Chắp cánh cho âm nhạc địa phương từ “tín hiệu SOS” của Đà Nẵng

(Dân trí) - “Có hơn một ngàn ca khúc viết về Đà Nẵng, nhưng đã có bao nhiêu ca khúc đọng lại trong lòng công chúng yêu nhạc? Có được bao nhiêu ca khúc gắn với đời sống âm nhạc của đất nước? Những ca khúc đó, đau lòng mà nói là chỉ đếm được trên đầu ngón tay”

Nhạc sỹ Trần Ái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm chủ đề “chắp cánh cho ca khúc Đà Nẵng đến với công chúng” diễn ra trong ngày 11/12 do Hội Âm nhạc thành phố tổ chức. Tọa đàm theo cách ví của người phát biểu đề dẫn là một “tín hiệu SOS” cho âm nhạc địa phương.

Tọa đàm “chắp cánh cho ca khúc Đà Nẵng đến với công chúng” 
Tọa đàm “chắp cánh cho ca khúc Đà Nẵng đến với công chúng” 

Từ  “tín hiệu SOS” đó, Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, cở mở, tâm huyết, chân tình của các nhà nghiên cứu phê bình lý luận trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các nhạc sỹ ở Đà Nẵng và cả những nhạc sỹ nặng lòng với Đà Nẵng.

Đà Nẵng ca thừa sức bay bổng nhưng chưa được chắp cánh?

Nhà phê bình - lý luận Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn hóa - nghệ thuật thành phố đặt vấn đề ngay từ chính chủ đề của tọa đàm và phản biện rằng: “Cách đặt vấn đề như chủ đề của tọa đàm không sai, nhưng vẫn có chỗ cần bàn. Chúng ta chỉ có thể chắp cánh - hay đúng hơn là chắp thêm cánh - chứ không thể tạo ra sức bay bổng cho ca khúc. Vì thế cần đặt câu hỏi rằng phải chăng hàng ngàn ca khúc về Đà Nẵng chưa có được đời- sống- thứ- hai (đời sống trong lòng công chúng -PV) thừa sức bay bổng, chỉ chưa đủ cánh để có thể tiếp cận với công chúng, giống như dây leo khỏe đến mấy mà không được cắm chói bắc giàn thì cũng chỉ đủ sức bò tràn trên mặt đất?”

Nếu vậy, theo nhà phê bình - lý luận Bùi Văn Tiếng thì cách giải quyết vấn đề không có gì khó, chỉ cần vài liên hoan âm nhạc là có thể chắp cánh cho hàng trăm tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật được trình diễn trước công chúng, được công chúng tiếp nhận và có được đời - sống -thứ - hai.

Tuy nhiên, điều e ngại là chuyện không phải đơn giản như vậy. Mà có khi nào do sáng tạo nghệ thuật có sự đòi hỏi khắc nghiệt về tính độc đáo, dị ứng với sự lặp lại - kể cả sự lặp lại của chính các tài năng. Đà Nẵng ca, mà nói chung là địa phương ca dễ tạo nên sự lặp lại, nhất là về ca từ, do vậy mà nhiều khả năng gây phản cảm. Hãy hình dung những ca khúc nào viết về Đà Nẵng cũng vang lên những Sông Hàn, Sơn Trà, Hải Vân, Non Nước… Nghe một hai bản nhạc vậy nghe được chứ bản nào cũng như bản nấy vậy thì nhàm chán biết bao. Cho nên, đối với địa phương ca, khác biệt không nằm ở chỗ có ca khúc có địa phương hóa được các địa danh hay không… mà ở chỗ nghe nhạc, khán giả có hình dung được hồn đất hồn người của từng địa phương hay không?

Qua rồi cái thời viết về miền quê nào thì cứ liệt kê địa danh, đặc sản

Nhạc sỹ Phan Văn Minh (chi hội nhạc sỹ Quảng Nam) bắt mạch Tọa đàm ngay ở tư duy địa phương cũ kỹ để góp ý rằng đã qua rồi cái thời viết về miền quê nào thì cứ liệt kê dày đặc các địa danh, các sản vật của miền quê đó. Nên hiểu rằng những tên gọi địa lý mới chỉ là cái vỏ vật chất của một vùng miền. Điều quan trọng là người nhạc sỹ phải tìm ra cảm xúc và diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật của mình cái “tâm thức văn hóa” đặc trưng của cộng đồng dân cư nơi đó.

Trong bài La Paloma, Sebastian Iradier chỉ nêu một địa danh duy nhất là Habana nhưng toàn thế giới đều nhận diện được không gian thơ mộng và những nét văn hóa phóng túng lãng mạn của con người vùng biển Carribe. Cũng vậy, bằng cách mô tả dáng dấp các cô gái trong chiếc khăn Ma-tơ-ra cùng với tiết tấu bập bùng của điệu trống ba-ra-nưng, nhạc sỹ Trần Tiến đã cho chúng ta cảm nhận phần nào tâm hồn của người Chăm bên dòng Hậu Giang.

Cho nên cần nhận thức rằng trong tâm thức người Đà Nẵng không chỉ có sông Hàn với cầu treo, cầu Rồng, không chỉ đèo Hải Vân, không chỉ Ngũ Hành Sơn…Trong tâm hồn người Đà Nẵng ắt phải có cả yếu tố di truyền văn hóa lâu đời của vùng miền, có cả vị thế lịch sử hào hùng và đau đớn hàng trăm năm, có cả những khát vọng dịch chuyển đổi đời qua bao thế hệ, có cả sự đồng điệu và chông chênh giữa những phận người.

Tọa đàm “chắp cánh cho ca khúc Đà Nẵng đến với công chúng” 

Trong tâm thức người Đà Nẵng không chỉ có những địa danh mà còn có cả yếu tố di truyền văn hóa lâu đời của vùng miền

Trong thực tế đời sống âm nhạc ở thành phố, có những dòng ca từ không nhắc nhiều đến địa danh mà khi nghe vẫn nhớ về Đà Nẵng như dòng ca từ trong bài “Đà Nẵng tình người” (nhạc: Đình Thậm - thơ: Ngân Vịnh): Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng. Như tình cha muối mặn, như tình mẹ gừng cay…Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi… Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến

Cần đầu tư và đầu tư đúng chỗ

Bên cạnh nhận thức đổi mới tư duy trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ, thì để ca khúc đến được với công chúng, thì ai cũng công nhận không thể không có sự đầu tư và đầu tư đúng chỗ.

Một nhạc sỹ phát biểu tại Tọa đàm rằng nhiều cuộc thi, trại sáng tác sau khi đã tổng kết, trao giải và báo cáo tác phẩm thì Ban tổ chức cũng coi như “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và ít khi có kế hoạch nuôi dưỡng, nâng cánh cho những ca khúc mà trong chừng mực nào đó đã được thẩm định giá trị.

Trong thực tế, không chỉ ở thành phố mà ở nhiều tỉnh, thành, các lực lượng và công cụ hỗ trợ cho việc quảng bá âm nhạc tuy khá đầy đủ nhưng ít được tận dụng một cách hiệu quả. Các nhạc sỹ nhận được tiền đầu tư của nhà nước thường chỉ dừng lại ở việc thu âm tác phẩm rồi tự nghe, “tự sướng”, ít ai dám hay đủ sức để tiếp tục hy sinh tài lực để đẩy tác phẩm đến với những không gian rộng lớn. Tác giả thường không đủ điều kiện kinh tế mà cơ quan quản lý cũng vì nhiều lý do nhạy cảm mà không dám ưu tiên đầu tư cho một tác phẩm nào.

Và nói một cách thẳng thắn góp ý cho sự đầu tư của chính quyền, ngành chức năng ở địa phương nếu có thì như Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn hóa - nghệ thuật Bùi Văn Tiếng  rằng: “Chúng ta chỉ có thể chắp thêm cánh/cắm chói, bắt giàn cho những ca khúc có khả năng khiến khán giả hình dung được hồn đất hồn người đặc trưng của Đà Nẵng; còn với ca khúc nào không có được ca khúc ấy thì cũng đành phải nói lời chia tay chứ còn biết làm sao!”.

Khánh Hiền

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm