Chức “Giám đốc quốc gia” của Nguyễn Thị Thành chỉ là “hữu danh vô thực”?

(Dân trí) - Mấy ngày qua, thông tin Nguyễn Thị Thành được bổ nhiệm làm “Giám đốc quốc gia” cuộc thi Mister Grand International 2017 (Nam vương Hoà bình Quốc tế) làm cho không ít người “ngã ngửa”.

Theo đó, sau khi cùng người quản lý cấp tốc đến làm việc với Sở VH-TT TP.HCM để giải trình về việc “thi chui” tại Miss Eco International 2017 và nộp phạt hành chính mức 57,5 triệu đồng, Nguyễn Thị Thành đã hí hửng khoe là cô vừa nhận được suất học bổng 3 tháng du học tại Philippines từ một tổ chức sắc đẹp. May mắn hơn, cô còn được mời vào vị trí “Giám đốc quốc gia” của cuộc thi “Mister Grand International 2017”.

Với cái “mác” này, Nguyễn Thị Thành sẽ đứng ra tìm kiếm, đào tạo đại diện Việt Nam phù hợp để tranh tài tại sân chơi kể trên. Cô khẳng định chắc nịch: “Đây là cơ hội để tôi chia sẻ kinh nghiệm bản thân với những thí sinh đại diện Việt Nam đến với các đấu trường nhan sắc quốc tế”. To tát hơn, cô còn quả quyết: "Mục tiêu của tôi trong cương vị mới là đưa nhan sắc Việt thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp thế giới".

Nguyễn Thị Thành làm Giám đốc quốc gia của “Mister Grand International 2017” khiến nhiều người ngã ngửa. Ảnh: TL.
Nguyễn Thị Thành làm "Giám đốc quốc gia" của “Mister Grand International 2017” khiến nhiều người "ngã ngửa". Ảnh: TL.

Theo tìm hiểu, “Mister Grand International 2017” thực chất là một cuộc thi nhan sắc dành cho nam giới, mới được khởi xướng vào đầu năm 2017 và sẽ tổ chức ở thành phố Laoag, IIocos Norte, Philippines sắp tới. Đây hoàn toàn không phải là phiên bản nam của “Miss Grand International” (cuộc thi đề cao vấn đề đấu tranh vì hòa bình thế giới do ông Nawat Itsaragrisil, người Thái Lan, làm Chủ tịch) mà là một cuộc thi nặng về yếu tố tạp kỹ. Nghĩa là cuộc thi kết hợp yếu tố giải trí xen lẫn phúc lợi cộng đồng.

Các thí sinh tham gia chủ yếu tập trung vào các hoạt động vì cộng đồng chứ không theo định dạng một cuộc thi Nam vương thường thấy. Và các đơn vị muốn gửi thí sinh tham dự cuộc thi này phải trả một khoản phí gọi là “tiền đóng bản quyền”. Tóm lại, cuộc thi này thực chất chỉ là một cuộc thi “ao làng”. Fanpage của cuộc thi được lập ra từ cách đây mấy tháng nhưng đến giờ cũng chỉ có hơn 2.000 lượt người yêu thích và theo dõi – một con số quá khiêm tốn cho thấy sự quan tâm hời hợt của cộng đồng mạng.

Như vậy, việc chọn Nguyễn Thị Thành làm “Giám đốc quốc gia” của “Mister Grand International 2017” vừa giúp BTC phổ cập được cuộc thi sang Việt Nam mà không mất quá nhiều chi phí quảng bá, vừa tìm kiếm được ứng viên tham dự cuộc thi. Nói cách khác, đây thực chất là một chức danh “hữu danh vô thực”.

Riêng Nguyễn Thị Thành khi nhận chức danh này sẽ có điều kiện để đánh bóng tên tuổi bởi bản thân cô cũng đang rất cần cơ hội phủ sóng trên truyền thông và cần cái cớ để thoát khỏi các scandal đang bủa vây. Và dẫu cái chức danh “Giám đốc quốc gia” kia có là “hữu danh vô thực” thì bất kỳ cô gái nào đang ở trong hoàn cảnh của cô cũng tận dụng bằng được chứ không thể nào buông.

Vậy tại sao việc Nguyễn Thị Thành làm “Giám đốc” lại khiến nhiều người “ngã ngửa”. Trước hết, người đảm nhận vị trí “Giám đốc quốc gia” phải là người có hiểu biết nhất định về các cuộc thi trên thế giới, có kinh nghiệm lựa chọn được ứng viên phù hợp. Bên cạnh đó, “Giám đốc quốc gia” còn phải là người định hướng, vạch ra chiến thuật, tư vấn và hỗ trợ thí sinh hết mình từ khâu chuẩn bị cho đến khi cuộc thi diễn ra. Và điều quan trọng, đây là cuộc thi tìm kiếm Nam vương chứ không phải Hoa hậu nên sẽ có nhiều sự khác biệt nhất định.

Nguyễn Thị Thành không phải là Trương Ngọc Tình, Tiến Đoàn, Nguyễn Văn Sơn… nên mọi người đặt nhiều nghi ngờ về kinh nghiệm của cô trong việc tuyển chọn thí sinh cho cuộc thi dành riêng cho nam giới là điều dễ hiểu. Bản thân Nguyễn Thị Thành cũng chỉ mới trải qua hai cuộc thi trong nước nhưng một bị buộc phải rời khỏi cuộc thi, một bị tước danh hiệu ngay khi đăng quang chưa được một ngày.

Dẫu có kể thêm cuộc thi “Miss Eco International 2017” mà cô vừa trải qua với tư cách thí sinh "thi chui" thì cũng chẳng nói lên được điều gì về kinh nghiệm của cô trong việc dẫn dắt thí sinh nam dự thi một cuộc thi Nam vương. Đó là chưa kể đến, cái danh hiệu mà cô đạt được tại “Miss Eco International 2017” không hề có giá trị pháp lý tại Việt Nam.

Xét về độ “trong sạch” của lý lịch, bản thân Nguyễn Thị Thành vướng phải quá nhiều lùm xùm, thị phi, scandal… Việc cô biết rõ quy định của pháp luật mà vẫn phớt lờ để qua Ai Cập dự thi “Miss Eco International 2017” đủ để cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật của một công dân ở cô như thế nào.

Liên quan đến việc Nguyễn Thị Thành làm “Giám đốc quốc gia” của “Mister Grand International 2017”, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, họ không thể cấm cô làm việc này bởi không có quy định. Tuy nhiên, Cục NGhệ thuật khẳng định chắc chắn rằng, dù ở bất kỳ vị trí nào thì danh hiệu mà Nguyễn Thị Thành có được từ việc “thi chui” sẽ không bao giờ được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

Nhiều người cho rằng, đối với nhiều nước trên thế giới, “Giám đốc quốc gia” của những cuộc thi chỉ đơn thuần là “người môi giới” giữa thí sinh và đơn vị tổ chức cuộc thi. Vì thế, nó không có gì to tát để xưng tụng như một thành tích. Thậm chí, vị trí này dễ dãi tới mức ai ứng cử cũng có thể được, nhất là đối với những cuộc thi “ao làng” mới mở, đang cần người quảng bá.

Hà Tùng Long