Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài:

“Chuyện của người sống, hãy để tự người sống giải quyết”

(Dân trí)- Khẳng định sự tồn tại sống động của một cõi âm với những câu chuyện chân thực, ly kỳ, xúc động về các linh hồn… là nội dung cuốn tự truyện Một thế giới khác của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài.

Kể chuyện một thế giới khác, chị có nghĩ mình đang đề cập đến một vấn đề rất nhạy cảm và khiến nhiều người hồ nghi ?

Tôi biết chứ. Các cụ có câu “mắt thấy tai nghe”, người ta thường khó tin những thứ mình không trực tiếp chứng kiến. Nhưng dù mình không nghe thấy, không nhìn thấy và không tin không có nghĩa là nó không tồn tại, chỉ là tồn tại ngoài tầm nhận thức thông thường của chúng ta thôi. Bản thân tôi cũng có vô vàn câu hỏi muốn đặt ra. Mười mấy năm trải nghiệm trong nghề, tôi luôn cố gắng tích lũy kiến thức để phần nào có thể giải đáp những câu hỏi ấy. Tôi cũng luôn mong đợi sự tiến bộ của khoa học sẽ từng bước giải thích được những gì hiện giờ cũng ta chưa biết, chưa hiểu. Còn nhạy cảm, đương nhiên rồi, vì chuyện tâm linh bị không ít kẻ lợi dụng bày trò mê tín dị đoan.

Trong cuốn sách này chị khẳng định sự tồn tại của một thế giới khác cũng như sự liên kết của nó với thế giới thực. Vậy chị có nghĩ, chính mình đang vô tình tiếp tay cho mê tín dị đoan?

Vậy đầu tiên ta phải làm rõ ra mê tín là gì đã. Mê tín không nằm ở việc chấp nhận hay bác bỏ thế giới tâm linh, mà nằm ở cách ứng xử với thế giới ấy. Bản thân tôi là người không mê tín thì làm sao mà tiếp tay cho mê tín được! Với cuốn sách này, tôi hy vọng giúp người đọc hiểu hơn về vai trò thực sự của nhà ngoại cảm, nhận biết được những thật giả trong việc áp vong gọi hồn tìm mộ bằng phương pháp tâm linh.

Tôi chia sẻ cùng người đọc những kiến giải dù còn ít ỏi của mình sau mười mấy năm trải nghiệm tâm linh. Tôi tin rằng những người thực sự đọc cuốn sách sẽ không tìm thấy dấu vết mê tín nào trong đó. Mê tín dị đoan cũng từ không biết, không hiểu mà ra. Chuyện tâm linh nằm ở vùng mờ trong nhận thức của con người, vì đó là vùng mờ nên mới khiến người ta hoang mang hay ngộ nhận và dễ bị lừa. Tri thức là ánh sáng giúp thu hẹp dần vùng mờ ấy. Tôi tin vậy và đóng góp phần tri thức ít ỏi mình khám phá được.
 
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài tại buổi ra mắt sách
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài tại buổi ra mắt sách

Ngày nay, rất nhiều người nghi ngờ về khả năng của các nhà ngoại cảm, chị nghĩ sao về việc này?

Làm sao người ta không nghi ngờ cho được khi cái danh “ngoại cảm” bị lạm dụng tràn lan gần như một vấn nạn trong xã hội. Tôi nghĩ có một số lý do như số người tiếp xúc với nhà ngoại cảm chân chính không nhiều, hoặc người ta chỉ nghe nói nghe kể, hoặc đang có những khái niệm, quan niệm hết sức lệch lạc về ngoại cảm, người ta không chịu tư duy mà chỉ đi theo hiệu ứng đám đông. Hơn nữa, khái niệm về hai chữ “ngoại cảm” cũng không rõ ràng nên mọi người không hiểu thực chất nhà ngoại cảm là người như thế nào và “ngoại cảm” có nghĩa là gì. Thậm chí có người đến gặp tôi và tự giới thiệu mình là nhà ngoại cảm nhưng khi tôi hỏi nhà ngoại cảm là gì thì chính họ cũng không trả lời được.

Người âm thường hiện về với chị trong hình ảnh như thế nào và chị tiếp xúc với họ ra sao?

Tôi thấy họ khi chỉ thấp thoáng dáng người, khi lại rõ mồn một như người đang sống vậy, tùy từng trường hợp. Họ thường hiện về giống như hình dáng lúc cận tử. Khi tôi tiếp xúc được với họ nghĩa là tôi đã nghe thấy được tiếng nói của họ, chính vì vậy tôi mới biết được tâm nguyện của họ muốn gửi gắm nhắn nhủ với người nhà những gì để tôi có thể làm cầu nối truyền tải những tâm nguyện của người đã mất cho người sống. Trong nhiều trường hợp, khi người âm hiện về thì lập tức tôi biết được thông tin về họ. Chẳng hạn họ chết vì ung thư gan, hay lúc sống họ bị nghiện dù tôi không hề có chuyên môn về y học. Còn những thông tin đó đến với tôi bằng cách nào thì chính tôi cũng không rõ. Có rất nhiều điểm trong năng lực của tôi mà đến giờ tôi vẫn chưa cách nào lý giải. Vậy nên tôi vẫn luôn nói mười mấy năm làm ngoại cảm của mình là hành trình khám phá thế giới tâm linh. Chính tôi vẫn đang học và tìm hiểu.

Chị thấy người âm có điểm gì đặc biệt?

Tôi chưa dám kết luận, chỉ có một vài nhận định dựa trên nhưng người âm mà tôi gặp.Hầu hết họ đều nhớ nhung người thân ruột thịt ở cõi trần. Họ thường nhắc lại những kỉ niệm của mình khi tại thế, họ nuối tiếc cuộc đời, họ nói được sống trên đời là quý nhất, khổ sở thế nào thì cũng quý nhất. Và đa người âm về thường khuyên người thân của mình sống có tâm, bao dung, tha thứ hơn.
 
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài cùng thân nhân gia đình liệt sỹ sang
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài cùng thân nhân gia đình liệt sỹ sang
Lào tìm mộ.

Chị có nhắn nhủ gì với những người ngày đêm vẫn đang ưu tư chuyện đi tìm mộ người thân?

Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng nhà ngoại cảm là những người có năng lực đặc biệt và đang sử dụng siêu năng lực ấy để giúp các thân nhân tìm mộ người đã khuất. Tuy vậy, không có nghĩa nhà ngoại cảm là “ông thần, bà thánh”. Thế nên, trên thực tế, xác suất tìm được - tìm đúng mộ phụ thuộc 80% vào gia đình người đã khuất, còn nhà ngoại cảm chỉ chiếm 20% vai trò trong công cuộc này. Sau khi tìm thấy mộ, không được bỏ qua một công đoạn cuối cùng nhưng rất quan trọng là kiểm chứng các thông tin về ngôi mộ và hài cốt được tìm thấy. Làm như vậy tuy tốn kém công sức, tiền của nhưng mối hồ nghi về nấm mồ được tìm thấy sẽ được dẹp bỏ hoàn toàn.

Cuối cùng, tôi nghĩ không nên quá nôn nóng, ào ào đi tìm mộ qua những lời đồn thổi. Bởi lẽ tìm được mộ là một điều tốt. Nhưng nếu không tìm được thì hãy thành tâm hướng về người đã khuất. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là gì? Tôi nghĩ, đó là việc con người ta không bao giờ lãng quên nhau.

Nguyễn Ngọc Hoài là một trong mười nhà ngoại cảm xuất được Hội đồng khoa học của 3 cơ quan (Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA-VUSTA, Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống) tặng thưởng Gương Huyền thông A1000 (là giải thưởng dành cho các nhà ngoại cảm xuất sắc đã giải mã được trên 1.000 thông tin về mộ liệt sĩ thất lạc).

Hiện chị là cán bộ Ban Nghiên cứu các khả năng đặc biệt, thuộc Liên hiệp Khoa học UIA, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đời sống tâm linh, thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông.

 
 
Phạm Tuân