Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chương trình nghệ thuật đặc biệt ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội vào tối 30/8.

Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chương trình được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp để nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Một tiết mục được biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt. (Ảnh: Minh Đức -TTXVN)

Một tiết mục được biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt. (Ảnh: Minh Đức -TTXVN)

Đến dự chương trình nghệ thuật đặc biệt này có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện nhiều Bộ, ban, ngành và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại chương trình, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ: Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi vào cõi những người hiền, để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một sự nghiệp vĩ đại, một di sản tinh thần vô giá, là tư tưởng và đạo đức của Người, đặc biệt là bản Di chúc thiêng liêng. Di chúc là một văn kiện bất hủ, thể hiện đạo đức, tư tưởng và tâm hồn cao đẹp của vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. 45 năm qua, Di chúc của Người đã soi đường, cổ vũ, động viên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Di chúc của Người khẳng định thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời thấu hiểu sự gian khổ, vất vả hy sinh của nhân dân trong cách mạng và trong kháng chiến, Người căn dặn Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt nhằm phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Di chúc của Người là công trình đúc kết ở tầm cao lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những chỉ dẫn vô cùng quý giá.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào sức mạnh đoàn kết, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân - những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, Người khẳng định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam cần có sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân thế giới. Di chúc của Người thể hiện tình thương yêu bao la, sự quan tâm sâu sắc của vị lãnh tụ với tất thảy các tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, thương binh, gia đình liệt sĩ. Người căn dặn Đảng ta luôn chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội để mỗi người dân có điều kiện phát huy, cống hiến đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Người nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cách mạng cho đời sau…

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiệt tác của vị lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa trông rộng, một chiến sĩ cách mạng suốt đời trân trọng, yêu thương con người, phấn đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc của con người. Những căn dặn cuối cùng của Người, trong bản Di chúc thật giản dị mà vô cùng sâu sắc, tư tưởng lớn, đạo đức, tính nhân văn sáng ngời trong Di chúc, mãi mãi soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu vì mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện lời thề thiêng liêng trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện Di chúc của Người, lập nên những thắng lợi vẻ vang qua từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thức sâu sắc rằng: Đảng ta, nhân dân ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chương trình nghệ thuật đặc biệt ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới này, chúng ta cùng nhau ôn lại lời dạy của Người: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Để hoàn thành sứ mệnh đó, Người khẳng định: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ văn hóa nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân trước hết là công nông binh. Văn hóa nghệ thuật cũng như các hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế, chính trị. Sự khẳng định của Người đã xác định vị trí, vai trò của văn hóa cũng như nhiệm vụ của văn nghệ sĩ đối với Tổ quốc, nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tin tưởng, đặt kì vọng vào đội ngũ văn nghệ sĩ, đồng thời mong muốn những người làm công tác văn hóa, thực hiện tốt chức năng của mình, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng ta…

Chương trình nghệ thuật do các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hãng phim Thời sự tài liệu khoa học Trung ương phối hợp thực hiện, biểu diễn.

Một tiết mục được biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt. (Ảnh: Minh Đức -TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Ở phần một của Chương trình, các nghệ sỹ đã ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới qua các màn hát múa đặc sắc, các ca khúc đã làm rung động hàng triệu người Việt Nam nhiều thế hệ. Đó là ca khúc "Từ làng Sen" (Phạm Tuyên); "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch" (Văn Cao), "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" (Trần Kiết Tường); "Người là Hồ Chí Minh) (Ewan Mac Coll).

Phần 2 của chương trình khắc họa những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam qua 45 năm thực hiện Di chúc của Người. Trong đó, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 là điểm mốc quan trọng, bước ngoặt lịch sử, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện điều mong mỏi trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới gần 30 năm qua và đã gặt hái được thành quả, từng bước thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân như di nguyện của Bác Hồ…

45 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn tâm huyết cuối cùng của lãnh tụ kính yêu, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới trước lúc đi xa. Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng quyết tâm thực hiện Di chúc và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lựa chọn: xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Theo Thanh Giang
TTXVN