Cháu nội kể điều đặc biệt về bữa cơm của gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh

Hồng Anh

(Dân trí) - Một điều đặc trưng trong gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh là ai cũng có tủ sách của riêng mình. Truyền thống "tủ sách" có từ thời ông nội của Tổng Bí thư.

Tham gia phần thảo luận bàn tròn tại Hội thảo quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" tại Hà Nội, Tiến sĩ (TS) Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã chia sẻ rất nhiều kỷ niệm về người ông của mình - tác giả văn kiện "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943.

TS Đặng Xuân Thanh kể rằng, tính cách đặc trưng của Tổng Bí thư Trường Chinh là nghiêm cẩn, thận trọng, nguyên tắc. Những điều này trở thành giai thoại và gắn liền với bí danh "Năm Thận" ("thận" trong thận trọng) của ông.

Cháu nội kể điều đặc biệt về bữa cơm của gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh - 1

TS Đặng Xuân Thanh chia sẻ về truyền thống của gia đình tại hội thảo (Ảnh: Nam Nguyễn).

"Năm người con và vợ của Tổng Bí Thư Trường Chinh đều làm công tác khoa học. Niềm say mê và sự thôi thúc này xuất phát từ truyền thống gia đình. Sự nghiêm cẩn, nghiêm túc, thận trọng… trong nghiên cứu khoa học của mỗi thành viên được trui rèn từ những cuộc trao đổi trong gia đình, từ những cuốn sách mà Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là người cha, người ông luôn khuyến khích, động viên chúng tôi đọc", TS Đặng Xuân Thanh nói.

Một điều đặc trưng trong gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh là ai cũng có tủ sách của riêng mình. Truyền thống "tủ sách" có từ thời ông nội của Tổng Bí Thư là tiến sĩ Đặng Xuân Bạch. Sau khi từ quan trở về nhà, cụ đã thành lập thư viện tư nhân đầu tiên ở Bắc Kỳ, sách chứa chật cả 6 gian nhà tranh.

Sau này, khi TS Đặng Xuân Thanh 5- 6 tuổi, chỉ mới biết đọc, biết viết, ông đã được ông nội Trường Chinh đóng cho một cái tủ sách cao khoảng 1 mét từ những tấm gỗ xù xì, mộc mạc.

Ông được ông nội bỏ tiền lương mua cho các cuốn "Túp lều bác Tôm", "Không gia đình", "Những tấm lòng cao cả"... Sau đó, khi lớn hơn, ông đọc thêm những cuốn như "Chiến tranh và hòa bình", "Những người khốn khổ"… của bố, của chú và ông nội.

Lúc đầu đọc, ông chưa hiểu hết nhưng càng đọc càng thấm dần. Bữa cơm nào gia đình ông cũng có những cuộc thảo luận nhỏ xoay quanh các chủ đề về văn hóa, chính trị, lịch sử. Có những cuộc tranh luận nảy lửa về những quan điểm, vấn đề đang xảy ra với đất nước. Nhiều kiến thức vì thế cứ thấm dần vào các thành viên.

Cháu nội kể điều đặc biệt về bữa cơm của gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh - 2

Tổng Bí thư Trường Chinh, tháng 12/1986 (Ảnh: TTXVN).

Tình yêu văn hóa, thơ ca luôn hiện diện trong đời sống gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh. TS Đặng Xuân Thanh nhớ lại: "Ông và bà nội tôi, hai người gần như có một sự khác biệt rất lớn. Tuy nhiên, cả hai hết mực yêu thương nhau. Có những lúc tôi chứng kiến cảnh ông nội ôm vai đọc thơ tặng cho bà nội. Bà tôi khi ấy đã ngoài 60 tuổi rồi, vẫn đỏ mặt. Những hình ảnh ấy đã in sâu trong tâm trí tôi".

Hiện TS Đặng Xuân Thanh đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nơi có tiền thân là Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn, do Tổng bí thư Trường Chinh chỉ đạo GS Trần Huy Liệu xây dựng đề án thành lập. Điều này khiến ông cảm thấy vô cùng vinh dự và mong muốn sẽ tiếp bước truyền thống của gia đình.

"Tôi tin rằng, chính môi trường gia đình, chính sự yêu thương và cũng chính từ những sự nghiêm túc, nghiêm cẩn, nguyên tắc sống của ông nội tôi là cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến các con cháu sau này, ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của họ, trong đó có tôi", TS Đặng Xuân Thanh chia sẻ.

PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Tổng Bí Thư Trường Chinh đã sáng tác hơn 200 bài thơ dưới bút danh Sóng Hồng. Ông đưa ra tuyên ngôn văn học phải có trách nhiệm với đất nước, nhân dân. Hồn thơ Sóng Hồng chân thực, khỏe khoắn, lạc quan.

Cố Tổng Bí thư quan niệm nghệ thuật và cách mạng không thể tách rời, mỗi nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ, nghệ thuật gắn liền với đời sống nhân dân. Ngay từ sớm, ông đã có cái nhìn minh triết, sắc sảo, kết hợp giữa tư duy của nhà văn hóa và chính trị gia.

Nhờ vậy, Tổng Bí thư đã nắm bắt được tinh hoa dân tộc và nhân loại, đồng thời thấy được xu thế vận động của lịch sử, từng bước đi của cách mạng Việt Nam. Tinh thần này thể hiện rõ qua hai câu thơ: "Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền".