Chương trình "Người lạ cùng sinh con" gây tranh cãi

(Dân trí) - Một chương trình truyền hình thực tế ghi lại câu chuyện của những con người xa lạ, không có rung động lứa đôi, nhưng quyết định sẽ cùng nhau sinh con, nuôi con hiện tại đang gây tranh cãi.

Một chương trình truyền hình mới của Anh có tên "Strangers Making Babies" (Người lạ cùng sinh con) hiện tại đang gây tranh cãi, chương trình xoay quanh những cặp đôi xa lạ đến với nhau vì mục đích trước hết là muốn có con chung, họ có thể không có những rung động cảm xúc lứa đôi nhưng mong muốn cùng gắn bó trên tinh thần tích cực nhất để có con chung và cùng nuôi con sau đó.

Chương trình này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế, nó đang xoay quanh một hiện tượng đã xuất hiện trong đời sống xã hội hiện nay, khi nhiều người trưởng thành lựa chọn việc cùng làm cha mẹ ở thời điểm thích hợp với họ, thay vì phải tìm được người bạn đời ưng ý mới tiến tới việc lập gia đình và sinh con.

Trước làn sóng dư luận tranh cãi, nhà sản xuất đánh giá nội dung chương trình đang phản ánh một hiện tượng thực tế đã diễn ra trong xã hội.

Chương trình Người lạ cùng sinh con gây tranh cãi - 1

Một chương trình truyền hình thực tế ghi lại câu chuyện của những con người xa lạ, không có rung động lứa đôi, nhưng quyết định sẽ cùng nhau sinh con, nuôi con hiện tại đang gây tranh cãi.

Trong vài năm trở lại đây, số lượng website và diễn đàn với mục đích kết nối những người có nhu cầu "cùng làm cha mẹ" ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Anh. Ước tính hiện tại có khoảng 70.000 người đăng ký tham gia những website và diễn đàn như thế này để tìm được "đối tác phù hợp".

Nhiều phụ nữ độc thân trong xã hội hiện đại cảm thấy lo lắng trước một thực tế rằng đồng hồ sinh học của họ đã dần đi vào những nhịp lý tưởng cuối cùng để có thể sinh con một cách thuận lợi nhất, họ cần nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian còn lại.

Những người đàn ông tham gia vào các website và diễn đàn "tìm đối tác" dạng này cũng có cho mình rất nhiều lý do, nhưng tất cả họ đều mong muốn có con hoặc có thêm con.

Trong chương trình "Strangers Making Babies", các chuyên gia sẽ đến từ ba lĩnh vực, gồm lĩnh vực hẹn hò - mai mối, lĩnh vực sản khoa và chuyên gia tư vấn pháp lý. Họ sẽ hỗ trợ các ứng viên để tìm được người phù hợp nhất với mình, cùng có mong muốn làm cha mẹ. Sau khi được ghép cặp, những người này sẽ có những cuộc gặp gỡ để tìm hiểu.

Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện này sẽ rất cởi mở với những đối thoại thực tế, giúp đôi bên hiểu về nhau, có sự chia sẻ, đồng cảm, nhưng đồng thời cũng làm rõ những vấn đề có thể phát sinh về sau, như việc mỗi bên sẽ có những chăm sóc, trách nhiệm như thế nào với đứa trẻ ra đời, trẻ sẽ sống với ai, trong giai đoạn nào...

Những bài kiểm tra sức khỏe cũng được thực hiện sau khi đôi bên cảm thấy họ có thể chia sẻ, đồng cảm được với nhau.

Bên cạnh những bài kiểm tra sức khỏe, những cuộc gặp gỡ chia sẻ, cùng hàng loạt đánh giá khác cũng sẽ được chương trình thực hiện để đánh giá khách quan mức độ tương hợp trong quan điểm sống của hai ứng viên, từ các giá trị trong cuộc sống mà họ đề cao cho tới những thú vui mà họ theo đuổi.

Chương trình Người lạ cùng sinh con gây tranh cãi - 2

Xã hội của chúng ta đang thay đổi rất nhiều. Người ta càng lúc càng phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, mệt mỏi...

Ngoài ra, khi đến bước cuối cùng là cùng nhau sinh con, sẽ có những chuyên viên tư vấn pháp luật hỗ trợ cho các cặp đôi để mọi việc diễn ra thỏa đáng với cả đôi bên, với những cam kết cụ thể, thống nhất.

Bác sĩ Marie Wren, người tham gia hỗ trợ chương trình "Strangers Making Babies" nhận định rằng chương trình này là thực tế và cần thiết bởi ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến cô để được hỗ trợ việc sinh con với người phù hợp, dù có thể giữa hai người không có tình cảm lứa đôi hoặc ràng buộc hôn nhân:

"Xã hội của chúng ta đang thay đổi rất nhiều. Người ta càng lúc càng phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, mệt mỏi, nhiều người cảm thấy quá khó để tìm được một ai đó phù hợp và gây dựng một gia đình, sinh con đẻ cái dựa trên nền tảng tình yêu.

"Việc thụ tinh nhân tạo đối với phụ nữ độc thân, hay việc nhờ người mang thai hộ đối với nam giới độc thân không phải là lựa chọn lý tưởng hay phù hợp đối với tất cả những người độc thân. Đôi khi, họ vẫn mong muốn được làm cha, làm mẹ có cặp có đôi để nhận được sự hỗ trợ từ phía còn lại, khi sức khỏe hoặc cuộc sống của họ có những biến động bất ngờ, đó là ưu thế không thể phủ nhận".

Chương trình "Strangers Making Babies" được thực hiện trong vòng một năm qua, ngay cả việc cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19 cũng không thể làm chương trình bị ngừng lại, các cặp đôi tiềm năng vẫn trò chuyện trực tuyến với nhau.

Trinity, một phụ nữ đến từ hạt Essex, Anh, đã tham gia chương trình này với mong muốn có con và không phải nuôi con một mình: "Tôi đã trải qua nhiều mối quan hệ, nhưng không có mối quan hệ nào đưa đến kết quả mà tôi mong muốn. Tôi không muốn làm mẹ đơn thân hay phải hoàn toàn nuôi con một mình.

"Tôi có một số vấn đề sức khỏe, việc một mình nuôi con thực sự khiến tôi sợ hãi cho chính đứa trẻ. Tôi cũng phải đi làm, việc nuôi con một mình khi ấy là quá khó khăn. Tôi mong muốn người con của mình có cha, điều đó tốt cho chính đứa trẻ. Nhưng nếu tôi cứ chờ đợi phải tìm được tình yêu, điều đó có thể sẽ không bao giờ xảy ra".

Đối với mọi phụ nữ, hầu như ai cũng từng bắt gặp câu hỏi: Tôi sẽ chờ đợi tình yêu hay sẽ lựa chọn người phù hợp dù tôi không yêu?

Chương trình Người lạ cùng sinh con gây tranh cãi - 3

Đối với mọi phụ nữ, hầu như ai cũng từng bắt gặp câu hỏi: Tôi sẽ chờ đợi tình yêu hay sẽ lựa chọn người phù hợp dù tôi không yêu?

Cô Venicia (34 tuổi) đến từ thị trấn Croydon, Anh, có một sự nghiệp ổn định, thu nhập tốt, cô đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau để phục vụ công việc, nhưng vì vậy mà cô không có điều kiện gắn bó dài lâu với bất cứ người bạn trai nào:

"Tôi thích ý tưởng có thể kiểm soát được tương lai và lựa chọn sinh nở của mình. Về việc tìm đối tác sinh con, tôi thấy đó là điều rất thực tế, bởi chúng ta có thể tự tin về tiềm lực kinh tế, sự hiểu biết của bản thân nhưng về mặt cảm xúc, chúng ta không thể nói trước được điều gì, có người hỗ trợ vẫn tốt hơn".

Một ứng viên nam có tên Jean-Paul (50 tuổi), đã trải qua ly hôn, có các con trai đã ở tuổi trưởng thành và hiện giờ mong muốn có thêm con, Jean-Paul chia sẻ: "Cảm xúc yêu đương có thể khiến người ta trở nên không hoàn toàn tỉnh táo, sáng suốt trong tư duy. Nhưng trong chương trình này, mọi người đều tư duy rất rõ ràng, mạch lạc".

Trước sự ra mắt của chương trình "Strangers Making Babies", nhiều người cho rằng một đứa trẻ chỉ có thể trưởng thành tốt nếu cha mẹ của trẻ yêu thương nhau và có một mối quan hệ gia đình hạnh phúc theo phong cách truyền thống.

Ông Harry Benson, giám đốc một trung tâm hỗ trợ hôn nhân đánh giá: "Có những bằng chứng cho thấy trẻ nhỏ sẽ phát triển tốt nhất khi có cha mẹ cùng chung sống dưới một mái nhà". Trong khi đó, những cặp đôi tham gia chương trình "Strangers Making Babies" nhiều khả năng không lựa chọn phương án sống chung.

Nhưng ngay cả khi các cặp đôi tham gia chương trình đã có đủ mọi tiêu chí phù hợp để cùng nhau sinh con, họ vẫn sẽ gặp những khó khăn tâm lý đến từ các thủ tục pháp lý hay từ những vấn đề sức khỏe bất ngờ phát sinh.

Một trong những điều thú vị nhất của chương trình này chính là xem cách các cặp đôi bỏ qua những kỳ vọng lãng mạn để cùng nhau hoạch định một kế hoạch thực tế. Ngay cả những cuộc gặp gỡ của họ cũng rất khác so với những cuộc hẹn hò. Thực tế, trong quá trình tìm hiểu, không ít cặp đôi của chương trình đã nảy sinh tình cảm và có những sự gắn bó chân thực.

Chương trình "Người lạ cùng sinh con" gây tranh cãi