Chuẩn bị sẵn sàng cho Lễ vinh danh di sản “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

(Dân trí) - Sáng ngày 19/1/2015, tại TP Vinh, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo về việc vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.




Video biểu diễn nghệ thuật dân ca Ví, Giặm trước giờ họp báo.


Dự lễ họp báo, có bà Đinh Thị Lệ Thanh - PCT UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Thiện - PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh, các Sở ban ngành liên quan cùng đông đảo các báo địa phương, trung ương thường trú tại hai tỉnh nói trên.

Tại buổi họp báo, bà Đinh Thị Lệ Thanh - PCT UBND tỉnh Nghệ An - thành viên đoàn Việt Nam tham gia bảo vệ hồ sơ dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ tại cuộc họp của UNESCO cho biết: Cùng với lễ vinh danh, các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thêm vẻ đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc trong dòng chảy hội nhập văn hóa thế giới cũng được triển khai.


Chuẩn bị tốt nhất cho Lễ vinh danh di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Bà Đinh Thị Lệ Thanh - PCT UBND tỉnh Nghệ An và ông Nguyễn Thiện - PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì buổi họp báo.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng bàn các giải pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng chiến lược, lập đề án "Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2020-2030" trình Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động chào mừng sự kiện: giao lưu với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian, các nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại trường quay của Đài PTTH Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại các huyện, thành, thị có thực hành di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như: biểu diễn văn nghệ của các Câu lạc bộ dân ca lồng trong Chương trình lễ hội đầu xuân để phục vụ nhân dân và du khách... đã được đề cập tại buổi họp báo.


Một vở diễn về dân ca Ví, Giặm trong buổi họp báo.

Một vở diễn về dân ca Ví, Giặm trong buổi họp báo.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hã Tĩnh nhấn mạnh cần: Tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dân ca ví, Giặm. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, các đề án, sự án cấp Bộ, cấp Tỉnh. Tổ chức hội thảo khoa học về di sản Dân ca Ví, Giặm với các chủ đề: Biện pháp bảo vệ và phát huy di sản; tổng kết quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, đề ra những giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản.


Một vở diễn về dân ca Ví, Giặm trong buổi họp báo.

Lễ Vinh danh “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ diễn ra vào tối 31/01/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Theo kế hoạch Lễ Vinh danh “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ diễn ra vào tối 31/01/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là hoạt động do tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4, NTV, HTV phát sóng qua vệ tinh và một số đài phát thanh truyền hình trên cả nước.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Cửa quyền, Giặm Đức Sơn…

Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trong trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Ngày 27/11/2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Paris, Pháp.

Việc Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.


Nguyễn Duy