“Chúng tôi thấy có lỗi khi “bất lực” trước nỗi đau của NSƯT Anh Dũng”

(Dân trí) - Nhiều nghệ sĩ đã từng gắn bó với NSƯT Anh Dũng nhiều năm ở nhà hát Kịch Việt Nam đã lên tiếng chia sẻ về những nỗi buồn đau, và cả những “bất công” mà nghệ sĩ từng phải chịu đựng…

NSƯT Trung Anh

“Chúng tôi thấy có lỗi khi “bất lực” trước nỗi đau của NSƯT Anh Dũng”

Tôi rất tiếc thương khi nghe tin anh Dũng mất. Đối với chúng tôi, anh Dũng là một người anh lớn, trong cả nghề nghiệp- trong cả đời sống.

Khi anh Dũng làm Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam, chúng tôi biết có một số kẻ cơ hội, dựa thế quen biết, muốn làm loạn nhà hát đã tìm cách hãm hại anh Dũng. Việc bị buộc thôi chức Giám đốc chắc chắn không nằm ở cái bằng Đại học, mà là chuyện bè phái- hãm hại nhau của một bộ phận nhỏ trong nhà hát.

Vào thời điểm ấy, phía các cơ quan lãnh đạo ở trên cũng có những động thái đối xử không công bằng với nhà hát Kịch Việt Nam nói chung và với anh Dũng nói riêng. Khi ấy, người ta đã đổ bao nhiếu “thứ” lên đầu anh Dũng. Chúng tôi biết, nhưng những gì đã làm, chúng tôi cũng chỉ giúp anh Dũng được một phần rất nhỏ.

Khi chị Thanh ra đi, quả thực, thêm một cú sốc nữa lên đầu, khiến anh Dũng thêm buồn đau, u uất những năm tháng cuối đời.

Trường hợp của anh Dũng khiến tôi nhận ra rằng, đôi khi, nghệ sĩ chúng tôi bị… coi rẻ quá mức.

Khi anh Dũng bệnh ốm, anh em chúng tôi nhiều lần đến thăm hỏi anh. Tất cả chúng tôi vẫn luôn trân trọng, quý mến anh như khi anh là người anh lớn của nhà hát Kịch VN. Anh ấy không chỉ là một nghệ sĩ tài năng, còn là diễn viên đầy đam mê, nhiệt huyết với nghề. Sống tận tình, tận nghĩa với anh em.

Để anh ấy ra đi trong sự u buồn như vậy, cá nhân tôi như cảm thấy có lỗi. Có lỗi vì đã… bất lực trước những đau buồn của anh ấy. Nhìn thấy đấy mà chẳng thế giúp được gì.

Diễn viên Xuân Bắc

“Chúng tôi thấy có lỗi khi “bất lực” trước nỗi đau của NSƯT Anh Dũng”

Chú Dũng (NSƯT Anh Dũng) và chị Phương Thanh (NSND Phương Thanh) là thế hệ của những nghệ sĩ tài năng và chân chính.

Chú Dũng là người đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện cho tôi được vào nhà hát Kịch Việt Nam. Chị Phương Thanh là người đã có công dìu dắt, hướng dẫn cho tôi những vai diễn đầu tiên, trong đó có vai Núi trong phim “Sóng ở đáy sông”.

Tôi là diễn viên đi làm ngoài nhiều, ít đến nhà hát, thường khi nào có vở có vai- tôi mới về nhà hát. Bởi vậy, những nội tình trong nhà hát, tôi cho rằng, có thể có những phức tạp- nhưng cuộc sống vốn vẫn phức tạp như thế. Những đấu đá, tranh giành… nếu có, nói ra cũng chẳng giải quyết được việc gì. Thậm chí, những câu chuyện ấy nói ra dưới góc nhìn mập mờ lại càng khiến cho những người “mập mờ” càng “mập mờ” hơn.

Tôi chỉ biết, trước khi chú Dũng làm Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam, sân khấu miền Bắc không hề huy hoàng, náo nhiệt. Sau khi chú Dũng không làm Giám đốc nữa, sân khấu miền Bắc cũng chẳng náo nhiệt, huy hoàng hơn. Nói như vậy để thấy, việc cho rằng chú Dũng làm quản lý kém là không có cơ sở. Đó là giai đoạn khó khăn chung của sân khấu, và chú Dũng trở thành Giám đốc vào đúng thời điểm khó khăn mang tính “lịch sử” ấy.

Cá nhân tôi luôn ủng hộ chú Dũng (và tất cả các đời giám đốc). Quan điểm của tôi là, thà cùng nhau vượt qua khó khăn còn hơn là “dìm nhau” và ôn nghèo kể khổ.

Tôi gắn bó với chú Dũng và có nhiều kỷ niệm. Nhớ khi 2 chú cháu cùng làm phim “Nối lại một chân dung”, sát giờ hoàn thiện, phim còn thiếu một trường đoạn khoảng 70 cảnh, và phải quay xong trong 1 ngày. Vậy là tôi vừa là thư ký trường quay, vừa là phó đạo diễn, vừa là đạo cụ, vừa là diễn viên… hỗ trợ chú, để phim hoàn tất đúng vào 12h đêm.

Còn nhiều kỷ niệm khác, kể không thể hết được.

Chú Dũng mất đi, tôi vô cùng thương tiếc. Tiếc thương một nghệ sĩ tài năng, nghị lực. Chỉ trong vòng 2 năm mà cuộc sống của chú xảy ra quá nhiều việc.

Sau Tết, tôi và chú vừa gặp nhau tại một sự kiện. Thấy chú vui lắm, chú kể, chú đang có dự án phim 2 tập và bảo tôi “Đi làm với chú nhé”, tôi còn bảo, “Vâng, cháu đi ngay”.

Cuộc đời phức tạp. Chú đã đi rồi, có lẽ, nên khép lại tất cả mọi việc. Nói thêm cũng chẳng để làm gì.

Tôi tiếc thương chú, tiếc thương một người tốt vừa mới ra đi. Và sẽ luôn nhớ về chú như nhớ về một người thực sự tốt đã không còn.

Diễn viên Thân Thanh Giang

“Chúng tôi thấy có lỗi khi “bất lực” trước nỗi đau của NSƯT Anh Dũng”

Nghe tin chú ra đi thực sự tôi rất sốc, mặc dù biết điều đó sẽ xảy ra khi tôi đến viện thăm chú. Chú Dũng là người tôi mang ơn rất nhiều trong quãng thời gian công tác tại nhà hát Kịch VN. Chú là người rất lo lắng và tạo cơ hội cho lớp trẻ- khi chúng tôi chỉ vừa mới bước chân về nhà hát. Chú là Giám đốc tận tình với diễn viên trẻ nhất.

Còn nhớ những buổi tập thông trưa, tối để ra một vở kịch, chú Dũng lúc nào cũng ra sân khấu động viên chúng tôi. Chú thường vỗ vai bảo tôi “Cố lên cháu, nghệ sĩ như chú cháu mình cần mỗi tác phẩm chứ cần gì đâu”

Nói đến những nỗi buồn của chú Dũng, có lẽ, chú là người nghệ sĩ bất hạnh nhất. Chú cống hiến và đầy nhiệt huyết với nghề nhưng cuối cùng lại chẳng nhận được gì. Diễn viên trẻ như chúng tôi chẳng thể làm được gì. Tôi thương chú Dũng về mọi mặt. Chú khổ và bất hạnh lắm…

Tôi đến thăm chú nhiều lần khi chú nằm viện, nhưng chú không còn nhận ra ai nữa rồi. Vậy là chú đã đi, nhưng chắc chắn một điều, chú Dũng sẽ luôn ở trong tim chúng tôi. Tôi muốn nói với chú, “Cháu yêu và kính trọng chú nhiều lắm, chú ạ”.

Hiền Hương