Chiêm ngưỡng nhà thờ đá có kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
(Dân trí) - Quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm được Bộ Văn Hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1988. Quần thể di tích này gồm có: Nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ, Phương Đình, ao hồ và các hang đá nhân tạo.
Được khởi công xây dựng từ năm 1875 do linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) thiết kế cùng các giáo dân xây dựng trong hơn 30 năm. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể rộng 22ha tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).
Quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm được Bộ Văn Hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1988. Quần thể di tích này gồm có: Nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ, Phương Đình, ao hồ và các hang đá nhân tạo. Ngày nay, xung quanh khu nhà thờ còn được xây dựng thêm Trung tâm hành hương, nhà truyền thống, nhà xứ chính tòa, nhà chung giáo phận…
Nguyên liệu chính để xây dựng khu di tích nhà thờ Phát Diệm chủ yếu là đá và gỗ. Đá xây dựng nhà thờ là đá xanh được đưa về từ nhiều nơi ở Thanh Hóa và Ninh Bình, gỗ đưa từ Nghệ An và các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Tất cả đều cách xa nơi xây dựng nhà thờ hơn 100km.
Công trình kiến trúc độc đáo này được xây dựng trên vùng đất đầm lầy của huyện Kim Sơn. Nhiều du khách khi đến tham quan nhà thờ rất thán phục kỹ thuật xây dựng của người xưa. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, giao thông và các phương tiện kỹ thuật chưa có và hiện đại như ngày nay. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nhà thờ, hàng trăm tảng đá tự nhiên to lớn, những cây gỗ lim to lớn một người ôm không xuể dài hàng chục mét… được vận chuyển về xây dựng một cách công phu và rất chắc chắn.
Là công trình Công giáo nhưng nhà thờ đá Phát Diệm lại mang đậm kiến trúc đình chùa truyền thống Việt Nam. Các mái của nhà thờ cong vút, nhiều tầng khác nhau; tháp chuông và tháp nhà thờ xây dựng theo hình thức cổng tam quan (lối xây dựng chủ yếu của các ngôi chùa); cột kèo, các gian nhà hay nhiều hạng mục đều được thiết kế mang đậm tính dân tộc. Bên trong gian Cung thánh của nhà thờ lớn được sơn son thếp vàng như một cung điện vua hay gian thờ chính của những ngôi chùa lớn. Nhiều họa tiết hoa văn cũng thể hiện rõ văn hóa phương Đông như: cây cỏ, thú chim, công phượng, tùng trúc cúc mai…
Trải qua hơn 100 năm nhưng nhà thờ đá Phát Diệm vẫn trường tồn với thời gian. Nhà thờ lớn cùng nhiều nơi ở khu di tích này từng bị bom Mỹ bắn phá nhưng vẫn không bị sụp đổ. Theo tài liệu còn lưu giữ tại đây, khi xây dựng lên ngôi nhà thờ cụ Sáu đã cho đóng hàng triệu cọc tre xuống nền móng sâu hàng chục mét. Ngôi nhà thờ có lún nhưng lún đều nên không hề bị hư hại như nhiều công trình được xây dựng cùng thời.
Toàn thể di tích nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc độc đáo, là ngôi nhà thờ đá có kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam hơn 100 năm qua.
Thái Bá