Chuyện đời hóm hỉnh của “Báu vật dân gian” Hà Thị Cầu

(Dân trí)– Bu nhất nhất không chịu về với ông Chánh Trương Mậu, người chồng hết mực yêu thương bu và bu cũng sống vậy trọn cuộc đời kể từ khi ông về với Tổ Xẩm hơn nửa thế kỷ trước. Ông còn bận với 17 bà vợ trước bu, bu là người vợ thứ 18...

“Bu dành trọn tâm hồn cho Hát Xẩm”

Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu đã chọn đúng ngày Xuân, vừa qua tiết rằm tháng Giêng và cũng chỉ chừng một tháng nữa là đến ngày giỗ tổ nghề để về chốn bồng lai.
 
Nghệ nhân Hà Thị Cầu tại đêm Xẩm Hà Thành – tháng 1/2011

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tại đêm Xẩm Hà Thành – tháng 1/2011


Có lẽ như thế lại tốt hơn cho bu Cầu, từ nay bu sẽ thôi không còn phải lo mọi sự đại loại như cơm áo gạo tiền vốn đã đè nặng lên đôi vai gầy nhỏ của bu suốt cả một cuộc đời gần 90 năm qua. Giờ đây bên bu chỉ là cây đàn nhị và thỏa sức hát ca ở chốn nào đó xa xôi. Tôi tin là như vậy!

Bởi, trước ngày mất, bu đã không quên dặn chị Mận - con gái và là người nuôi dưỡng bu về điều này. Bu nói chắc như đinh đóng cột rằng chị không được cho ai hai cây đàn mà hãy để nó ở hai bên ban thờ để lúc nào bu cũng có cây đàn ở bên cạnh, lúc nào ở trong ngôi nhà mà bu gây dựng được từ việc đi hát và đã gắn bó gần cả cuộc đời với nơi đây cũng hiện diện cây đàn nhị, như sự hiện diện của bu.

Bu cấm những người con của bu dù khó khăn đến mấy cũng không được bán ngôi nhà này, phải gắn bó với nó như gắn bó với tổ tiên, phải để nó làm nơi thờ cúng bu. Nhưng bu cũng chỉ về ngôi nhà của bu chắc mỗi năm vài bận thôi, vì nơi bu chọn sau khi về với Tổ nghề chính là chốn cửa đình, cửa chùa.

Bu nhất nhất không chịu về với ông Chánh Trương Mậu, người chồng hết mực yêu thương bu và bu cũng sống vậy trọn cuộc đời kể từ khi ông về với Tổ Xẩm hơn nửa thế kỷ trước với lý lẽ ông sẽ chẳng có thời gian dành cho bu. Ông còn bận với 17 bà vợ trước bu, bu là người thứ 18 lại là em út nếu có về nơi đó sẽ chịu phận thiệt thòi.

Mà giờ đây, khi đã trọn một cuộc đời ở cõi dương thế lo cho những đứa con thành người, chị Mận là người bu lo lắng nhất bởi khi đã đến hơn 40 tuổi thanh xuân qua đi rồi mà vẫn chưa yên bề gia thất thì mấy năm gần đây duyên tơ hồng đã tới khiến bu yên lòng.

Nghề hát xẩm giờ không còn bị coi khinh đánh đồng với ăn xin nữa, bu cũng được đi hát nhiều hơn, được nhiều người yêu quý hơn và có nhiều người trẻ tìm đến bu để xin học hơn. Vậy là bu đã trọn lời hứa với tổ nghề thông qua lời dặn dò của ông chồng Chánh Trương Mậu trước lúc chia xa rằng phải giữ cho được nghề này. Vậy thì bu chọn cho mình nơi chốn linh thiêng và xa rời những vấn bận trần ai là điều cũng dễ hiểu thôi. Bu muốn dành trọn tâm hồn mình cho Hát Xẩm.

“Đời thường, bu Cầu rất hóm hỉnh”

Nhưng bu đi rồi sẽ là một khoảng trống không thể lấp đầy cho Hát Xẩm bu ơi! Rồi đây chúng tôi biết chốn nơi nao mà tìm về, mà nương tựa vào những câu Hát Xẩm đậm chất dân gian, mà thỏa mình vùng vẫy trong những cuộc trò chuyện quên thời gian với bu, để rồi từ đó ngỡ ngàng với sự hóm hỉnh và thông minh của những người Hát Xẩm.
 
Nhà nghiên cứu âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long với nghệ nhân Hà Thị Cầu năm 2008

Nhà nghiên cứu âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long với nghệ nhân Hà Thị Cầu năm 2008

Còn nhớ không biết bao lần về, lần nào cứ bước chân tới sân thì trong nhà bên ô cửa sổ bu đã vọng ra: “Mày là thằng nào?” mới đầu khiến tôi ngỡ ngàng cứ tưởng bu lớn tuổi đầu óc nhớ nhớ quên quên, nhưng rồi mới ngã ngửa hóa ra đấy là bu trêu, bởi vì bao giờ sau câu nói đấy cũng tiếp theo câu: “Thế đã lấy vợ chưa? Bao giờ lấy vợ bu sẽ lên Hà Nội mấy ngày.”

Nhưng đó mới chỉ là những màn dạo đầu, bu còn thường xuyên dùng tiếng đàn nhị thay cho lời nói, phải quen lắm và phải để ý lắm mới giải nghĩa được. Những âm thanh 2 tiếng được phát ra với âm thanh cao trước thấp sau “téo tèo”, nếu người ngồi xung quanh không giải mã được thì bu sẽ kéo thêm lần nữa, nếu mãi vẫn không hiểu thì lúc đấy bu mới nói bằng lời rằng “hết rồi”. Cũng có khi bu kéo thành 3 âm “Thôi hết rồi!”. Vừa kéo vừa bỏm bẻm nhai trầu, lúc nào cũng nhai trầu, kể cả lúc hát vẫn miếng trầu trong miệng nhưng hát vẫn đâu vào đấy, vẫn tròn vành rõ chữ.

“Vĩnh biệt thiên tài chốn dân gian!”

Cái cách hát của bu có lẽ cũng xứng đáng là một trong số ít đỉnh cao của nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam. Hát “nhấm nha nhấm nhẳng” từng chữ từng lời có chủ ý. Chẳng hạn như với bài Dứa dại không gai kể về câu chuyện một chàng trai tán tỉnh cô gái đã có con bồng bế nhưng dối chàng là chưa có gì, khi hát câu “Em nhích vào đây cho anh bóp cái anh xem” thì từ bóp được nhấn mạnh và kéo dài vuốt lên với âm lượng từ to đến nhỏ dần trong một thời gian rất nhanh. Rồi câu tiếp theo “Muốn bạc muốn tiền chẳng tiếc cô mình làm chi” thì cũng nhấn mạnh vào từng từ từng từ một nhất là các từ “muốn” và “tiếc” rồi lại để lửng câu chữ “chi” cuối cùng tạo cho người nghe thấy cách thể hiện hết sức dí dỏm. Cái cách thể hiện đấy đã khiến nhạc sĩ Thao Giang có lần phải thốt lên: “Nghệ nhân Hà Thị Cầu là thiên tài thiên bẩm của nghệ thuật dân gian Việt Nam thế kỷ 20”.
 
Nhà nghiên cứu âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long với nghệ nhân Hà Thị Cầu năm 2008

Từ trái qua: Nhạc sĩ Giáng Son, nhà nghiên cứu âm nhạc Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đến thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu dịp trước Tết 2013

Tôi còn nhớ có lần trò chuyện cùng nghệ sĩ cải lương chi bảo - NSND Bạch Tuyết sau lần chị tới thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu, bữa ấy chị không khỏi ngỡ ngàng khi nghe bà Cầu vừa đàn nhị vừa hát điệu tài tử.

NSND Bạch Tuyết ngỡ ngàng bởi quê hương của tài tử vốn miền sông nước Nam bộ, bản thân chị là người con của vùng này lại gắn bó với nghiệp ca hát nhưng biết bao năm tháng rong ruổi với nghệ ca chị đã cố tìm đâu đó trong dân gian một câu tài tử cổ nhưng tìm hoài chẳng thấy, bỗng đâu lại được nghe đúng với cái tinh thần ấy từ một nghệ nhân Hát Xẩm ở một miền quê đồng bằng Bắc bộ xa xôi.

Chị thừa nhận đó chính là phong cách rất cổ của tài tử Nam bộ đã bị thất truyền. Kể từ bữa ấy, NSND Bạch Tuyết càng thêm kính trọng người nghệ sĩ dân gian xuất sắc và thường xuyên liên lạc với tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Hôm qua, khi biết tin bà Cầu đã về với Tổ nghề, NSND Bạch Tuyết đã chủ động liên hệ và muốn qua chúng tôi gửi một lãng hoa chia tay tới người nghệ nhân mà chị kính trọng.

Ngày hôm nay, 4/3 chúng tôi trở về Ninh Bình để chia tay bu lần cuối. Thế là những cuộc trò chuyện vui vầy của chúng tôi với bu, những tiếng “bu” bình dị mà thân thương chúng tôi dành để xưng hô với nghệ nhân Hà Thị Cầu với tấm lòng kính trọng như một bậc thầy, một người mẹ dẫn dắt thắp sáng con đường nghệ thuật đầy chông gai mà chúng tôi đã chọn và đang đi từ đây sẽ không còn nhiều dịp được nói nữa.

Biết đâu khi đứng trước nơi bu đang nằm, Mai Tuyết Hoa, tôi cùng Khương Cường và cả nhạc sĩ Giáng Son nữa sẽ cùng lúc cất lên trong lòng những giai điệu Thập ân - Ngãi mẹ sinh thành, ghi khắc công ơn cha mẹ dưỡng dục và nâng niu chăm sóc con cái thành người, những lời hát mà suốt cuộc đời ca hát nghệ nhân Hà Thị Cầu đã hát không biết bao nhiêu lần trước bao nhiêu cuộc biệt ly giữa những người con với mẹ cha mình nhưng lại không thể cất lên trong ngày chính bu sẽ trở về với tổ tiên đất mẹ.
 

Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh năm 1928 tuổi Mậu Thìn nhưng tuổi khai trên giấy tờ là 1917. Chị Mận cho biết, sở dĩ khai tuổi tác không chính xác và cao lên như vậy là vì nhiều lý do, và một phần cũng do trước đây nhiều khó khăn để hưởng một ít trợ cấp.

Lễ thăm viếng bắt đầu lúc 6 giờ 30 sáng nay 4/3 lễ an táng vào lúc 9 giờ 30 sáng 5/3 tại Nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.)

 

Hà Nội rạng sáng 4/3/2013
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm