“Chuyện đi học ở xứ Kanguru”
(Dân trí) - Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của không những các bạn muốn đi du học mà cả những bậc phụ huynh, các nhà giáo và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Bìa cuốn "Chuyện đi học ở xứ Kanguru"
Chẳng hạn, về chuyện học hành, cô bé Dím học lớp 5 chia sẻ rằng: “Người ta không bắt ép mình phải nhận xét và khẳng định là cái A đẹp hay cái B xấu. Họ đặt ra rằng để có điểm A thì phải phân tích hay là nhận xét đến cái A, cái B… còn muốn nhận xét phân tích thế nào thì tùy, mỗi người một vẻ”. Và cô bé bày tỏ: “Con rất thích như thế, thế thì mới sáng tạo và dám nói ra ý kiến của mình. Nhiều lúc học văn ở nhà, con cứ phải đoán để làm sao hiểu ý cô giáo, viết trúng ý cô giáo, không được đưa ra cảm nhận riêng của mình.”
Ở Úc học sinh được truyền lửa để theo đuổi niềm đam mê của mình chứ không chạy theo nghề thời thượng, nghề danh giá. Ngay từ lớp 10, Trăng đã được thầy giáo nhấn mạnh “không cần phải quan tâm mình giỏi cái gì, chỉ cần mình thích, còn giỏi hay không tất cả phụ thuộc vào quá trình rèn luyện sau này còn rất dài.” Bà nội sang thăm các cháu, dạy thêm cho các cháu về môn Toán thì nhận xét: “Cò học lớp 3 trình độ toán chỉ bằng lớp 2. Toán lớp 5 của Dím quá đơn giản. Tuy vậy, về các mặt khác các cháu lại rất giỏi.”
Qua những bức thư, Chuyện đi học ở xứ Kangruru giữ nguyên được tình cảm gia đình ấm áp, sự chân thực, hồn nhiên trong các câu chuyện, khiến độc giả nhiều khi phải bật cười với những tâm sự ngộ nghĩnh của các bạn nhỏ.
Dưới góc nhìn của nhiều “tác giả”, lúc thì là ông bà, lúc thì là bố mẹ, khi thì là bạn Trăng lớp 10, bạn Dím lớp 5 hay bạn Cò lớp 3… người đọc cứ bị cuốn vào hết câu chuyện này đến câu chuyện khác: chuyện về giáo dục ở xứ Úc, chuyện làm thêm, chuyện tham quan, chuyện ngoài phố…
Chuyện đi học ở xứ Kangruru của tác giả Nguyễn Như Mai và Nguyễn Vũ Quỳnh Như tái bản vào tháng 3 năm nay được đánh giá là cuốn cẩm nang du học thú vị dưới hình thức của một cuốn sách văn học.
Hà Thanh