Chuyện khắc trên văn bia Đình làng Kinh Lương
(Dân trí) - Ngọc Phả ba vị Đại Vương là Bậc Khai quốc có công lao lớn được phong Thần tước Triều Đinh họ Việt Thường. Và văn bia Đình làng Kinh Lương đã kể lại thân thế, công lao của ba vị Đại Vương:
Một văn bia tại đình làng Kinh Lương được lưu trong sách cổ
Trải được khoảng một hai năm, gia sản ngày thêm khá giả và dần được xếp vào hạng Hào trưởng trong làng. Vào một hôm giữa lúc đêm khuya, người vợ mộng thấy mình bỗng được bay lên trời và bẻ được bốn đóa hoa quế ôm vào trong lòng rồi chợt tỉnh giấc. 3 tháng sau, bà thấy trong mình chuyển dạ rồi có thai, đến kỳ mãn nguyệt thì đẻ ra một bọc sinh ra được ba người con trai (tức giờ Tuất, ngày 16 tháng giêng năm Ất Mùi), diện mạo khôi kỳ, thân dung dài rộng, long nhan cằm hổ, mặt cứng như sắt, toàn thân sắc đỏ, đều là khác hẳn người thường, đặt tên cho người thứ nhất là Phương, người thứ hai là Tụy và người thứ ba là Tề.
Ngày tháng thấm thoắt trôi mau, những người con đã lên 14 tuổi. Cha mẹ bèn tìm thầy cho nhập học, nhưng các người con lại đều không chịu học mà chỉ chuyên võ nghệ và giỏi binh thư. Tài nghệ của những người này giỏi đến mức các bằng hữu không ai là không kính phục.
Các ông chợt nghe thấy giặc Ma Na kháo với nhau rằng, nhà Đinh đã đến lúc suy đồi, thế vận đã hết, nên chuẩn bị binh mã để tiến đến xâm chiếm. Nhà vua lại vội vã cho truyền hịch khắp thiên hạ muôn phương để tìm người anh tài võ sĩ cùng về giúp nước, sau khi bình giặc xong sẽ ban quan tước để hiển công danh mãi ở đời sau.
Các ông nghe được hịch, bèn cùng bảo nhau đến tòa Vọng Quang làm lễ bái yết rồi đến triều đình bệ kiến. Đức Vua thấy các ông có long nha hổ tướng khác hẳn người thường nên đã bái ông thứ nhất làm Quyền chưởng trung hoa tể, ông thứ hai làm Quyền chưởng sơn đầu các châu làm tước, ông thứ ba làm Quyền chưởng thống lĩnh 15 đầu sông làm tước.
Các ông ai nấy thụ phong xong xuôi, nhà vua bèn lập tức cử binh thẳng tiến đến đồn sở quân giặc (tức đồn lập ở sông Bạch Đằng). Giáp công một trân được thua chưa phân thì nhà vua lại thoái binh về đến địa giới Bản Trang (tức trang Cảnh Thanh) rồi cho lập đồn trú binh lại một ngày. Giữa đêm hôm ấy, nhà vua mộng thấy có một vị quan nhân áo mũ chỉnh tề viết hai chữ “Bình Lãng” (tức Bình được sóng gió) để trước mặt nhà vua, vua lấy làm lạ thì người ấy tâu rằng “Ta vốn ở thiên đình, vâng mệnh giáng xuống báo cho nhà vua biết là sẽ âm phù giúp nước để mong được quốc lộc hương hỏa đến vô cùng vậy”. Nhà vua chợt tỉnh giấc, biết đây là thần báo mộng nên sáng sớm hôm sau vua sai các ông chia làm hai đạo thay nhà vua thánh giá thân chinh cử binh thẳng tiến đến đồn sở của giặc. Vậy là thủy bộ song hành đại chiến một trận, quân giặc đại bại, thuyền lớn thuyền nhỏ của giặc phần bị lửa thiêu, phần bị chìm đắm vô số và đất nước lại trở lại yên bình, giặc không còn một bóng. Sau đó các ông trở về cung sở (tức trang Cảnh Thanh). Nhà vua nghe tin thắng trận, bèn cho mở đại yến tiệc ăn mừng khao quân sỹ, thưởng gia phong, sau đó lại truyền nhân dân bản trang dựng cung đền để làm đền thờ chính phụng tự vị Thiên Quan báo mộng.
Nguồn tài liệu tham khảo: Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, thần Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Quản giám bách thần Tri điện hùng lãnh thiếu khanh Nguyễn Hiền tuân y chính bản của triều trước phụng sao lại năm Vĩnh Hưu 6 (1740). Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Viện Cao Học Thực Hành và Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong cuốn Thư mục Thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Đình Khai quốc Kinh Lương có tấm bia Tân Tạo hậu Thần bi, số 9566-9567 - có tóm tắt bia trong Văn khác Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội, KHXH, 1993, tr. 166). Văn tịch về Thần Tích và Thần Sắc về Làng Kinh Lương, Tổng Kinh Lương, Huyên Tiên Lãng, Kiến An, số TT-TS FQ 4018 X3, lưu giữ tại Viện KHXH Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam. |