Chiêm ngưỡng những bức tranh “nghìn tỉ” của năm 2014
(Dân trí) - Những cái giá “không tưởng” đặt vào các tác phẩm nghệ thuật vẫn không ngừng gia tăng và không thôi gây sốc đối với công chúng. Những kỷ lục về giá tranh “trên trời” liên tiếp được xác lập trong năm nay.
Mỗi năm, dòng tiền luân chuyển trong giới sưu tầm nghệ thuật lên tới hàng trăm triệu đô la. Khi một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc danh tiếng được chuyển từ nhà sưu tầm này sang tay nhà sưu tầm khác, điều đó có nghĩa cả một gia tài khổng lồ đang được chuyển giao.
Trong khi nền kinh tế thế giới năm 2014 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, thì riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, những con số “trên trời” vẫn được xướng lên đều đều.
Thậm chí, kinh tế càng khó khăn, những con số “không tưởng” đặt vào các tác phẩm nghệ thuật lại càng lớn hơn, càng gây sửng sốt hơn, bởi nhiều nhà tài phiệt bắt đầu nhìn nhận việc sưu tầm nghệ thuật như một cách đầu tư và giữ tiền an toàn nhất. Trong năm 2014, người ta tiếp tục chứng kiến những con số gây sốc tại các buổi đấu giá nghệ thuật.
Bức “Lửa đen I” - họa sĩ người Mỹ Barnett Newman (1961) - giá 84,2 triệu đô la (gần 1,8 nghìn tỉ đồng): Được bán cho một người mua ẩn danh, bức “Lửa đen I” đã lập kỷ lục về giá đối với một tác phẩm hội họa được thực hiện bởi một họa sĩ Mỹ. Newman từng nói rằng ông thực hiện bức tranh này là để “bênh vực” màu đen, để nó cũng được coi là một màu thú vị trong hội họa.
Bức “Triple Elvis” (Bộ tam Elvis) - họa sĩ người Mỹ Andy Warhol (1963) - giá 81,9 triệu đô la (hơn 1,7 nghìn tỉ đồng): Sinh thời, vị danh họa nổi tiếng người Mỹ đã thực hiện nhiều bức tranh về các nghệ sĩ nổi tiếng đương thời. Andy Warhol từng vẽ 22 bức tranh khắc họa danh ca Elvis Presley. Đây là một trong số đó. Bức tranh có chiều cao hơn 2,1m khắc họa liên tiếp 3 hình ảnh chân dung toàn thân giống hệt nhau của Elvis Presley. “Bộ tam Elvis” được thực hiện bằng mực và sơn bạc, trong tranh, Elvis Presley hiện lên như một chàng cao bồi miền Tây.
Bức “Ba nghiên cứu chân dung của John Edward” - họa sĩ người Anh Francis Bacon (1884) - giá 80,8 triệu đô la (hơn 1,7 nghìn tỉ đồng): Nhân vật trong tranh - John Edwards - là một người quản lý quán bar nhưng mù chữ. John gặp Francis hồi thập niên 1970 và trở thành người bạn thân thiết của vị họa sĩ, sau này, John sẽ trở thành người thừa kế duy nhất khối gia sản để lại của Francis Bacon. Bộ ba bức tranh này được mua chỉ sau hai lần phát giá và hiện đã thuộc về một người mua ẩn danh.
Hai bức tranh không tên - họa sĩ người Mỹ Mark Rothko - giá 76 triệu đô la (hơn 1,6 nghìn tỉ đồng): Mức giá đạt được gấp đôi mức giá ước tính ban đầu của nhà đấu giá.
Bức “Chân dung George Dyer lúc nói chuyện” - họa sĩ người Anh Francis Bacon (1966) - giá 70 triệu đô la (gần 1,5 nghìn tỉ đồng): Khi George Dyer đột nhập vào nhà của Francis Bacon với ý định ăn trộm, Dyer không hề biết rằng mình sẽ bước vào một trong những cuộc tình say đắm và khác thường nhất trong lịch sử hội họa. Từ đó trở đi, kẻ ăn trộm George Dyer trở thành “nàng thơ” trong tranh của người tình Francis Bacon. Tình yêu của Bacon được thể hiện trong hàng loạt bức chân dung khắc họa Dyer, bức tranh cao gần 2m này là một minh chứng. Mối tình đồng tính này kết thúc bằng bi kịch khi Dyer tự tử.
Bức “Four Marlons” (Bộ tứ Marlons) - họa sĩ Mỹ Andy Warhol (1966) - giá 69,6 triệu đô la (gần 1,5 nghìn tỉ đồng): Lại một tác phẩm nữa của Warhol lập kỷ lục về giá trong năm 2014. Tác phẩm “Bộ tứ Marlons” chưa từng xuất hiện tại bất cứ cuộc đấu giá nghệ thuật nào cho tới khi nó “thình lình” lộ diện trong năm nay. Cả hai bức tranh “Bộ tam Elvis” và “Bộ tứ Marlons” đều được mua bởi một sòng bạc ở Đức hồi thập niên 1970. Hai bức tranh này khi đó chỉ có giá vỏn vẹn 200.000 đô la cả đôi và được mua về để trang trí cho sòng bạc.
Bức tranh không tên - họa sĩ người Mỹ Cy Twombly (1970) - giá 69,6 triệu đô la (gần 1,5 nghìn tỉ đồng): Đây là một bức trong loạt tranh “bảng đen” của Cy Twombly. Các bức trong loạt tranh này đều có một điểm chung là vải vẽ được sơn màu xám, trên đó là những nét vẽ nguệch ngoạc bằng bút sáp trắng. Bức tranh không tên này đã đạt được mức giá vượt ngoài sự mong đợi của nhà đấu giá.
Bức “Mùa xuân” - họa sĩ người Pháp Edouard Manet (1881) - giá 65,1 triệu đô la (gần 1,4 nghìn tỉ đồng): Đây là một trong những bức tranh cuối cùng của Manet, bởi chỉ hai năm sau khi thực hiện bức vẽ này, ông sẽ qua đời. Từ trước đến nay, bức “Mùa xuân” luôn nằm trong tay những nhà sưu tầm tư nhân, vì vậy, khi bức tranh được đem ra đấu giá, đó là một cơ hội hiếm hoi để công chúng được chiêm ngưỡng. Mức giá mà bức “Mùa xuân” đạt được gấp đôi ước tính ban đầu.
Bức “Cây cà độc dược” - họa sĩ người Mỹ Georgia O'Keeffe (1932) - giá 44,4 triệu đô la (gần 945 tỉ đồng): Trong rất nhiều những kỷ lục về giá được xác lập bởi các tác phẩm của những nghệ sĩ nam, bức tranh “Cây cà độc dược” là một điểm sáng bởi tác giả của nó là một nữ họa sĩ. Bức tranh đã được bán cho một người mua ẩn danh, mức giá này cao gấp 4 lần mức giá ước tính ban đầu, đồng thời, đây cũng là bức tranh vẽ của một họa sĩ nữ đắt nhất trong lịch sử.
Bích Ngọc
Theo Huffington Post