Chúng ta có yêu thương công bằng không?!

(Dân trí) - Chúng ta có yêu thương công bằng không? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi trong khi mỗi chúng ta đều có lòng yêu thương, thì không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ tâm thế để yêu thương một cách công bằng. Đoạn video gây sốt dưới đây sẽ cho bạn thấy…

Chúng ta có yêu thương công bằng không?! - 1

Khi một đứa trẻ được ăn vận đẹp đẽ, sạch sẽ, xinh xắn và khi cũng vẫn đứa trẻ đó nhưng phải ăn vận xấu xí, lôi thôi, nhếch nhác…, những người lớn sẽ có cách ứng xử rất khác nhau. Chúng ta là người lớn, nhưng không có nghĩa chúng ta yêu thương mọi đứa trẻ xa lạ đều như nhau, không có nghĩa chúng ta không có sự phân biệt và mất đi sự công bằng.

Ai cũng biết đứa trẻ rách rưới cần sự quan tâm nhiều hơn, thậm chí là sự quan tâm nghiêm túc, đích thực, nhưng khi đứng trước những cuộc đời rách rưới ấy, có thể, chúng ta lại muốn bước đi thật nhanh để không phải dính líu, liên can… Vậy chúng ta có yêu thương công bằng không? Nếu là bạn, bạn sẽ làm thế nào?

Chúng ta có yêu thương công bằng không?!

Một diễn viên nhí 6 tuổi đã được ăn vận để hóa thân vào hai hoàn cảnh đối lập, một trong hai hoàn cảnh đó là vai một bé gái nghèo khó, có lẽ còn đang bị bỏ rơi, hoặc phải sống lang thang, vất vưởng trên đường phố. Cách mà những người lớn đi ngang qua em trên đường phố, và cách mà những người lớn ngồi nhàn tản trong quán cà phê đối xử với em quả thực gây thất vọng.

Sự thất vọng đó khiến cô bé 6 tuổi tham gia vào thử nghiệm của UNICEF đã không thể chịu đựng được, em bật khóc và chạy lại với ê-kíp của mình. Không muốn tạo hậu quả nặng nề lên tâm trạng của cô bé 6 tuổi, ê-kíp đã quyết định dừng thử nghiệm xã hội này lại, không yêu cầu cô bé phải đóng tiếp vai em bé nghèo nàn, rách rưới nữa.

Tuy vậy, khi thử nghiệm dừng lại thì ê-kíp cũng đã kịp ghi lại được những hình ảnh nói lên tất cả thông điệp mà họ muốn truyền tải.

Chúng ta có yêu thương công bằng không?! - 2

Những đứa trẻ nghèo khó phải đối diện với tương lai bất định, khó khăn trước mắt các em chắc chắn là nhiều hơn rất nhiều so với những trẻ em được sinh ra trong những gia đình khá giả. Đoạn video clip của UNICEF chia sẻ, “hãy thử tưởng tượng cuộc sống như thế nào đối với hàng triệu đứa trẻ đang bị xua đi mỗi ngày”.

Đoạn video clip này hiện đang được lan truyền rộng rãi trên mạng. Trong đoạn video clip, có sự xuất hiện của một cô bé 6 tuổi tên là Anano, cô bé bước đi một mình trên đường phố Georgia (một quốc gia nằm ở khu vực tiếp giáp Âu - Á).

Xem đoạn video clip có thể nhận thấy sự thờ ơ thậm chí ghẻ lạnh của người lớn đối với Anano trong hóa trang nghèo nàn rách rưới. Chính thái độ này sẽ càng khiến tương lai của những đứa trẻ trở nên khó khăn hơn.

Ngược lại, khi Anano ăn vận sạch sẽ, đẹp đẽ, những người đi ngang qua đường liền dừng lại để trò chuyện với cô bé, khá nhiều người đã thể hiện lòng tốt và sự quan tâm của mình bằng cách hỏi cô bé xem có cần giúp đỡ gì không, có đang bị lạc không.

Thế nhưng khi Anano ăn vận xấu xí, nhếch nhác, không có một ai dừng lại hỏi han gì em, cô bé đứng “chờ dài cổ” một ai đó dừng lại giống như khi mình mặc quần áo đẹp, nhưng chẳng có ai, và em đứng “ngáp dài”.

Chúng ta có yêu thương công bằng không?! - 3

Khi nhập vai em bé nghèo, dường như Anano hoàn toàn vô hình trong ánh mắt người qua đường, họ không có bất cứ tương tác nào với em, không có ai hỏi em có cần giúp gì không hoặc có đang bị lạc không.

Thậm chí, khi Anano bước vào một quán cà phê, một người đàn ông còn bảo cô bé: “Đi chỗ khác chơi!”, chính hành động đó đã trở thành giọt nước làm tràn ly khiến những tâm trạng tiêu cực tích tụ từ lúc trước bỗng vỡ òa, Anano bật khóc chạy về với ê-kíp ghi hình, họ đã quyết định dừng thử nghiệm này lại để Anano không phải thất vọng thêm nữa.

Điều khiến Anano bị sốc chính là trước đó, khi em ăn vận đẹp đẽ bước vào quán cà phê, người lớn ai ai cũng hỏi han âu yếm, cười đùa với em, coi em như một thiên thần nhỏ.

“Bởi vì lúc sau mặt cháu bị dính bẩn, quần áo cũng đều bẩn… Điều đó khiến cháu thấy buồn. Mọi người đều bảo cháu đi ra chỗ khác”, Anano đã giải thích như vậy khi ê-kíp hỏi em rằng tại sao mọi người lại đối xử với em như vậy khi hóa trang thành một em bé nghèo.

Chúng ta có yêu thương công bằng không?! - 4

Video được thực hiện nhằm mục đích nhấn mạnh những vấn đề mà trẻ em phải đối diện trong cuộc sống thường nhật, trong đó có cả sự phân biệt đối xử rất lớn dựa trên tầng lớp mà các em xuất thân. Đoạn video này được cho là khái quát một sự thật không chỉ tồn tại ở đất nước Georgia mà còn tồn tại ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới này.

Lý do video clip này được ghi hình tại Georgia là bởi năm ngoái, UNICEF và Liên minh Châu Âu đã lựa chọn Georgia là nơi thực hiện thử nghiệm dự án cấp quốc gia, giúp đỡ các em nhỏ sống lang thang, bằng cách mở ra những nhà thiếu nhi, những trung tâm can thiệp khủng hoảng cùng nhiều hoạt động khác, hướng đến đối tượng chính là những trẻ nhỏ kém may mắn.

Theo tính toán của UNICEF, đến năm 2030, thế giới sẽ phải chứng kiến 69 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì những nguyên nhân có thể ngăn chặn được như thiếu ăn, nghèo đói, bệnh tật…, và 167 triệu trẻ em phải sống trong nghèo khó với nhiều thiệt thòi lớn cho tương lai của các em.

Bích Ngọc
Theo Huffington Post