Huế:
Cháu nội vua Thành Thái được tài trợ về Huế giỗ vua ông
(Dân trí) - Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Nguyễn Phước Bảo Tài (52 tuổi, cháu nội vua Thành Thái) vừa được ra Huế để lần đầu tiên được dự lễ giỗ vua ông và thăm mộ của cha.
Ngày 22/3, theo TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết Trung tâm vừa đón gia đình ông Bảo Tài từ TP Hồ Chí Minh ra Huế. Trung tâm đã tài trợ vé máy bay, tiền ở khách sạn 5 ngày và tặng thêm 2 triệu cho gia đình. Trước đó Trung tâm đã gửi tặng gia đình 5 triệu đồng vì hoàn cảnh khốn khó.
Hiện gia đình ông Bảo Tài đang ở khách sạn Ngự Bình (đường Trần Phú, TP Huế) cho tiện đi đến An Lăng (đường Duy Tân, TP Huế).
Vào sáng thứ 5 này (24/3), gia đình ông Bảo Tài sẽ dự lễ kỵ đức vua ông Thành Thái vào 10h sáng tại An Lăng (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi thờ các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân và một số con cháu các vua), thỏa ước mong một lần được dự lễ kỵ vua ông và thăm lăng mộ của các tiền bối chôn tại đây là hoàng tử Vĩnh Giu (con vua Thành Thái).
Ông Bảo Tài đã gửi lời cảm ơn sâu sắc trước tấm thịnh tình và quan tâm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về hoàn cảnh gia đình ông.
Qua thông tin từ báo chí, gia đình ông Bảo Tài rất khó khăn. Ở lang thang tại Cần Thơ, ông Tài làm nghề bán vé số, sau khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm thấy gia cảnh quá nghèo nên đã tặng một căn nhà tình nghĩa và 1 chiếc xe gắn máy. Từ đó ông Tài chuyển qua nghề lái xe ôm.
Năm 2004, ông lấy vợ khi đã 40 tuổi, rồi sinh ra một cô con gái tên là Thanh Tuyền. Nhưng không may, cháu Tuyền bị liệt hệ thần kinh số 9. Tuy trí óc rất sáng suốt, thông minh nhưng tứ chi không hoạt động. Qua nhiều năm chữa trị, hiện cháu đã ngồi được nhưng vẫn không tự lo cho mình như các đứa trẻ bình thường khác.
Cha ông Bảo Tài - hoàng tử Vĩnh Giu tuy mất gần 10 năm, được đưa về Huế chôn tại An Lăng nhưng ông chưa một lần được về thăm vì quá nghèo. Ước muốn của người cháu vua Thành Thái này là được trở về thăm mộ cha và giỗ ông nội.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cảm thông và thấu hiểu hoàn cảnh gia đình anh. Giờ thì ước muốn của người cháu vua có hoàn cảnh khốn khó này đã được trở thành hiện thực. Được biết, trong sáng 24/3, các nghi lễ cho lễ kỵ của vua Thành Thái được thực hiện theo nghi thức cung đình Huế xưa với sự tham gia của nhiều họ hàng vua.
Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889 là một trong 3 vị vua yêu nước tại Huế, sau Hàm Nghi và trước Duy Tân. Vua có thái độ chống Pháp ra mặt nên thực dân Pháp đã truất ngôi, lưu đày vua sang đảo Reunion - một hòn đảo nhỏ thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương. Sau 31 năm lưu đày, năm 1947 nhà vua cùng gia đình được người Pháp cho về lại Việt Nam.
Tuy về lại quê hương, nhà vua được ở tại Vũng Tàu nhưng các hoàng tử bị phân tán đi khắp nơi. Hoàng tử Vĩnh Giu - 1 trong 9 người con của Vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc - bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm ngành công chánh (cầu đường). Tại Cần Thơ, năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa sinh ra 7 người con - trong đó Nguyễn Phước Bảo Tài là con trai út.
Đại Dương