Chương trình Gặp nhau cuối năm: Vì sao hơn 10 năm không thay đổi diễn viên chính?

Hơn 10 năm làm chương trình Gặp nhau cuối năm nhưng từ đó đến nay, dàn diễn viên chính vẫn không thay đổi. Đã có ý kiến cho rằng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải quá ưu ái các gương mặt thân mà không tạo cơ hội cho các diễn viên mới được thử sức.


Hơn 10 năm qua, dàn diễn viên chính vẫn được giữ nguyên. Ảnh: TL

Hơn 10 năm qua, dàn diễn viên chính vẫn được giữ nguyên. Ảnh: TL

Khó tìm được diễn viên hài ăn ý

Giữa rất nhiều các chương trình hài Tết, hơn 10 năm qua, chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV vẫn luôn giữ vị trí số một trong lòng khán giả, dù dàn diễn viên tham gia chủ yếu là miền Bắc và không hẳn đều là những nghệ sĩ hài đình đám nhất hiện nay. Cũng có ý kiến nghi ngại rằng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải quá an toàn khi giữ nguyên êkíp như nhiều năm qua mà ít đổi mới diễn viên. Vì vậy, dù luôn có ý thức "đổi món" nhưng năm nào vẫn bị phàn nàn là thiếu đổi mới, diễn viên đều là các gương mặt quen.

Từng nhiều lần bị "chất vấn" về vấn đề này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, đòi hỏi đó của khán giả là chính đáng nhưng các nhân vật trong chương trình như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu đều đã được ấn định trong lòng khán giả. Nếu thay đổi sẽ lại có những thắc mắc "Vì sao lại đổi?" và có những so sánh với người đóng trước. Chưa kể, diễn viên hài đủ sức gánh vác những vai diễn nặng ký như vậy không nhiều.

Dù tham tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm không thường xuyên, nhưng nghệ sĩ Thành Trung khá hiểu lý do vì sao chương trình ít có sự đổi mới về diễn viên. "Muốn có sự thay đổi thì đầu tiên phải có diễn viên với khả năng diễn hài tương xứng. Nhưng các nghệ sĩ kế cận trong lĩnh vực hài không nhiều. Có những người xuất sắc trên sân khấu kịch nhưng không thể diễn được hài. Điều đầu tiên là phải có sức khỏe, vì chương trình tập ròng rã trong suốt một tháng, lại chủ yếu tập vào ban đêm. Quan trọng hơn cả là khả năng ứng biến trên sân khấu và sự ăn ý với nhau trong diễn xuất. Nhưng để có được sự ăn ý đó thì họ phải có một quá trình làm việc với nhau nhiều lần. Ví dụ như Xuân Bắc - Tự Long, ngoài việc là bạn diễn thì họ còn là đôi bạn rất thân, quá hiểu nhau về tính cách, thậm chí chưa nói ra họ đã hiểu ý nhau rồi. Hay như anh Quang Thắng và chị Vân Dung cũng vậy... Đó chính là "chất liệu" để họ luôn là những diễn viên có lối diễn tự nhiên, luôn tung hứng và hỗ trợ cho nhau. Nếu để người khác đảm nhiệm vai Bắc Đẩu thay anh Công Lý hoặc ngược lại thì tôi tin là sẽ vừa mất thời gian để diễn viên khác thích ứng mà hiệu quả cũng khó được như ý muốn".

Nghệ sĩ Công Lý cũng từng mong muốn đổi vai Bắc Đẩu. Các nghệ sĩ Xuân Bắc, Quốc Khánh cũng từng bày tỏ được "thoát" khỏi vai Nam Tào và Ngọc Hoàng để được thử sức ở vai Táo, vai khác. Nhưng suy đi tính lại, họ đành gạt sở thích cá nhân sang một bên để hiệu quả vai diễn được đảm bảo. Sự làm mới được đổi qua cho các Táo hoặc mỗi năm xuất hiện một nhân tố "ngoại đạo" để chương trình được phong phú hơn. Ví dụ, năm ngoái có sự tham gia của ca sĩ Tuấn Hưng vào vai Thiên Lôi. Năm trước nữa, nhân vật này cũng được ca sĩ Minh Quân thể hiện khá thành công.

Quang Thắng, Thành Trung tiết lộ hậu trường

Chương trình Gặp nhau cuối năm: Vì sao hơn 10 năm không thay đổi diễn viên chính? - 2

 

Trong thời gian tập chương trình, các nghệ sĩ luôn phải ăn, ngủ cùng nhau trong vòng một tháng. Ảnh: TL

Thời điểm cuối năm là lúc các nghệ sĩ hài đắt show nhất. Ngoài diễn cho nhà hát, họ còn làm đĩa cho các đơn vị tư nhân, tham gia các tiểu phẩm của đài truyền hình... Chính vì vậy mà tham gia Gặp nhau cuối năm, các nghệ sĩ đều phải tập vào buổi tối từ 7h tối hôm trước đến 4-5h sáng hôm sau.

Nghệ sĩ Thành Trung cho biết, mỗi năm đến dịp diễn chương trình Táo quân là các nghệ sĩ được dịp giảm cân vì giờ giấc thay đổi, ăn uống qua loa. Vất vả như vậy nhưng ai cũng rất muốn được tham gia. Nghệ sĩ Thành Trung chia sẻ: "Cuối năm tôi cũng có nhiều show, nhưng hễ được mời tham gia Gặp nhau cuối năm là tôi gạt hết sang một bên để góp mặt. Ngoài việc chương trình vốn là thương hiệu mạnh, được phủ sóng đến khán giả cả nước, quan trọng với tôi, đó là dịp để được làm việc với những nghệ sĩ tên tuổi. Mỗi lần như thế, tôi học hỏi được rất nhiều”.

So với các nghệ sĩ Xuân Bắc và Công Lý, nghệ sĩ Quang Thắng có phần "lãi" nhất vì mỗi năm, anh lại được làm một Táo khác nhau, như: Táo Giáo dục, Táo Kinh tế, Táo Quy hoạch... Năm nay, anh tiếp tục tham gia nhưng vào vai gì thì đó là một bí mật để giữ sự bất ngờ cho khán giả.

Đang công tác tại Đoàn Kịch nói Hải Phòng nên trong quá trình tập chương trình, Quang Thắng thường xuyên phải đi lại giữa Hà Nội – Hải Phòng. Anh bảo, do quen rồi nên giờ giấc thất thường của anh vào dịp cuối năm không còn là “đề tài” khiến vợ con giận dỗi nữa. Để đảm bảo sức khỏe, “nhà đài” còn sắm mấy cái giường gấp để các nghệ sĩ thay nhau nghỉ ngơi trong lúc chờ đến vai của mình. Có hôm cũng chỉ ăn mỳ tôm cho qua bữa nhưng vẫn thấy no vì được sống trong không khí luôn tràn ngập tiếng cười và tranh luận của các nghệ sĩ.

Với nhiều năm tham gia chương trình, Quang Thắng cho biết, kịch bản chỉ là chất liệu ban đầu. Trong lúc tập, có nhiều chi tiết được bổ sung, chỉnh sửa bằng chính đạo diễn hoặc từ chính kinh nghiệm diễn xuất của các nghệ sĩ. "Với nhiều năm làm nghề, sự ngẫu hứng, tung hứng là điều mà ai cũng có. Chính vì vậy mà với chương trình có thời lượng gần 3 giờ đồng hồ, thường phải tập 2 - 3 tháng thì chúng tôi chỉ tập trong một tháng là xong", nghệ sĩ Quang Thắng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các nghệ sĩ đã nhận được lời mời tham gia và đang lên kế hoạch tập dượt. Nhưng năm nay, cả kịch bản chương trình, lịch tập của các nghệ sĩ cũng sẽ được giữ bí mật.

Khi được hỏi, nếu chọn một sự kiện nổi bật trong năm để đưa vào kịch bản Táo quân năm nay, nghệ sĩ Thành Trung cho biết: "Tôi sẽ chọn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa bao giờ, bữa cơm hàng ngày của chúng ta lại gần với nghĩa địa như vậy. Thông tin đưa ra sẽ vừa mang tính trào lộng, phê phán, vừa có tác dụng cảnh báo để các cơ quan chức năng có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Với nghệ sĩ Quang Thắng: "Nếu chọn, tôi sẽ chọn sự kiện Bộ GD&ĐT bỏ môn Lịch sử để tích hợp vào các môn khác. Tại sao tôi chọn sự kiện này mà không phải là các vụ án giết cả nhà gây chấn động trong năm? Vì việc bỏ môn Lịch sử có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ sau này. Có rất nhiều sự kiện gây chú ý trong năm nhưng khi đã đưa lên sân khấu Gặp nhau cuối năm thì nó phải mang tính tiêu biểu, gây tác động đến xã hội chứ không phải là để tổng kết các ngành.

Theo Tuấn Kiệt

Báo Gia đình & Xã hội