Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTT&DL tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ VHTT&DL tiếp thu tất cả các ý kiến và đưa ra các giải pháp để Bộ này thực hiện trong thời gian tới.

Theo chương trình làm việc thì nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của nhóm vấn đề thứ 4 cũng là nhóm vấn đề cuối cùng liên quan đến lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch đã có 37 đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tranh luận. Còn 32 đại biểu chưa có cơ hội đặt câu hỏi tại nghị trường. Đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi đến Bộ trưởng cùng những vấn đề chưa được trả lời thoả đáng. Đề nghị Bộ trưởng trả lời các đại biểu Quốc hội bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Ảnh: BCP.

Đối với nhóm vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu nêu.

Phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi với tinh thần, trách nhiệm xây dựng. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ 2 trả lời trước Quốc hội. Bộ trưởng cơ bản nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã nghiêm túc nhận khuyết điểm về những tồn tại, hạn chế và cũng đã đề ra những giải pháp để khắc phục.

Tuy nhiên, một số nội dung trả lời của Bộ trưởng vẫn còn dài và giải pháp vẫn còn chung chung nên có phần nào đó chưa làm hài lòng các đại biểu Quốc hội.

Văn hoá, thể thao và du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, thể chất của người dân. Thời gian qua, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của gia đình và xã hội, lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Nhất là lĩnh vực thể thao đã trở thành niềm tự hào, tăng cường sức mạnh, góp phần nâng cao vị thể của quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hoá, tinh thần và cũng gây ra không ít những bức xúc trong nhân dân.

Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu đã chất vấn và tranh luận để làm rõ vấn đề với mong muốn Chính phủ, Bộ VHTT&DL cũng như các bộ ngành liên quan sẽ có những giải pháp thiết thực để - hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực phụ trách.

Đề nghị Chính phủ, Bộ VHTT&DL, các bộ ngành liên quan và các địa phương tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến vấn đề đã được chất vấn tập trung vào một số vấn đề.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hoá, thể thao và du lịch.

Chú trọng ban hành các văn bản thi hành luật, trong đó lưu ý ban hành các văn bản phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết nội dung có tính chất liên bộ, liên ngành.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ cho công tác sản xuất và phát hành phim ảnh về truyền thống, lịch sử, dân tộc… Có chính sách hỗ trợ hoạt động biểu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới – hải đảo.

Khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, sáng tạo. Đầu tư cho hoạt động sáng tác, sưu tầm và gìn giữ, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Chủ động bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn - phát huy nghệ thuật truyền thống.

Sản xuất các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật có giá trị. Làm tốt công tác xã hội hoá trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Tăng cường quản lý, công tác quản lý và xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp – người mẫu trái quy định, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và trái với văn hoá Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về các cuộc thi sắc đẹp, về các hoạt động biểu diễn. Có các biện pháp lên án, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện của lối sống lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hoá. Nhất là thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh.

Tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng. Bảo đảm quyền tự do, tôn giáo - tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luận.

Có các giải pháp và biện pháp trong phòng chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo để thu lợi bất chính. Chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội - 2

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân nhận diện được sự khác nhau giữa các hoạt động tín ngưỡng – tâm linh với các hành vi mê tín dị đoan núp bóng các hoạt động tín ngưỡng – tâm linh.

Tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong nhân dân đồng thời với việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng – tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan.

Làm tốt công tác bảo tồn, nhất là các khu di tích quốc gia đặc biệt mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá để bố trí nguồn lực cho duy tu, bảo trì. Ưu tiên cho các công trình đang xuống cấp. Phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả và huy động nguồn lực trong công tác bảo tồn, nhất là các di tích đang xuống cấp.

Phối hợp với các bộ ngành liên quan, sớm nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng và mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương. Kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch. Bảo đảm chất lượng du lịch, an ninh - an toàn cho du khách. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nhành du lịch để tương xứng với tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nâng cao hơn nữa các chỉ số du lịch.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các thị trường mới, tránh phụ thuộc vào những thị trường truyền thống và huy động nguồn lực để tham gia xúc tiến, quảng bá hình ảnh của du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tiếp tục triển khai quản lý và chấn chỉnh các hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch. Có các biện pháp phối hợp để quản lý chặt chẽ việc lợi dụng tổ chức các tour du lịch ra nước ngoài để vi phạm pháp luật và cần xử lý triệt để các tour du lịch không đồng, xử lý các loại hình du lịch biến tướng. Lợi dụng các tour du lịch để có hành vi lừa đảo kiếm lợi và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường du lịch.

Quy hoạch tốt du lịch biển, đầu tư đồng bộ và phát huy các lợi thế về biển để phát huy du lịch biển, coi đây là mũi nhọn để phát triển du lịch.

Hà Tùng Long