Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lên tiếng về tranh cãi quanh việc dựng tượng Vua Hùng

(Dân trí) - Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng thời là phó chủ khảo Hội đồng tuyển chọn mẫu tượng vua Hùng cho rằng, nên dựng một tượng đài Vua Hùng trong khuôn viên di tích Đền Hùng bởi nó không chỉ góp phần làm phong phú cảnh quan mà còn là thứ để lại cho con cháu đời sau.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vua Hùng là một nhân vật trong truyền thuyết nên không có nhiều cứ liệu lịch sử chính xác để tạc tượng. Do đó, thay vì tạc một bức tượng có nhiều nét lai giữa nhân vật lịch sử này với nhân vật lịch sử kia thì không nên tạc tượng. Quan điểm của ông trên cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng thời là phó chủ khảo Hội đồng tuyển chọn mẫu tượng Vua Hùng là như thế nào, thưa ông?

Tượng vua Hùng thì trên di tích lịch sử Đền Hùng đã có nhiều rồi chứ không phải không có. Nếu ai từng hành hương về đất Tổ sẽ thấy trên phù điêu, tượng, tranh ảnh… đều có hình tượng vua Hùng nên nói là tưởng tượng để mà tạc thì không hẳn. Tuy nhiên, các hình tượng này đa phần ở trong các đền thờ mà đối với một danh nhân lớn, một người có công lập quốc như Vua Hùng thì việc làm tượng lớn là cần thiết.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TL.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TL.

Thứ nhất là để bổ sung cho tổng thể cảnh quan của quần thể di tích đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, Phú Thọ. Thứ hai, mỗi một thế hệ đều có trách nhiệm bổ sung thêm những công trình, hiện vật, hình tượng… để làm phong phú thêm vẻ đẹp cảnh quan cũng như giá trị văn hóa - tâm linh của quần thể di tích này. Có như thế, sau này con cháu chúng ta mới có thêm nhiều nơi để đến tham quan và thăm viếng.

Thực ra, khu di tích đền Hùng mà cụ thể là đền Thượng là được xây dựng từ thời nhà Nguyễn chứ có phải có từ thời đại Hùng Vương đâu. Thời đại chúng ta công nhận công trình đó là khu di tích lịch sử là vì nó được xây dựng từ thời Nguyễn cách đây 200 năm. Và bây giờ chúng ta xây dựng những công trình mới thì sau này thế hệ con cháu chúng ta sẽ coi đó là di tích.

Vậy theo ông, với một nhân vật tồn tại phần nhiều trong truyền thuyết như vua Hùng thì cần phải đạt những yếu tố gì?

Tôi nghĩ rằng, cứ cho Vua Hùng là nhân vật truyền thuyết, không có hình dáng và mô tả cụ thể nhưng chúng ta đã có tượng rồi nên vẫn có thể tạc được. Thêm vào đó, vào những năm của thế kỷ 20, thời đại Hùng Vương đã được giới khảo cổ và lịch sử tìm thấy rất nhiều hiện vật, nhất là hiện vật Đông Sơn. Cộng thêm các tư liệu lịch sử thì chúng ta có khả năng để dựng được tượng Vua Hùng mà không quá mơ hồ. Bản thân văn học nghệ thuật cũng có quyền dựng những hình tượng từ trong truyền thuyết, lịch sử, văn hoá… Các cụ Thánh Gióng, An Dương Vương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng… làm gì có hình ảnh mà đòi hỏi phải tạc cho thật giống nhưng người ta vẫn tạc thờ họ khắp nơi đấy thôi.

Hai trong ba mẫu phác thảo tượng đài vua Hùng được chọn lấy ý kiến của người dân. Ảnh: TL.
Hai trong ba mẫu phác thảo tượng đài vua Hùng được chọn lấy ý kiến của người dân. Ảnh: TL.

Việc chúng ta xây dựng một tượng đài Vua Hùng với kích thước lớn để đặt ngoài trời là rất tốt. Vấn đề ở đây là bây giờ tạc tượng như thế nào, cao bao nhiêu, kết hợp với bối cảnh ở đó ra sao… đấy là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ.

Tiêu chí quan trọng nhất của tượng Vua Hùng đặt ngoài trời đó là phải làm sao để khi người dân nhìn vào họ cảm được đó là vua Hùng. Anh có thể làm bằng chất liệu gì cũng được, hình thế ra cũng được, màu sắc thỏa sức sáng tạo… nhưng phải làm sao để khi người ta nhìn vào cũng phải cảm được đó là vua Hùng chứ không phải nhân vật lịch sử nào khác. Cảm nhận ở đây không chỉ là cảm nhận một con người cụ thể mà là một ông vua, một thời đại. Nghĩa là hình tượng ấy phải tiêu biểu cho thời đại và người dân chấp nhận đó là “Vua Hùng của dân tộc tôi, của đồng bào tôi”.

Vua Hùng ở đây thuộc thế hệ đi trước nhưng có sự gần gũi của một ông tổ, có sự cương nghị của một ông vua, có sự dũng trí khi đấu tranh với thiên nhiên và ngoại bang… để xây dựng được một giang sơn đất nước cho đến ngày nay. Và không chỉ cảm được sự gần gũi, thiêng liêng mà người dân còn cảm thấy tự hào vì được làm con cháu của một ông vua như thế. Tất nhiên, hình tượng ấy phải phù hợp với cảnh quan và tổng thể của khu di tích ấy. Nó vừa là cái riêng nhưng phải nằm trong tổng thể cái chung, đó là điều không thể bỏ qua.

Hội đồng tuyển chọn cũng như UBND tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch như thế nào cho việc xây dựng tượng đài Vua Hùng trong thời gian sắp tới?

Tôi được biết là UBND tỉnh Phú Thọ có ý định thực hiện hai công trình: một tháp Hùng Vương và một tượng đài Vua Hùng. Tháp Hùng Vương thì cuộc thi chưa thành công nên chưa chọn được mẫu. Nhưng một khu di tích đặt trên mặt bằng nhiều rừng núi như vậy thì cũng nên có một cái tháp cao một chút để làm điểm nhấn mà khi đi ở xa người ta có thể định vị được đó chính là khu di tích thờ phụng Vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng của ông. Chỉ có điều, tháp đó sẽ được xây dựng và tạo tác như thế nào mới là điều đáng phải bàn kỹ.


Cận cảnh một mẫu tượng Vua Hùng trong số 3 mẫu được chọn để lấy ý kiến của người dân. Ảnh: TL.

Cận cảnh một mẫu tượng Vua Hùng trong số 3 mẫu được chọn để lấy ý kiến của người dân. Ảnh: TL.

UBND tỉnh Phú Thọ cũng chủ trương có một tượng Vua Hùng lớn vì tượng Bác Hồ thì có ở một số tỉnh rồi. Tuy nhiên, hiện nay đang có 2 ý kiến, một là đặt ở quả đồi gần với quảng trường trong khuôn viên khu di tích đền Hùng, hai là đặt ở quảng trường ngoài TP. Việt Trì. Vấn đề bây giờ là ý kiến khác nhau về địa điểm đặt tượng. Còn quan điểm cá nhân tôi, tôi thấy ở quảng trường trong khuôn viên khu di tích đền Hùng đang chỉ là khoảng sân rộng lát gạch thôi và cũng chưa thu hút được sự chú ý của mọi người. Trong quá trình tổ chức lễ hội người ta thường tập trung đến các đền thờ trên núi mà rất ít khi nghỉ chân ở đây. Nếu chúng ta đặt tượng vua Hùng ở ngọn đồi còn trống ngay khu vực quảng trường và bố trí không gian hợp lý thì có thể tạo nên một chỗ để người ta đến viếng hoặc nghỉ chân, vui chơi, ngắm cảnh… chia sẻ bớt sự quá tải cho các điểm thờ tự trên núi.

Về công trình này, hiện nay Ban tổ chức đã nhận được 21 mẫu phác thảo của các họa sỹ và đã tiến hành chọn ra 3 mẫu phác thảo nhỏ phóng thành 3 mẫu phác thảo lớn kèm theo sa bàn dự kiến. Trên thực tế, quả đồi mà ở khu vực quảng trường phía trước đền Hạ hiện nay có một sân khấu ngoài trời nhưng vẫn đang bị hững. Quả đồi ấy cao hơn so với mặt bằng là 13m nhưng nếu chúng ta đặt tượng Vua Hùng ở đó sẽ tạo cho khu vực đó một độ cao khác hơn và khoảng sân hành lễ trang trọng hơn. Tôi cho rằng, đặt ở đấy là hợp lý.

Về 3 mẫu tượng đang lấy ý kiến hiện nay, trên cơ bản đều bám lấy những họa tiết về thời đại Vua Hùng và họa tiết trên trống đồng Đông Sơn.

Cho đến bây giờ vẫn nhiều người nghi ngại rằng, việc tạc tượng đài Vua Hùng sẽ làm tăng ý nghĩa tri ân tổ tiên hay sẽ góp phần tăng trào lưu dựng tượng tốn kém của nhiều địa phương?. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, việc xây dựng tượng đài Vua Hùng trong khu vực quảng trường trước đền Hạ sẽ góp phần giảm tải cho các di tích thờ tự vua Hùng trên núi. Ảnh: TL.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, việc xây dựng tượng đài Vua Hùng trong khu vực quảng trường trước đền Hạ sẽ góp phần giảm tải cho các di tích thờ tự vua Hùng trên núi. Ảnh: TL.

Hiện nay, tượng đài trên đất nước ta so với các nước chưa nhiều. Có tỉnh có một hai cái, có tỉnh năm bảy cái… nhưng chưa nhiều lắm. Nghệ thuật tượng đài là nghệ thuật đi đến công chúng thân thiết nhất, rộng rãi nhất. Nó vừa ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, vừa mang nhiều giá trị về nghệ thuật. Vấn đề ở đây dựng tượng như thế nào để nó hòa hợp với không gian ở đó chứ không phải phá đi không gian đã có, đó là điều quan trọng nhất.

Tôi nghĩ, trong công việc đặt ra bao giờ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, đó là chuyện rất bình thường. Chúng ta nên lắng nghe và tôn trọng nhưng chúng ta cũng nên làm một cái gì cho con cháu. Và điều quan trọng là các ý kiến đó nên tập trung góp ý làm thế nào để có được một tượng Vua Hùng đẹp nhất, gần gũi nhất mà ai cũng cảm nhận đó là Vua Hùng của dân tộc mình, ông tổ của đồng bào mình hơn là đưa ra những ý kiến này, ý kiến kia.

Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hoạ sỹ Thành Chương: Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu xem Vua Hùng là nhân vật trong truyền thuyết và không được phép tạc tượng là chuyện vớ vẩn. Ở phương Tây, các vị thần trong thần thoại Hy Lạp cũng được tạc tượng rất nhiều ở các điểm công cộng. Ở Việt Nam, các nhân vật truyền thuyết như Thánh Gióng cũng được tạc tượng đài đó thôi. Nghệ thuật cho phép dựa vào trí tưởng tượng cộng với lịch sử, văn học, hội hoạ, nghệ thuật tạo hình… để tạo nên một tượng đài. Không nhất thiết phải có cứ liệu lịch sử hoặc nguyên mẫu thật mới tạc được tượng. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc dựng tượng đài vua Hùng.

Vấn đề quan trọng là với tài năng của người nghệ sỹ, của nhà điêu khắc cũng như mức độ đầu tư mà tạo ra một tác phẩm hài hòa với văn hoá, gần gũi với tâm linh. Theo tôi, Hội đồng cần phải chọn những nghệ sỹ hoặc nhà điêu khắc tài năng để tác phẩm thật sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Hơn ai hết, những nghệ sỹ tài năng sẽ là những người có trách nhiệm cao nhất với tác phẩm của mình.

Còn bây giờ ai cũng có thể góp ý, ai cũng có thể bàn ra tán vào khiến cho sự việc bị “đẽo cày giữa đường”. Mà nhiều ý kiến thực ra là góp ý không chính xác khiến cho sự việc bị méo mó, lệch lạc đi.

Hà Tùng Long