Chất men Phan Quang “trên nẻo đường này xưa ta đã đi”
(Dân trí) - 92 tuổi đời, hơn 70 tuổi nghề, Phan Quang vẫn “đi”, vẫn viết. Ở tuổi không thể xách ba lô lên xe, đi ngay như thời trẻ trung, ông đi bằng chất xám, bằng trí tuệ.
Hồi ra mắt cuốn bút ký “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ hồ Gươm” của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nhà nghiên cứu, phê bình Phong Lê có đặt hàng với tác giả nên viết hồi ký, bởi lý do đơn giản là anh đã sống, trải nghiệm qua bao biến cố, những khúc quanh của lịch sử, của đất nước, của nghề nghiệp.
Ông tin rằng, cuốn hồi ký cuối đời nhà báo, nhà văn lớn sẽ rất giá trị. Nhiều người, trong đó có tôi đồng tình với giáo sư Phong Lê. Sau đó ít hôm, trong một bữa cơm gia đình thân mật, ông Phan Quang nhẹ nhàng bộc bạch: “Hồi ký cũng hay. Nhưng có người nói viết hồi ký là tự khen mình và đổ lỗi cho người khác. Vả lại mình cũng già rồi, chắc không đủ sức”.
Tôi tiếc vậy, nhưng mà không phải vậy. Cuối tháng 12 năm nay, tôi được ông gọi đến nhà đưa cuốn hồi ký mới in với đề tặng: “Chúc mừng năm mới 2020 sắp đến nơi”.
Cuốn sách đầy đặn, khổ 18 cm X 24 cm, dày 353 trang giấy ngà, dễ đọc. Vả lại trình bày bìa của họa sỹ Văn Sáng bắt mắt tôn thêm nét sang trọng của tác phẩm. Sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Nhưng không phải vì những lý do đó mà tôi đọc nghiến ngấu. Tôi đọc một mạch bởi sự cuốn hút chất men say trong hồi ký của Phan Quang. Men say ấy là đất, là người. Đất gắn liền với sự kiện, người xoắn xuýt trong tình nhà, tình quê. Men say ấy là “nàng văn” với mối tình đầu, mà như tác giả có lần tâm sự “vừa lạ lại vừa quen”.
92 tuổi đời, hơn 70 tuổi nghề, Phan Quang vẫn “đi”, vẫn viết. Ông già ngoại cửu tuần không thể xách ba lô lên xe, đi ngay như thời trẻ trung mà ông đi bằng chất xám, bằng trí tuệ. Ở đó ông gặp nhân vật cả quá khứ và hiện tại trên từng dòng tin, phóng sự, bút ký, chính luận, tiểu thuyết qua sách, báo in và nhanh nhạy là phát thanh, truyền hình, báo điện tử bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh.
Ngày ngày ông nạp năng lượng và nhớ lại để cho ra tập hồi ký đầy đặn “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi”. Những nẻo đường xưa ông đi từ quê nhà Hải Lăng, Quảng Trị đến mọi miền đất nước, từ cao nguyên Đồng Văn đến tận đất mũi Cà Mau.
Thời gian hành trình qua từng trang viết của Phan Quang suốt từ năm 1948 cho đến ngày hôm nay, cả ngày mai. Ông đang làm mọi việc để đầu năm 2020 cho ra mắt tập truyện ngắn tuyển chọn và suy ngẫm nhiều điều tâm đắc.
Cuối đời của một Phan Quang “nghề báo nghiệp văn”, ký ức như dòng chảy ngược từ cửa sông đến ngọn nguồn khe suối. Miền hoài niệm đọng lại, chắt chiu từ làng quê Thượng Xá của Hải Lăng, huyện tận cùng của dải đất nghèo Quảng Trị quả cảm, anh hùng.
Sau năm 1954, đứng bên bờ Bắc Hiền Lương Phan Quang hướng về Nam, đâu đây khắc khoải giọng hò diết da đến tắc nghẹn “…muốn về quê mẹ mà không có đò…”
Không phải không có đò, mà con thuyền nan thân thuộc không được sang ngang vì vĩ tuyến 17 như vết dao vô hình cắt chia đôi miền, khiến nỗi nhớ quê nhà thêm đau rát.
Ông viết: “Nỗi nhớ quê hương, cũng tức là những ký ức đẹp, nhiều khi vừa ngọt ngào vừa quay quắt…Có những buổi chiều, dừng chân tạm ghé một làng nào đấy nhìn qua hàng rào râm bụt thấy một gia đình quây quần dùng bữa dưới ánh hoàng hôn, nghe một tiếng sáo diều vi vu vút trên không, thoáng một giọng cười vui từ góc vườn nào đó vọng lại, bỗng dưng lòng tôi đau nhói, thấy mình như đang thực sự thiếu quê hương.
Thì ra dù đất nước bao la, đẹp đẽ vô ngần vẫn không sao choán hết chỗ trong lòng ta; tình dân mặn mà đến thế vẫn không thể làm cho ta quên đi dáng hình bà cụ hàng xóm lom khom chống gậy sang xoa đầu đứa trẻ và dúi vào tay cho cháu một trái roi dôn dốt vừa hái từ cây trong vườn bà. Quê hương, hai tiếng thân yêu ngân mãi trong lòng người như tiếng chuông chùa làng lúc thu không”.
Cái đọng lại trong Phan Quang không chỉ là một làng Thượng Xá, một Ba Lòng, Thạch Hãn, sông Hiếu, Đông Hà, Khe Sanh, Hồ Xá, Chấp Lễ, Cửa Tùng, Hiền Lương, Vịnh Móc mà sâu lắng đến khoắc khoải, ngân nga là tiếng nói, giọng ru con, hò khoan, hò hụi lảng đảng bên triền sông, dưới rặng tre xanh. Có lần ông tâm sự “xa quê đã hơn nửa thế kỷ, nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên Quảng Trị”.
Cái vẹn nguyên ấy là “Giọng nói quê hương. Giọng nói ta nghe từ khi còn nằm ngửa trong nôi, giọng nói ta bi bô lúc bắt đầu tập nói. Giọng nói ấy hồi đi học trường tỉnh, tôi không thích tý nào vì nó vụng, nó quê, nó thô quá, khiến các bạn học cứ vin vào đó mà chế giễu, làm tình làm tội thằng bé đang mặc cảm với giọng nói quê mùa cha mẹ sinh ra… Giọng nói “quê một cục” ấy sao hôm nay dịu dàng, thân thương làm vậy.”
Những miền đất in dấu chân Phan Quang suốt 70 năm ấy không thể đếm xuể, từ trong nước ra nhiều nước, tứ xứ nóng sang xứ lạnh. Sâu nặng nhất vẫn là niềm thương nỗi nhớ người “xưa” trên nẻo “đường xưa”. Với ông xưa nhưng không cũ.
Sự kiện 12 ngày đêm chiến thằng B52 Mỹ, ta lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, Phan Quang cùng nhiều nhà báo, nhà văn khác đã sống, chiến đấu, chứng kiến khoảnh khắc lịch sử ấy và đã viết nên thông điệp: kẻ thù muốn biến chúng ta thành tro bụi “ta hóa thành nhân phẩm lương tâm”- lương tâm thời đại. Riêng Phan Quang ngửi thấy “mùi kỳ lạ” trong cái đổ nát và bi hùng ấy.
Ông viết: “Lúc này đây, bước chân tôi đi dọc phố Khâm Thiên, giẫm trên đổ nát, tôi hoàn toàn không nghĩ đến cái chết, không lo mình bị dính đạn bom, chỉ cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi căm hờn và xót thương những bà con xấu số… Cảm giác ấy đeo đẳng tôi rất nhiều năm, cứ mỗi lần ngửi thấy thoang thoảng mùi hương trầm nhà ai đó đốt lên vào dịp lễ tết là y như tôi không thể cầm lòng không liên tưởng đến cái mùi kỳ lạ trong đêm trăng hạ huyền Hà Nội mùa đông 1972”.
Cũng dòng cảm xúc là lạ, quen quen ấy, sau những ngày hành quân cấp tốc cùng quân Giải phóng vào Sài Gòn tiếp quản thành phố “hòn ngọc Biển Đông”, Phan Quang đến nhiều đại lộ, con đường, góc phố viết gấp, viết nhiều bài báo, trang văn gửi ra Hà Nội kịp đăng báo số sớm nhất.
Thời điểm nhiều cảm xúc đan xen ấy anh phóng viên “tờ nhật trình” năm nào trên đất khu Bốn chiêm nghiệm và đồng cảm với nhà báo T. Terzani, người Ý làm đăc phái viên cho một tờ báo tiếng Đức, xuất bản tại Tây Đức: “Thật tình, không sao quen được cảm nhận là những cán bộ Giải phóng sao mà thánh thiện đến vậy! Làm sao những con người từng chịu đau khổ cả chục năm xa cách người thân yêu, đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng lại có thể nén mình, không chạy bổ về thăm gia đình ngay tức khắc, chỉ vì lý do… đang bận công tác?
Làm sao những tử tù từ Trại đày Côn Đảo nay được trở về đất liền lại không sà ngay vào vòng tay những người thân yêu mà vui lòng tập trung nhau cả tuần lễ để “học tập, nghiên cứu chính sách, làm quen với tình hình mới”? Nhớ lại và suy nghĩ để thấy hết sức chịu đựng quả cảm của người Việt, điều mà không phải nơi nào trên thế gian này cũng có được. Chính sức chịu đựng vô song ấy đã góp phần làm nên chiến thắng huy hoàng.
Với nhà báo, nhà văn Phan Quang, nhớ thật kỹ để viết lại thật đúng. Hồi ký để một lần nữa suy ngẫm những nẻo đường xưa mà ông từng đi qua, để thấu hiểu hơn chặng đường gian nan, kỳ thú mà hào hùng của dân tộc từng nếm trải.
Mặn mòi hơn nữa để nhận thức lại con đường “nghề báo nghiệp văn” mà ông từng thả giọng trầm “đã mang lấy nghiệp vào thân…” Tình yêu đầu đời đến với trang viết của Phan Quang là văn chương. Ông đọc nhiều sách hay, nhất là của các tác giả lớn ở nước ngoài, ông cũng thử viết nhiều thể loại báo chí và văn chương. Đã có lúc ông nghi ngờ năng lực của mình.
Ông ghi vào nhật ký: “Muốn làm nhà văn chớ nên đọc nhiều kiệt tác. Sáng tạo của các bậc thiên tài sẽ làm ta chán viết, bởi viết làm gì nữa khi trên đời đã có sẵn những tác phẩm hay đến mức này.” Nghề nghiệp của ông ghi đậm trong lý lịch là Nghề báo. Tình yêu của ông không ghi lý lịch là văn chương. Nhưng không phải không ghi lý lịch là không ghi nhớ. Ông nhớ và đeo đẳng tình yêu ban đầu là nàng văn, nhưng không phụ lòng bà vợ báo chí, tuy đã hơn 70 xuân. Trích ngang lý lịch viết lách, Phan Quang ghi: “Quá trình sáng tác của tôi cho đến nay: hồi hộp, say sưa, thiết tha khi chưa viết, hứng thú lúc ban đầu, chán nản ở nửa chừng, và thất vọng, có khi xấu hổ nữa, sau khi viết xong”.
Đấy là tâm trạng thật của một người cầm bút hiểu đúng chính mình. Ông dành một phần khiêm tốn để nhớ về báo và văn với đầu đề rất đời: “Mối tình đầu và người vợ tào khang”.
Phần này chỉ dài một trang rưỡi, để các bạn tìm đọc và suy ngẫm cùng tác giả, tôi chỉ trích một đoạn thôi: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù con đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với người vợ, dốc tất cả sức lực và tâm hồn xây dựng tổ ấm chung, cho dù ma lực văn chương tương tự mối tình đầu, thi thoảng lại hiện lên gieo cho mình chút vấn vương”.
Vĩnh Trà