Chuyện thú vị về ngôi làng nhiều sắc phong nhất Việt Nam
(Dân trí) - Làng Mỹ Xuyên Đông (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) được xem là làng có nhiều sắc phong nhất Việt Nam với 32 sắc phong được lưu giữ nguyên vẹn từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định.
Chuyện ngôi làng “Thà mất mạng chứ không để mất sắc phong”
Làng Mỹ Xuyên Đông hình thành cách đây gần 550 năm, tuy không được xem là làng cổ nhất nhưng người dân nơi đây luôn tự hào là làng có nhiều sắc phong nhất Việt Nam.
Năm 1471, sau khi lập ra đạo Thừa Tuyên thứ 13 ở Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã đề cử Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công cùng 12 vị tướng khác ở lại vùng đất vừa mới khai lập để giữ vững bờ cõi. Làng Mỹ Xuyên Đông hình thành từ đó.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đào con sông dài gần 5km, chia thành 2 làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây.
Hiện nay, 32 tấm sắc phong được ép nhựa, cuộn lại kỹ càng lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Thanh (86 tuổi). Sắc phong đầu tiên của vua Minh Mạng năm thứ 5 ban ngày 11/2/1824, rồi các đời vua Thiệu Trị, Đồng Khánh… đến sắc phong cuối cùng của vua Khải Định năm thứ 9 ban ngày 25/7/1924.
Các vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn như: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng Hậu, Bạch Mã Tôn... Và đặc biệt, sắc phong của vua Minh Mạng ban năm 1824 thuộc hàng sắc phong cổ nhất còn được lưu giữ ở Quảng Nam.
Ông Văn Công Chân (SN 1937, phó ban trị sự làng Mỹ Xuyên Đông) lý giải: “Việc làng Mỹ Xuyên được ban nhiều sắc phong là do việc có con sông Đào đi ngang qua làng để phục vụ nhu cầu thủy lợi và quân sự của trấn Quảng Nam xưa. Vì làng có vị tiền hiền là Lê Quý Công đã khai khẩn đất hoang cho bà con canh tác. 32 “báu vật” đó vẫn tồn tại trước dòng biến thiên của lịch sử và bao trận càn quét của địch”.
Các vị cao niên trong làng cho biết, dù bao trận càn quét ác liệt của giặc nhưng người dân làng này vẫn quyết tâm giữ đến cùng sắc phong của làng. Khi ôm sắc phong chạy, khi giấu trong miếu, bụi rơm, nhiều trận giặc càn quét đốt sạch nhà cửa, đền miếu dân làng phải đào hầm chôn sắc phong. Mặc dù mưa bom, bão đạn, nhưng người trong làng vẫn quyết chuyền tay nhau giữ sắc phong đến cùng.
Ông Nguyễn Quang Pháp, Trưởng làng Mỹ Xuyên Đông khẳng định: “Mất sắc phong còn gì là làng nữa, chúng tôi đã quyết định thà người mất chứ không được để mất sắc phong”.
Ngày hòa bình lập lại, 32 tấm sắc phong được tập hợp đầy đủ, giao cho người hội đủ các điều kiện phúc đức, hiền hòa, kỹ tính nhất, nhà cửa kiên cố, rào chắn kín cổng cao tường giữ gìn. Chỉ có khi lễ làng, bộ sắc phong mới được mang ra giữa đình để con cháu cùng xem và tự hào.
Ngoài sắc phong, làng còn có một bộ lư “khủng” được ông Nguyễn Ngọc Lễ, một người dân làng tặng năm 1957. Chân lư cao gần 1m, phải 4 người mới vác nổi.
Trước 1975, lính Đại Hàn lấy mất nồi lư, bà con trong làng thay nhau mang chân lư đi trốn. Năm Mậu Thân 1968, cả làng bị san bằng nhưng hai chân lư vẫn được mọi người mang ra tận cầu Câu Lâu cũ cất giấu. Đến nay, việc tìm kiếm chiếc nồi lư phù hợp với hai chân lư cũ vẫn rất khó.
Mỗi một không gian trong làng là một huyền thoại. Cây đa hơn 400 năm tuổi của làng, từng là nơi ẩn mình của quân dân du kích, ngày địch càn quét chúng dùng bom xăng đốt trụi thân cây. Cây nghi ngút cháy âm ỉ cả tháng trời, người dân cũng cháy lòng cháy dạ theo.
Năm 1973, khi tình hình chiến sự tạm lắng, dân làng ra Đà Nẵng tìm mua cây đa con mang về trồng trên gốc đa cũ. Đến nay cây đa đã 40 tuổi, cành lá sum xuê, lớn cả chục người ôm. Người ta cho rằng, đó là vì nó lớn lên bằng tro bùn của gốc đa cũ.
Niềm tự hào đời đời của con cháu
Ngày nay, làng Mỹ Xuyên Đông dân cư đông đúc, nhà cửa liền kề, trải dài hai bên đường liên thôn, dân số khoảng 5 ngàn người, với 30 tộc họ, có ngôi chùa phật giáo Quán Thế Âm (tên cũ là chùa sư nữ Đông Bình)... Ngôi chợ đình hình thành hàng trăm năm nay, dưới gốc cây đa tỏa bóng, vươn mình che chở cho làng.
Ngôi đình đầu tiên được xây dựng rộng gần 100m². Kháng chiến chống Pháp đình bị đánh sập, dân lại xây dựng. Thời chống Mỹ, năm 1964 ngôi đình lại bị bom càn quét, dân lại chung sức dựng xây.
Ông Văn Quang Chân tự hào: “Làng tôi hội đủ cả cây đa, bến nước, sân đình, trông yên bình, đẹp đến nao lòng. Hễ con cháu đi đâu xa đều mong nhớ, tề tựu trở về đông đủ vào ngày hội làng hằng năm (ngày 12/2 Âm Lịch)”.
Bến nước nằm phía Tây làng, có tên là Bến Giá. Tương truyền, năm đó chúa Nguyễn Phúc Lan đang giương thuyền buồm thưởng ngoạn phong cảnh thì đâu đó trên bờ vẳng lại câu hò: “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/Thiếp thương thiếp phận má hồng hái dâu/Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”. Vua bèn sai lính dừng thuyền rồng lên bờ tìm thôn nữ vừa hát và đưa về cung, sau này bà là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Từ đó, nơi thuyền dừng đậu gọi là Bến Giá.
Nhưng lại có giả thuyết khác đưa ra, có vẻ hợp lý hơn. Cái tên Bến Giá gắn liền với nghề làm giá đậu xanh. Trước đây, cát ven Thu Bồn trắng, sạch nên bà con sử dụng để rấm giá và đem giá rửa ở bến sông nước trong vắt, lâu dần người làng gọi quen thành Bến Giá.
Do thiên tai địch họa nên những chứng tích của làng gần như bị xóa mờ. Trước kháng chiến chống Mỹ, tại làng có trường hát chợ Đình, đêm đêm nam thanh nữ tú dìu dặt rủ nhau đi xem hát, xóm làng nhộn nhịp đông vui.
Hằng năm, vào ngày 12/2 Âm Lịch, làng Mỹ Xuyên Đông lại tổ chức lễ tế xuân cầu an, với phần lễ nghiêm trang, con cháu dâng những vật phẩm làm từ mảnh đất màu mỡ của làng để tỏ lòng tri ân các bậc tiền hiền đã có công khai lập làng. Đồng thời nhắc nhở con cháu ghi nhớ truyền thống cha ông, tự hào và cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử cha ông để lại. Phần hội tưng bừng náo nhiệt với các trò chơi dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước.
Ngôi làng gần 550 năm gắn liền với danh tướng Hùng Long Hầu Lê Quý Công, mộ của ông được công nhận di tích lịch sử năm 2006. Đình làng Mỹ Xuyên Đông được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011. Người dân làng Mỹ Xuyên Đông giữ gìn 32 sắc phong như là “báu vật” của làng, nhắc nhở con cháu mỗi tộc họ, gia đình cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Bà Lưu Thị Hiền Phương,Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Duy xuyên cho biết: “Đây là ngôi làng có nhiều sắc phong nhất Việt Nam hiện nay. Hàng năm, ngành có sự phân công, phân cấp cho địa phương để quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để trùng tu di sản. Và trong chương trình dạy học tại các trường đã lồng ghép giáo dục di sản, di tích cho học sinh. Đồng thời, huyện đã có công tác chỉ đạo xã hội hóa tổ chức lễ hội và trùng tu, tôn tạo”.
N.Linh-C.Bính