Chuyện người duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay tại VN năm 1992

(Dân trí) - Cô Annette Herfkens, người Hà Lan là người duy nhất sống sót trên chuyến bay gặp nạn năm 1992 tại Việt Nam. 22 năm sau vụ tai nạn kinh hoàng, Annette Herfkens đã viết cuốn sách kể lại 8 ngày chiến đấu với tử thần của mình...

Trên chuyến bay năm 1992, cất cánh từ TPHCM tới Nha Trang, có hai hành khách - họ là một cặp tình nhân - đang tận hưởng kỳ nghỉ lãng mạn. Đôi trẻ không biết rằng định mệnh sắp chia lìa họ vĩnh viễn.

Chiếc máy bay đã bất ngờ đâm vào núi và rơi xuống một khu rừng. Cô gái là hành khách duy nhất sống sót, một mình cô mắc kẹt giữa rừng già hoang vắng, bên cạnh là vị hôn phu đã tử nạn. Kiệt sức, bị thương, cô đối diện với tử thần cận kề trong suốt 8 ngày, vật lộn giữa sự sống và cái chết. Những gì xảy ra sau đó là một câu chuyện kỳ diệu về cuộc đời cô gái…

Cô Annette Herfkens

Cô Annette Herfkens

Cô Annette Herfkens bên bạn trai

Cô Annette Herfkens bên bạn trai

Cuộc hành trình trở lại núi Ô Kha

Cuộc hành trình trở lại núi Ô Kha
Cô là Annette Herfkens, khi xảy ra vụ tai nạn, Herfkens 31 tuổi. Cô là người duy nhất sống sót trên chuyến bay gặp nạn năm 1992 tại Việt Nam. Vụ tai nạn hàng không này đã lấy đi mạng sống của phi hành đoàn (6 người) và tất cả các hành khách khác (24 người), trong đó có cả vị hôn phu của cô - anh Willem van der Pas.

Anh Willem van der Pas là người bạn học thân thiết, là người bạn tri kỷ tri âm và chỉ còn một thời gian ngắn nữa anh sẽ trở thành chồng của Herfkens.

Khi chuyến bay mang số hiệu 474 của hãng hàng không Vietnam Airlines gặp nạn ngày 4/11/1992 ở thung lũng Ô Kha, gần Nha Trang, chỉ có mình Herfkens sống sót.

Trong suốt 8 ngày sau đó, trước khi được giải cứu, cô Herfkens đã ở một mình trong rừng, trên người đầy thương tích, xung quanh cô là những hành khách đã thiệt mạng. Cô Herfkens duy trì sự sống của mình bằng việc uống nước mưa.

Herfkens sinh ra ở Venezuela, bố mẹ cô đều là người Hà Lan. Cô công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện tại, đã là một phụ nữ 53 tuổi, bà Herfkens đang sống hạnh phúc bên gia đình ở thành phố New York (Mỹ).

Sau khi trải qua tai nạn hàng không kinh hoàng và may mắn là người duy nhất sống sót, bà Herfkens đã phải mất nhiều năm để có thể quay về với nhịp sống bình thường, trong suốt thời gian đó, bà đã từ chối mọi sự liên hệ phỏng vấn của giới truyền thông trên khắp thế giới.

Sau 22 năm, khi mọi chuyện đã lắng xuống, giờ đây, bà Herfkens mới viết một cuốn sách có tựa đề “Turbulence: A Survival Story” (tạm dịch: Bất an - Câu chuyện về sự sinh tồn). Cuốn sách vừa được xuất bản vào tháng 1 vừa qua. Trong cuốn tự truyện này, bà kể lại chi tiết về vụ rơi máy bay năm 1992.

Là một nhân viên ngân hàng cấp cao làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, bà Herfkens phải tuân thủ một luật bất thành văn của công ty, đó là không tiết lộ thông tin cá nhân một cách rộng rãi. Tuy vậy, bà đã quyết định “phá luật” và viết ra cuốn sách này như một cách để vượt lên trên những giới hạn của bản thân mình.

Cuốn “Turbulence” được đánh giá là mang nhiều chất văn học, chứa đựng cả những tình cảm, suy nghĩ sâu xa, lẫn sự lạc quan, tin tưởng của người viết. Cuốn sách ca ngợi tình yêu, sự sống và chia sẻ những nỗ lực của bà Herfkens để có thể vượt qua bi kịch, để chấp nhận sống chung với những ký ức không thể thay đổi.

Trên trang web giới thiệu về cuốn sách mới xuất bản, bà viết rằng: “Nếu bạn nghĩ sống sót sau một vụ tai nạn máy bay nghĩa là định mệnh đã trao cho bạn tấm vé may mắn trong suốt phần đời sau đó, có lẽ bạn nên nghĩ lại…”

Cuốn sách được viết theo tiến trình thời gian, đầu tiên, Herfkens chia sẻ việc làm thế nào mà bà có thể sống sót một mình trong rừng suốt 8 ngày giữa hoàn cảnh khó khăn như vậy. Herfkens cho biết trong 8 ngày đó, bà đã có một cuộc hành trình trong tâm tưởng, một trải nghiệm độc nhất vô nhị trong suốt cuộc đời, khi đó, bà đã ở rất gần cái chết.

Tuy sự thật rất khắc nghiệt nhưng những trải nghiệm kinh hoàng này khi được miêu tả lại trong cuốn sách đã không còn mang vẻ rùng rợn, chết chóc mà được Herfkens sử dụng những ngôn từ đẹp đẽ, ấm áp để tránh cho người đọc cảm giác “dựng tóc gáy”.

Phần còn lại của cuốn sách kể về những trải nghiệm của Herfkens sau khi đã an toàn sống sót trở về nước. Đứng trước bi kịch cuộc đời, Herfkens luôn cố gắng giữ cho mình lạc quan. Bà tin rằng việc mình được giải cứu và sống sót thần kỳ như vậy nhất định phải có ý nghĩa.

Bà quyết định phải xây dựng lại cuộc đời, phải tiếp tục sự nghiệp và tìm thấy tình yêu trong cuộc sống bởi sự sống của bà từ đây không được phép trở nên vô nghĩa.

Cuộc hành trình trở lại núi Ô Kha

Bà Annette Herfkens trong một lần xuất hiện trên truyền hình Mỹ để chia sẻ về trải nghiệm của người duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay.

Thực tế, Herfkens đã từng quay trở lại Việt Nam để có thể tự mình trèo lên ngọn núi Ô Kha - nơi bà từng đối diện với tử thần. Chuyến hành trình trở lại này đã giúp bà nhìn lại quá khứ một cách bình thản hơn. Đối với Herfkens, bà tin rằng cuộc sống trong thực tế hoàn toàn có thể kỳ lạ và kỳ diệu hơn cả những cuốn tiểu thuyết.

Trong “Turbulence”, Herfkens chia sẻ nhiều bài học cuộc đời mà bà rút ra sau tai nạn hồi năm 1992. Sau này, cuộc đời bà còn gặp nhiều khó khăn khác, con trai bà là một cậu bé tự kỷ. Làm mẹ của một đứa trẻ đặc biệt không bao giờ là một trải nghiệm dễ dàng nhưng đã kinh qua những chuyện khủng khiếp trong đời, bà có đủ sức mạnh tinh thần để học cách sống hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào và trao đi yêu thương vô điều kiện.

Đối với Herfkens bà tin rằng cái được luôn đi cùng cái mất. Trải nghiệm trong khu rừng ở Việt Nam năm 1992 khiến bà hiểu rằng muốn sống hạnh phúc, cần phải nhìn vào cái được, đừng chỉ xoáy sâu vào cái mất.

Cuốn sách bà vừa xuất bản được đánh giá là một “cẩm nang sống”, trong đó, nhân vật nữ chính đã vượt qua nhiều giới hạn. Những gì mà bà Herfkens viết trong sách thể hiện bà có cách nhìn thấu đáo, nhân hậu.

Bà thực sự khao khát được chia sẻ chân thành với độc giả về câu chuyện đời mình, những câu chuyện về sự mất mát, tình yêu thương, sự hồi phục và quan trọng nhất là tinh thần lạc quan trước những bi kịch khủng khiếp nhất. “Hãy để mình có được cái nhìn vừa thực tế nhưng cũng vừa đẹp đẽ về cuộc sống này”.

Cuộc hành trình trở lại núi Ô Kha

“Turbulence” thực sự đưa người đọc bước vào thế giới nội tâm của một trong những người sống sót kỳ diệu.

“Turbulence” được giới phê bình đánh giá là một cuốn hồi ký kỳ diệu về lòng dũng cảm và tình yêu thương. Herfkens - một cây bút nghiệp dư - đã viết lại những trải nghiệm của mình một cách chân thực và đầy trí tuệ.

Câu chuyện cuộc đời bà chắc chắn sẽ khơi nguồn cảm hứng cho độc giả bởi suốt cuộc đời, Herfkens luôn gặp nhiều khó khăn, thử thách, trong cả sự nghiệp và cuộc sống riêng, nhưng bà đã vượt qua tất cả để có được một cái kết có hậu.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm