1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Chọi trâu Đồ Sơn chỉ là trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người?

(Dân trí) - “Đừng gọi chọi trâu Đồ Sơn hiện nay là lễ hội, càng không đáng để gọi là là lễ hội truyền thống vì quá xa rời với bản chất đẹp đẽ mà ông cha đã tạo ra. Đó chỉ còn là một thứ trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người”, GS Trần Lâm Biền thẳng thắn nói.

“Đừng gọi hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội”

Sau sự cố đáng tiếc tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng khiến một chủ trâu bị thiệt mạng do chính trâu chọi của mình, GS Trần Lâm Biền đã thẳng thắn nói: “Đừng nên gọi hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội”.

“Theo tôi, đừng nên gọi hội chọi trâu ở Đồ Sơn hiện nay là lễ hội vì nó quá xa rời với bản chất đẹp đẽ mà ông cha đã tạo ra với “lễ hội truyền thống”. Đó chỉ còn là một thứ trò chơi núp bóng lễ hội cũ, mượn danh thượng võ để nhằm đạt được ý đồ khác. Chỉ là một trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người!

Chọi trâu Đồ Sơn hiện nay được đưa vượt ra khỏi không gian làng xã. Một khi nó bị vượt ra khỏi không gian làng xã của nó, vượt cả không gian địa lý và không gian tâm linh thì nó không còn là nó nữa”, GS Trần Lâm Biền nói.

Trâu chọi húc chủ trên sân đấu (Ảnh CTV).
Trâu chọi húc chủ trên sân đấu (Ảnh CTV).

Theo GS Trần Lâm Biền, lễ hội chọi trâu truyền thống ở Đồ Sơn thực chất là một lễ hội cầu yên hòa cho những người đi biển. Hình ảnh sừng trâu là biểu tượng của mặt trăng, thủy trăng. Khi chọi, sừng của con trâu như mặt trăng lưỡi liềm. Hành động trâu húc nhau giống như sự vận động của thủy triều. Kết thúc lễ hội chọi trâu, người xưa sẽ lấy con trâu khỏe nhất đưa ra biển như một sự hiến tế cho thần biển để từ từ đó cầu mong sự yên hòa cho con đường đi biển.

GS Trần Lâm Biền chia sẻ thêm: “Hiện nay, cả nước có nhiều địa phương vẫn duy trì lễ hội chọi trâu truyền thống. Có những nơi người ta vẫn giữ được vẻ đẹp của nghi thức chọi trâu như ở làng Hiếu Giang bên bờ sông Thạch Hãn. Ở đó, người ta không cần trâu mà đẩy cao lên hình tượng hóa bằng 2 cái đầu trâu do hai người khỏe mạnh chui vào và húc nhau. Nghi lễ đó được tái hiện với mong muốn trời biển hãy theo cách gợi ý của con người mà đem đến sự yên hòa, không có sóng to, mà chỉ có biển lặng để con người ra khơi...”

Cũng theo GS Trần Lâm Biền, ý nghĩa của lễ hội truyền thống chọi trâu đẹp đẽ như thế thì không bỏ đi được. Tuy nhiên, chọi trâu Đồ Sơn thì khác. Nó không còn những nghi lễ ý nghĩa mà đã bị biến tướng, bị lợi dụng, bị thương mại hóa. Ông cũng nhấn mạnh, sự biến tướng của chọi trâu Đồ Sơn đã được các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo hơn chục năm nay.

“Có nên bỏ lễ hội chọi trâu”?

GS Trần Lâm Biền cho rằng, nên bỏ trò chơi trọi châu ở Đồ Sơn. “Tôi cho rằng chọi trâu ở Đồ Sơn hiện nay không phải là lễ hội mà chỉ là một trò chơi kích thích sự hiếu kỳ. Theo tôi, nếu là lễ hội kích thích sự hiếu kỳ thì nên bỏ. Còn với những lễ hội chọi trâu truyền thống thì nên duy trì”, ông nói.

Lễ hội chọi trâu luôn hấp dẫn người xem bởi những pha đấu đẹp mắt của các ông trâu (Ảnh: Hồng Phong)
Lễ hội chọi trâu luôn hấp dẫn người xem bởi những pha đấu đẹp mắt của các "ông trâu" (Ảnh: Hồng Phong)

Bày tỏ ý kiến xoay quanh việc có nên bỏ lễ hội chọi trâu hay không, TS Nguyễn Hồng Kiên chia sẻ: “Nếu coi là nét đẹp là truyền thống văn hóa như truyền thống quảng bá lâu nay thì không thể vì một tai nạn mà cấm”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng không phải vì lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia mà không thể cấm, mà do đây là sự kiện lớn nhất về chọi trâu, hàm chứa nhiều nghi thức truyền thống cũng như ý nghĩa tâm linh nên quyết định bỏ lễ hội chọi trâu hay không cần phải nghiên cứu kỹ.

GS Ngô Đức Thịnh – Chủ tịch Hội nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cũng thể hiện sự băn khoăn nếu sau sự cố tai nạn đáng tiếc này, lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn bị cấm tổ chức vĩnh viễn.

“Chúng ta cần thận trọng trước khi quyết định cấm hẳn lễ hội vì chọi trâu là lễ hội truyền thống có hàng trăm năm nay, do cộng đồng tổ chức và có thương hiệu. Sự cố đáng tiếc vừa rồi là do sự thiếu cẩn thận của ban tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, nếu cấm vì lý do lỗi của nhà tổ chức thì đi ngược với văn hóa”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Nguyễn Hằng