuổi 80 và được ông chia sẻ những kỷ niệm cách đây gần 40 năm.
Và họa sĩ Nguyễn Phú Kim bắt đầu kể lại.
***
Họa sĩ Nguyễn Bích - người vẽ nên cuốn tranh truyện dáng người đậm, to lớn, đứng cạnh anh, tôi như là cây bút bên cạnh bình mực.
Có lẽ do nếp nhà nên anh ít nói, nói năng cũng nhỏ nhẹ. Gia đình anh có 4 cô công chúa, vợ và người chị gái lúc nào quần áo cũng chỉn chu. Sàn nhà bằng gỗ lúc nào cũng láng bóng không hạt bụi. Vài ba cô cháu gái nữa là chẵn 10 người. Nghĩ rằng sẽ ồn ào như cái chợ nhưng tôi thấy nhà luôn yên tĩnh lạ lùng.
Nguyễn Bích cùng nhiều họa sĩ: Thy Ngọc, Năng Hiển, Huy Toàn đều là những họa sĩ tự học bằng cách hàng tuần gửi bài tập vẽ sang Pháp, tuần sau sẽ nhận được thư trả lời nhận xét bài trong tranh và những lời khuyên của giáo sư họa sĩ bên Pháp. Hàng tháng 2 lần, thanh toán thuận tiện bằng tem. Tuy học cách xa nhưng với bản tính yêu nghề và chịu khó các họa sĩ tự học này trong tạo hình khá chững chạc chuẩn mực, không một chút ngờ nghệch nào.
Nguyễn Bích không mạnh về màu sắc nhưng anh rất giỏi về bố cục, tạo hình và đường nét, với chiếc bút lông nhỏ xíu trong tay.
Những phong cảnh, đồ vật và con người được tạo hình đẹp và chau chuốt bằng những nét vẽ mềm mại hết sức dễ thương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, NXB Kim Đồng có kế hoạch về những cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Ban biên tập quyết định làm cuốn “Sát Thát”. Khi gặp gỡ trình bày với anh, anh chỉ im lặng và nói sẽ cố gắng làm cuốn sách thật tốt.
Thời gian định 2 năm thì xong. Ban đầu, anh Thi Ngọc biên tập quyển này do bận việc, năm sau anh bàn giao cho tôi.
Cuốn sách năm nào cũng được đưa vào kế hoạch, nhưng năm nào cũng “vỡ”. Tháng nào tôi cũng một hai lần đến nhà anh, con chó to của nhà anh cũng quen khi tiếng dép loẹt quẹt của tôi ở cổng đã sủa và vẫy đuôi ý thân thiện, ở trong nhà đã có tiếng nói “Chú Kim đến”.
Trên gác 2, phòng anh có treo một bức tranh và những dòng chữ rất sinh động. Đặc biệt có 2 chiếc lọ cổ men tuyệt đẹp tôi chưa từng thấy bao giờ. Thời kỳ đó còn giữ ý tứ tôi không giám hỏi sâu về gia thế nhà anh, nghe thoáng như cụ tổ có đi sứ bên Trung Quốc mang về.
Anh có cho tôi xem một cuốn catalog nước ngoài in cái hình lọ và giá tiền vài trăm ngàn đô, nhưng với con mắt tầm thường của tôi thì còn thua xa cái lọ ngay trước mặt.
Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng anh không bán vì là bảo vật của gia đình. Anh còn một thú vui chơi chim, trong nhà có chừng mươi chiếc lồng chim khác nhau đươc phủ bằng những tấm nhiễu đỏ.
Khi đến nhà, tôi thường gặp lúc anh cho chim ăn, anh mỉm cười và dụ chim hót. Nhiều khi nghe tiếng chim hòa tấu lảnh lót có lẽ là cái thú tu dưỡng tinh thần của anh.
Anh Lê Vân - người viết lời cuốn sách cùng cơ quan, tôi biết tâm lý tác giả muốn cuốn sách được in ngay, anh luôn giục tôi và cho rằng, tôi lười biếng không chịu thúc giục, tôi hẹn một lần cùng đến gặp anh Nguyễn Bích.
Hôm ấy, khi thấy con chó to vẫy đuôi mừng, nghiêng đầu cho tôi sờ vào đầu nó, và nụ cười thân thiện của người nhà, thì anh Lê Vân hiểu rằng, tôi đến đây quá nhiều lần.
Anh Bích cho xem những trang đã vẽ xong, và những trang dù sơ xuất một nét bút anh cũng bỏ đi còn nhiều hơn thế.
Lúc ra về, anh Lê Vân vỗ vai tôi phấn khởi ra mặt. Tôi nói với anh: “Cuốn sách năm nay lại vỡ, nhưng muốn có sách tốt phải tốn nhiều thời gian”, từ đó anh Lê Vân mới yên tâm chờ đợi.
Một lần nói chuyện với anh Bích, tôi cười ra về, đến cổng gặp chị và các cháu. Chị hỏi: “Hai anh em nói chuyện gì mà cười vui thế?”
Tôi tả oán: “Chị ơi đó là nụ cười đau khổ đây. Em là họa sĩ mà xem búc tranh nụ cười La Gio công của Leona da Vinci trăm lần mà không hiểu hết. Chị ơi, cuốn sách anh vẽ đã 4 năm trời, năm nào cũng vỡ kế hoạch, (thực ra chỉ mất một năm, tôi đã rút ra khỏi kế hoạch những năm sau) và 4, 5 em mất danh hiệu tiên tiến đây chị ạ. Chị giục anh dùm em. Em nghĩ lời nói của chị có tác dụng hơn”. Kế sách ấy quả có tác dụng. Năm ấy, anh Nguyễn Bích kết thúc nét vẽ cuối cùng cho bức vẽ thứ 103 của tập tranh truyện 5 năm trời.
Khi tôi mang bản thảo cuốn sách về, cả NXB xô vào xem, ai cũng mừng vì cuốn sách đẹp. Năm ấy, chuẩn bị sách thi sách Quốc tế tại CHDC Đức, NXB dự kiến đưa “Sát thát” dự thi, tôi đề nghị được in trên giấy dó cổ truyền. Lúc đó NXB rất nghèo, giấy hiếm và đắt, tôi vẫn đi lùng loại giấy dó tốt nhất. Khi được sự đồng tình của nhà in, phải mất mấy tháng trời in trên máy Ty-po, có khi phải in đến 2 lần vì không đủ độ đen. Bìa được in bằng giấy điệp. Cuốn sách được đóng chỉ bằng tay. Có lẽ chưa có quyển nào kỳ công như thế.
Gửi sách đi dự thi lòng bao hồi hộp, rồi sách được trao Huy chương Bạc. Khi chiếc huy chương về Hà Nội, anh trưởng phòng muốn giữ lại để ở nhà xuất bản, nhưng sau NXB đề nghị trao cho họa sĩ. Tôi và anh Lê Vân mang Huy chương Bạc đến nhà trao cho anh Nguyễn Bích. Không biết chiếc Huy chương Bạc nay có còn hay theo thời gian bị thất lạc?
Cuốn sách in số lượng lớn, được các em hoan nghênh và nhất là giới họa sĩ mỗi người có một cuốn làm tài liệu. Và sau này, cuốn sách được tái bản nhiều lần.
Một điều khiến tôi rất băn khoăn - cuốn sách chất lượng vẽ đến 5 năm mà nhuận bút cũng không có gì thay đổi, chứng tỏ mình không biết đánh giá đúng công sức nghệ thuật, tôi nói thật điều này với anh, anh chỉ cười.
Trong con người to lớn của họa sĩ Nguyễn Bích, tôi thấy có những chú bé con tinh nghịch, vui chơi trong sâu thẳm tâm hồn anh.
Anh đích thực là họa sĩ của tuổi thơ”!
"Sát Thát là cuốn truyện tranh đại diện số một cho phong cách Nguyễn Bích, tạo nên diện mạo của riêng ông… Sát Thát có thể coi là kinh điển của nghệ thuật truyện tranh Việt Nam mà ông đã tạo dựng ra. Họa sĩ đã đưa lên mặt giấy lối vẽ đơn giản nhưng thật tinh tế cả trang sử hào hùng của dân tộc ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Cuốn sách… cho đến nay vẫn đứng ngôi vị số một của nghệ thuật truyện tranh Việt Nam" - Họa sĩ Đỗ Đức.
Nguyễn Bích (1925-2011), ông sinh trưởng trong một gia đình tiểu tư sản viên chức sau khi học đến Tú tài phần thứ nhất, Nguyễn Bích thôi học và tham gia Cách mạng tháng Tám hoạt động trong các tổ chức thanh niên tự vệ thành Hà Nội.
Họa sĩ Nguyễn Bích và họa sĩ Mai Văn Hiến từng được giao nhiệm vụ sáng tác Huy hiệu Điện Biên Phủ để làm quà của Bác Hồ tặng tất cả các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hoà bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Bích công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, phòng Tuyên truyền, phòng Văn nghệ Cục tuyên huấn Tổng cục Chính trị và được phong quân hàm Thượng uý.
Từ tháng 11 năm 1970 ông chuyển về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng cho đến năm 1980 và nghỉ hưu 1987.
Nguyễn Gia Khoa