Việt Nam thân thương:

Chốn quê

(Dân trí) - Đôi khi, bất chợt một đêm rằm ngửng lên trời, ta thấy một vầng trăng bao đời còn mãi đó treo giữa trời như một gương mặt buồn không nói chỉ nhìn ta vừa yêu thương vừa giận hờn trách móc. Vầng trăng quê đã thành cô lẻ giữa trời phố thị...

(Ảnh: vnweblogs.com)


(Ảnh: vnweblogs.com)

Người Việt ta ai cũng có trong mình một người nhà quê, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nhận xét vậy. Ngẫm mà đúng thật. Ở thành thị, cái người nhà quê ấy trong ta bị chìm khuất sau con người của đời sống hiện đại bộn bề lo toan tất bật trong vòng xoay chóng mặt của thời toàn cầu hóa.

Nhưng nó chỉ lặng lặng vậy thôi, hễ có dịp ta lại trở về với người nhà quê của mình. Đó là những dịp giỗ tết, hay khi có người quê lên phố ra tỉnh thăm hỏi. Đó là những khi chợt vẳng nghe một tiếng hát một bản nhạc da diết tình quê đậm chất dân ca. Những khi ấy rưng rưng ta thấy mình trở lại tuổi thơ chăn trâu tát cá trên đồng, thấy hình bóng mẹ buổi chợ về cho con đồng quà tấm bánh, thấy những triền đê trẻ mục đồng tìm cỏ chơi trò chọi, thấy một dòng sông lững lờ với những con đò ngang qua lại đưa ta về với ông bà cho thỏa lòng mẹ nhớ thương ngày lấy chồng sang sông.

Đôi khi, thật hiếm hoi thời nay, bất chợt một đêm rằm ngửng lên trời không bị ánh đèn phố xá che phủ, ta thấy một vầng trăng bao đời còn mãi đó treo giữa trời như một gương mặt buồn không nói chỉ nhìn ta vừa yêu thương vừa giận hờn trách móc. Vầng trăng quê đã thành cô lẻ giữa trời phố thị. Chợt nhớ câu ca nẫu ruột “Anh quên không đem trăng vào nhà, Trăng buồn trăng phải sáng qua vườn người”. Vườn trong phố trăng cũng chẳng vào được nữa. Tấm tình quê cứ như thế mà lửng lơ như một dẫu hỏi trong nỗi niềm nửa phụ bạc nửa ân hận của những người có một quê hương mà lâu chẳng bước chân về. Đành là bận bịu công việc. Đành là xa ngả đường đi, trắc trở tàu xe. Đành là… Nhưng sao đành, khi quê hương luôn đợi người về.

Người lớn nhãng quê dễ khiến con trẻ quên quê và mất quê. Cho nên mỗi khi đến hè những bậc cha mẹ biết thương con dạy con lại tìm cách thu xếp đưa con về quê. Trước là thăm ông bà họ hàng nội ngoại hai bên. Sau nữa là để đứa con thực được mắt thấy tai nghe âm thanh mùi vị cảnh sắc quê, biết thế nào là nông thôn, là nhà nông. Kẻo không sẽ xảy ra chuyện bi hài như ở một lớp học cô giáo đọc bài văn học trò tả cảnh làm ruộng có câu “Người nông dân đi cày trên cánh đồng lúa chín vàng” thấy là sai và cô chữa lại là “Người nông dân đi cày trên cánh đồng lúa đang lên xanh”. Bạn có chạy xe ô tô về làng đi nữa, nhưng vào mùa gặt hái, mở cửa xe cho gió lùa hương đồng thơm rơm mới là đã thấy nôn nao người, đã thấy mở căng lồng ngực hít thật mạnh cho đầy căng phổi. Và đứa con bạn sẽ ngạc nhiên, sẽ thích thú trước một mùi hương nó chưa bao giờ được hít thở, trước một không gian thoáng đãng rộng mở khiến cả cơ thể nhẹ nhõm hẳn đi.

Tôi nhớ lần đầu đưa con về quê khi nó mới lên ba. Mấy ngày trước khi đi nó đã háo hức vô cùng, suốt ngày bi bô hỏi quê cha ở đâu, quê mẹ ở đâu, đến mức khi một anh bạn tôi đến chơi nó đã buột miệng một câu làm bạn tôi tấm tắc mãi đến nay: “Bác ơi, cháu có quê rồi”. Nghe con nói tôi cũng ứa nước mắt, thương con và thương mình.

Đưa con về quê, quanh quanh đường làng ngõ xóm, cha ngược dòng thời gian sống lại tuổi thơ của mình, còn con bắt đầu tuổi thơ của con. Như một nhà văn đã viết, đây là lúc con người sống với thời gian hai chiều. Này đây con, lối xưa cha đến trường, cứ men theo bờ kênh này, mỗi sáng cha cùng các bạn trong xóm chân trần đạp cỏ mà đi. Này đây con, chỗ này xưa cha tát nước vào đồng chống hạn, gầu dai hai người, có khi thiếu người thì buộc một đầu dây vào cây vẫn tát được. Này đây con, những hàng cau thuở nhỏ cha từng trèo lên tận ngọn bắt chim mới đẻ đem xuống nuôi trong nhà, trèo bằng gì được cái cây thẳng đuột này ư, bằng “nài” con ạ, tức là vòng dây bắt chéo hình số 8 quấn vào hai cổ chân ấy mà. Này đây con… Cứ thế cha dắt con đi lại tuổi thơ mình và giảng giải mà như tâm sự như hồi tưởng dù con có nghe hay không, có hiểu hay không. Mai rồi ký ức con sẽ có những ngày hè đầu đời này ở quê, và con sẽ lưu giữ và truyền đi cho những lớp con cái về sau.

Về quê bây giờ buồn vui lẫn lộn, cộng với nỗi hoài niệm bao đời vẫn có mỗi khi người đi xa về lại quê mình. Nhiều quê đã làng lên phố và phố ở làng, cái thị thành và cái làng quê đan xen nhau, hỗn tạp nhau, xâm thực nhau. Người quê cũng vì thế có phần bớt đi hương đồng gió nội, nhất là tuổi mới lớn. Buồn chăng? Ngậm ngùi chăng? Trách móc chăng? Cuộc sống là thế theo sự vận động của con người trên dòng thời gian. Một tiếng gọi đò đầu thế kỷ trước của ông Tú thành Nam vẫn vọng mãi đến bây giờ, và còn vọng nữa khi ngày càng nhiều “sông Lấp” trong công cuộc đô thị hóa hiện nay. Về quê, còn có quê để về, cái dáng hình vật chất của quê, cái không khí môi trường quê, cái cảnh sắc hương vị quê.

Về quê, có thể rồi là một nỗi thèm khát các thức quê, để giữa thủ đô và các thành phố người người có “mốt” tìm ăn các món quê dân dã mà một thời cố chối bỏ và chê bai.Về quê, có thể sẽ chỉ còn là về trong tâm tưởng, còn là hình với cha, nhưng chỉ là bóng với con. Dẫu sao mặc lòng, “Quê hương mỗi người chỉ một, Như là chỉ một mẹ thôi, Quê hương nếu ai không nhớ, Sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân). Và hễ cứ nghe lời hát cất lên “Neo đậu bến quê’ (An Thuyên), “Về quê” (Phó Đức Phương”, “Khúc hát sông quê” (Nguyễn Trọng Tạo)… là nỗi niềm về quê lại trỗi dậy trong ta. Bạn có vậy không? Tôi thì vậy.

Phạm Xuân Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm