Chữ tình trong tác quyền của Trịnh Công Sơn

Tại sao không chấp nhận một tờ giấy viết tay hay một lời nói là “thỏa thuận khác” về tác quyền mà cứ phải ke re cắc rắc “không có hợp đồng theo mẫu thì không có giá trị pháp lý”?

“Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là 5.000 USD…”. Đợi sau khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gay gắt đàm phán xong việc thu tiền tác quyền đối với công ty tổ chức các show diễn của ca sĩ Khánh Ly trong lần bà về nước gần đây thì bất ngờ ca sĩ này trưng ra “giấy tác quyền” lập năm 2000 có nội dung nêu trên. Chỉ vỏn vẹn vậy thôi nên tức thì có ngay các mổ xẻ về giá trị pháp lý của giấy.

Bên nói “có”, bên nói “không”

Trước giờ đều có nguyên tắc khi hát các bản nhạc đã được công bố thì ca sĩ phải trả thù lao cho người sáng tác, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Điều này xuất phát từ chỗ người sáng tác có quyền tác giả và quyền này được minh định rõ trong BLDS năm 1995, năm 2005 và nay là Luật Sở hữu trí tuệ. Chi tiết hơn, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân (như đặt tên cho tác phẩm, đứng tên trên tác phẩm…) và quyền tài sản đối với tác phẩm (nếu tác giả cũng là chủ sở hữu tác phẩm thì có quyền cho người khác sử dụng tác phẩm của mình và được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng). Theo đó, rất dễ thống nhất “giấy tác quyền” của Trịnh chính là sự thể hiện quyền tài sản đối với tác phẩm nhưng giấy ấy có chấp nhận được không thì đang có những ý kiến “không”, “có” trái chiều.

“Phe” bảo “không” lập luận: Theo BLDS năm 1995 (có hiệu lực vào thời điểm Trịnh Công Sơn lập giấy) và Nghị định 76/1996 của Chính phủ thì việc chuyển giao tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho người khác sử dụng phải được lập thành hợp đồng theo mẫu do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành. Trong hợp đồng phải có những nội dung chủ yếu như: Hình thức sử dụng tác phẩm; phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng… Do “giấy tác quyền” của Trịnh Công Sơn không phải là hợp đồng, cũng không thể hiện đầy đủ các nội dung luật định, nhất là không có thỏa thuận về phạm vi và thời hạn sử dụng tác phẩm nên không có giá trị.

Chữ tình trong tác quyền của Trịnh Công Sơn

Đã có một thời tri âm tri kỷ không quên của bộ đôi tài hoa Trịnh Công Sơn - Khánh Ly thế này. Mà đã là tri âm tri kỷ thì ai lại đi so đo chuyện tiền nong?

Ngược lại, “phe” nói “có” cho rằng: Việc lập “giấy tác quyền” là hành vi pháp lý đơn phương của cá nhân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” như BLDS đã quy định. Hành vi đơn phương đó phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 751 BLDS năm 1995 ở chỗ tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có quyền “cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình”. Khi “giấy tác quyền” không lưu ý gì thêm thì có thể hiểu là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly sử dụng bài hát của mình mà không có sự giới hạn về số lần, thời gian, không gian sử dụng.

Luật đánh đố hay con người đang “phức tạp hóa”?

Chuyện thoạt tưởng đơn giản nếu bút tích, chữ ký trên “giấy tác quyền” đích thực là của Trịnh, thể hiện đúng ý chí, quyết định của Trịnh nhưng xem ra lại phức tạp khi được soi rọi bằng các câu chữ “cứng đơ” của pháp luật và điều đáng nói là dẫu có nghiền ngẫm thật kỹ thì nhiều người vẫn không thể dễ dàng xác định đúng, sai (!). Có phải “pháp luật gì mà đánh đố quá trời” như than vãn của ai đó hay do chính chúng ta đang làm sự vụ trở nên rối rắm?

Trở lại ý kiến của “phe” bác bỏ, có nên hiểu “cho ca sĩ hát nhạc của mình tức là chuyển giao tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho người khác sử dụng” nên phải được lập thành hợp đồng sử dụng theo mẫu? Thử hỏi trước giờ trong giới chơi nhạc có mấy nhạc sĩ - ca sĩ nào làm hợp đồng như thế và nếu buộc phải làm với tất cả bài hát được chọn thì liệu có làm xuể? Phải chăng hợp đồng mẫu đó chỉ dành cho các loại hình tác phẩm khác như vở diễn, tiểu thuyết, kịch bản… vốn dĩ sử dụng cũng có hạn nên dễ thực hiện hơn? Thay cho các hợp đồng ít nhiều mang dáng dấp “làm ăn”, người nhạc sĩ có thể viết vài chữ như cách mà Trịnh Công Sơn đã làm đối với Khánh Ly, thậm chí là chỉ một lời nói ưng thuận miễn sao họ thỏa thuận được điều cần làm? Đặt vấn đề vậy vì khoản 2 Điều 767 BLDS 1995 có quy định hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tại sao không chấp nhận một tờ giấy viết tay hay một lời nói là “thỏa thuận khác” mà cứ phải ke re cắc rắc “không có hợp đồng theo mẫu thì không có giá trị pháp lý”?

Đối với ý kiến của “phe” thứ hai, vẫn có thể cho là việc lập “giấy tác quyền” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hành vi pháp lý đơn phương làm thay đổi nghĩa vụ của Khánh Ly. Thế nhưng pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa có quy định về sự đơn phương này, vậy chấp nhận ngay thì có ổn thỏa?

Có nên lấy cái lý áp cái tình?

“Từ trước đến nay, gia đình chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tác quyền đối với cá nhân chị Khánh Ly…”. Có lẽ vì mối quan hệ rất đặc biệt giữa người anh trai tài hoa của mình với Khánh Ly (như ca sĩ này tự nhận họ là hình-bóng) nên ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã rất dễ dàng hóa giải với báo chí như vậy về “giấy tác quyền” nêu trên của Trịnh Công Sơn. Dẫu có nhiều lý lẽ khác nhau nhưng một khi họ Trịnh đã hài lòng với việc bảo hộ quyền tác giả nhạc Trịnh bằng cái cách đơn giản của riêng họ, có cần chúng ta phải lấy cái lý để áp lên cái tình của họ?

Quá yêu quý Trịnh Công Sơn nên nhiều người đã hoài nghi “tính cách của nhạc sĩ họ Trịnh thì không có chuyện tiền nong, nếu có thì chỉ là ghi theo đề nghị của Khánh Ly để bà dễ dàng biểu diễn…”. Thực hư thế nào chỉ có những người trong cuộc mới tường tận. Thôi thì hãy thấy rằng Trịnh Công Sơn đã “rất đời” trong việc thực hiện quyền tác giả đậm chất nghệ sĩ của mình. Khi đặt bút viết những dòng như thế, cố nhạc sĩ đã dành cho Khánh Ly một cái gì đó rất riêng và chỉ cho Khánh Ly chứ không phải bất kỳ ai khác. Quyết định “kiểu Trịnh Công Sơn” vì thế đáng được mọi người tôn trọng!

Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi nói “Cứ hát” thì ca sĩ không phải trả gì cho tôi

Trong giấy ủy quyền của Trịnh Công Sơn lập cho Khánh Ly thì cái quan trọng nhất đấy có phải là nét chữ của Trịnh Công Sơn hay không. Nếu đúng là anh Sơn đã viết, ai nhìn vào cũng phải công nhận đó chính là chữ của Trịnh Công Sơn thì đương nhiên nó có giá trị cho-tặng rồi. Bắt bẻ cái giấy của Trịnh Công Sơn viết sơ sài mấy chữ như thế không có giá trị là bắt bẻ sai.

Mà nhạc Trịnh, chị Trịnh Vĩnh Trinh yêu cầu trả tác quyền 1,5 triệu đồng/bài thì tại sao ra đến trung tâm tác quyền lại đội lên đến 90 triệu đồng/10 bài cho một đêm hát, vậy 7,5 triệu đồng bị đẩy lên mỗi bài rốt cuộc vào túi ai? Ngay chương trình nhạc Phạm Duy hay Văn Cao mà tôi làm, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy chỉ yêu cầu trả 1,2 triệu đồng/bài, gia đình nhạc sĩ Văn Cao thì đề nghị trả 1 triệu đồng/bài. Thế mà trước đêm hát một ngày, tôi đến trung tâm tác quyền lại bị đòi 80 triệu đồng/năm bài. Tôi nổi nóng hỏi: “Thế này thì ăn cướp à?”. Họ hăm dọa không đóng 80 triệu đồng thì không cho hát, lại còn bảo đây là trung tâm bản quyền quốc tế đã quy định như thế. Thấy tôi quá cương quyết không đóng, sau năm phút bàn bạc nội bộ, họ đồng ý xuống giá còn 22 triệu đồng. Xuống một cái vèo, theo cách rất là dốt. Tôi nói thật, luật kiểu đấy là của bọn xã hội đen chứ không phải của người lương thiện.

Tác quyền những bản nhạc của tôi à? Đấy là đứa con tinh thần của tôi, mọi quyết định là do tôi, tôi chỉ cần nói với ca sĩ: “Em cứ hát, chả phải tiền bạc gì ở đây cả” thì ca sĩ đấy đương nhiên hát nhạc của tôi mà không phải nộp tác quyền gì cả.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tôi không để ý chuyện tiền nong

Tôi không quan tâm đến chuyện tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc của ai hết. Tôi không muốn phát biểu gì về chuyện này. Còn về tác quyền cho nhạc của tôi thì thật tình từ trước đến nay tôi chỉ biết có sáng tác, không để ý chuyện ca sĩ trả tiền cho mình bao nhiêu và ra sao. Cứ ai hát nhạc của tôi là tôi thấy mừng rồi, không quan tâm chuyện tiền nong.

Theo Thanh Thảo
Pháp luật




































Theo Nguyên Thy
Pháp luật