“Chúng ta “trói” ảnh nude chứ ảnh nude đâu tự trói mình?”
(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho rằng, trước nay, ảnh nude nghệ thuật vẫn vướng phải những cái nhìn định kiến thì từ nay công chúng sẽ có sự đối trọng để nhìn nhận một cách chuẩn mực hơn. Người ta sẽ có sự so sánh để nhìn nhận đâu là sự dung tục và đâu là nghệ thuật.
Ảnh nude nghệ thuật vừa được “cởi trói” sau nhiều năm không được cấp phép tổ chức triển lãm. Anh nhìn nhận gì về câu chuyện này?
Cái này đâu phải “cởi trói” mà chẳng qua đến lúc phải mở cửa thôi. Khi những tác phẩm nghệ thuật được công chúng công nhận thì cơ quan quản lý không thể cứ khư khư quan điểm của riêng mình được. Triển lãm ảnh nude của Hạo Nhiên lần này sẽ là bước khởi đầu cho những bước tiếp theo. Với tư cách là nhiếp ảnh gia có 20 năm theo đuổi mảng đề tài này tôi thấy vui vì điều đó.
Anh có nghĩ rằng, việc khắt khe với triển lãm ảnh nude nghệ thuật thời gian qua đã gây nhiều thiệt thòi đối với công chúng thưởng thức nói chung và giới nhiếp ảnh nói riêng?
Đấy cũng là điều mà cá nhân tôi và nhiều người như tôi trăn trở. Triển lãm lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để các nhiếp ảnh gia có thể đưa tác phẩm mang tính chuẩn mực của mình đến gần hơn với công chúng thông qua kênh triển lãm chính thống và tập trung, được bảo chứng bởi cơ quan quản lý cấp phép.
Trước nay, ảnh nude vẫn vướng phải những cái nhìn định kiến thì từ nay công chúng sẽ có sự đối trọng để nhìn nhận một cách chuẩn mực hơn. Đặc biệt, việc giúp công chúng tiếp xúc được với những tác phẩm nghệ thuật chính thống vốn bị xem nhạy cảm để họ có sự phân biệt với những hình ảnh vớ vẩn, không chính thống lan toả trên cộng đồng mạng xưa nay. Người ta sẽ có sự so sánh để nhìn nhận đâu là sự dung tục và đâu là nghệ thuật. Thực ra, ở gốc độ nào đó, chính chúng ta “trói” ảnh nude chứ ảnh nude đâu tự trói mình.
Bản thân anh đã bao giờ có ý định xin cấp phép tổ chức triển lãm ảnh nude nghệ thuật chưa?
Tôi chưa bao giờ có ý định đó nên cũng chưa bao giờ xin. Vì tôi suy nghĩ theo cách khác. Khi tôi đã trang bị đủ các hành trang cần thiết, được giới nhiếp ảnh trong ngoài nước lẫn truyền thông công nhận, được trao nhiều giải thưởng lớn thì đó là một nền tảng chắc chắn để tôi tiếp tục đi theo con đường của mình.
Kể cả bây giờ cơ chế đã mở cửa thì tôi cũng không có ý định triển lãm vì mục đích của tôi là đưa tác phẩm đến với cộng đồng hoặc những người đồng cảm và tiếp xúc tác phẩm ở một gốc độ nào đó chứ không nhất thiết phải bằng triển lãm trực tiếp. Một cuộc triển lãm với tôi có hai ý nghĩa. Thứ nhất là chúng ta muốn khẳng định mình thêm một lần nữa. Thứ hai là chúng ta muốn tạo một thông tin triển lãm và muốn lan toả hình ảnh của tác giả.
Nhưng với xã hội hiện nay, trong thế giới phẳng, thông tin dễ dàng lan toả một cách nhanh chóng mà không cần phải bằng hình thức triển lãm cá nhân. Tôi quan niệm rằng, triển lãm thì những người đến đó mới biết, còn lan toả thông tin trên thế giới phẳng thì có thể hàng triệu người biết tới. Cách nào cũng được miễn sao bản thân phải biết mình theo đuổi con đường này vì điều gì, có thực sự vì đam mê chưa, có đi đến tận cùng giá trị của thể loại này chưa và đạt được những giá trị của sự tinh tế chưa. Nếu đã đạt được những điều đó rồi thì giá trị của nhiếp ảnh đã được công nhận mà không cần phải có triển lãm.
Theo anh thì ảnh dung tục trên mạng internet đã lảnh ảnh hưởng tới ảnh nude nghệ thuật như thế nào?
Việc nhà quản lý mạnh dạn mở cửa với ảnh nude (dĩ nhiên vẫn còn sự e dè nhất định) đã tạo cơ hội để chúng ta tổ chức triển lãm thường xuyên và thành một thông lệ. Thực ra, điều này đáng ra phải trở nên bình thường từ lâu như những thể loại ảnh nghệ thuật khác. Chẳng qua do chúng ta định kiến quá mức, chúng ta áp đặt những cái nhìn dung tục lên tác phẩm… nên nó mới trở nên nhạy cảm như thế.
Còn những nhiếp ảnh gia theo đuổi thể loại này vẫn chưa bao giờ từ bỏ đam mê và theo một cách nào đó vẫn lan toả tác phẩm của mình đến cộng đồng.
Anh nhìn nhận như thế nào về đội ngũ nhiếp ảnh theo đuổi vào sáng tạo ảnh nude hiện nay?
Ảnh nude nghệ thuật trong nhìn nhận của chúng tôi cũng bình đẳng như những thể loại ảnh nghệ thuật khác và nó đã có từ lâu. Những nhiếp ảnh gia, những nghệ sỹ chuyên nghiệp… ai cũng khát khao được một lần thử sức mình ở thể loại này.
Ảnh nude có sự khác biệt với những thể loại khác vì nó được khởi phát và du nhập từ phương Tây. Ở phương Tây họ có sự thông thoáng hơn nên thể loại này phát triển mạnh mẽ còn chúng ta dù sao cũng bị còn dè dặt bởi văn hoá phương Đông.
Những người theo đuổi thể loại này gặp nhiều khó khăn bởi thể loại này mang tính thực tế và đòi hỏi nhiều kiến thức nền tảng trong kỹ năng, kỹ thuật, học thuật… Để tạo ra được một tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo cá nhân mà vẫn phù hợp với nhãn quan phương Đông, đòi hỏi nhiếp ảnh phải am tường nhiều lĩnh vực. Về chuyên môn, về văn hoá, về kỹ thuật… phải có những kiến thức nhất định. Mà các nhà nhiếp ảnh của chúng ta lại đa phần là tay ngang, chưa được đào tạo sâu về mỹ thuật nên xây dựng tác phẩm nude nghệ thuật vẫn ở gốc độ bị thiếu kiến thức và chuyên môn. Chúng ta dựa dẫm quá nhiều vào phương tiện là chiếc máy ảnh. Đối với tôi, chiếc máy ảnh chỉ chiếm 50% để giữ lại cái mà bạn thấy.
Nếu thiếu kiến thức về văn hoá, thẩm mỹ, cách tạo hình… mà người ta cứ làm liều dấn thân vào lĩnh vực này thì sẽ sụp đổ và thất bại ngay từ đầu. Việc biến sự dung tục thành thứ mỹ cảm nghệ thuật không đơn thuần chỉ dựa vào phương tiện hoặc kỹ năng công nghệ mà thành được.
Đó là lý do vì sao nhiều người thất bại ngay từ những bộ ảnh đầu tiên hoặc những bạn trẻ vì sự háo thắng nào đó mà tạo ra những tác phẩm không có tính chuyên môn. Thể loại ảnh nude nghệ thuật đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và học tập chăm chỉ.
Bản thân tôi theo đuổi thể loại ảnh nude trên 20 năm nhưng vẫn đòi hỏi bản thân phải nghiên cứu rất sâu. Khi muốn công bố một tác phẩm, tôi phải thấy được tác phẩm của mình hội đủ các yếu tố về văn hoá, mỹ thuật, kỹ thuật và tính Á Đông trong đó tôi mới dám công bố. Thường là công bố trên mạng hoặc mang ra nước ngoài dự thi.
Theo anh, phải chăng vì khó như thế nên những người xứng đáng với danh xưng “nhiếp ảnh gia” trong lĩnh vực này ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay?
Chính xác là như thế bởi đây là một trong những thể loại khó của nhiếp ảnh nghề thuật. Ở nước ngoài cũng có nhiều người theo đuổi nhưng mấy người thành công đâu. Ở Việt Nam, đây là một thể loại khó mà không mấy người dám dấn thân. Một tác phẩm ảnh nude nghệ thuật phải có sự tự nhiên của tạo hoá và nó sẽ không tự nhiên khi mà tác phẩm được xây dựng dưới góc nhìn thiếu ý thức. Thân thể bằng da, bằng thịt hiện lên trong bức ảnh đâu có lạ lẫm gì đối với chúng ta đâu nhưng nếu người nhiếp ảnh phủ lên đó những lớp văn hoá và mỹ cảm thì nó sẽ mang đến những thông điệp khác biệt.
Vậy anh có muốn gửi gắm đến công chúng yêu thích thể loại ảnh nude và cả những công chúng đang có những định kiến trong cách nhìn đối với thể loại ảnh này?
Đó là một điều lớn mà xưa nay các nhà quản lý vẫn trăn trở và chưa đủ sức để làm. Chúng ta đang bị thiếu sự quyết liệt trong môi trường giáo dục khi giáo dục con trẻ về giới tính. Chúng ta luôn né tránh sự thật đó một cách vô tình lẫn cố ý. Thành ra, nó tạo nên một phản xạ bản năng: “cứ hở là dung tục”.
Chính vì thế, để đi theo thể loại này, người nhiếp ảnh phải đi ngược dòng thời gian, học lại những kiến thức nền về giải phẫu học, mỹ học… Chỉ khi ta thấy được thân thể đó bằng con mắt của nhà chuyên môn thật sự thì ta mới xây dựng và hình thành được tác phẩm do kiến thức tạo ra. Trong tư duy của người nhiếp ảnh phải hiểu được thế nào là dung tục, thế nào là gợi cảm, thế nào là vẻ đẹp tinh tế… Tất cả những thứ đó phải xuất phát từ trong nhận thức và kiến thức. Từ nền tảng đó mới xây dựng được những thứ mang tính chuẩn mực, mỹ thuật và hướng thiện của nghệ thuật.
Nghệ thuật là phải đẹp, phải tinh tế và phải hội đủ các yếu tố về ánh sáng, màu sắc, góc chụp… đó là tổng hợp tất cả các kiến thức mỹ thuật. Và nếu chúng ta không chịu tôi luyện mà vẫn cứ dấn thân thì chỉ tạo ra được những tác phẩm mang kiến thức kỹ thuật mà thôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long