Chadwick Boseman: Người đàn ông mang sứ mệnh thay đổi điện ảnh
(Dân trí) - Chadwick Boseman đã rời xa nền công nghiệp làm phim sau khi đã góp sức để môi trường làm phim trở nên rất khác so với thuở anh mới bắt đầu bước chân tới Hollywood.
Chadwick Boseman đã bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình ở Hollywood bằng cách nhập vai những biểu tượng, những con người tiên phong trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, và anh đã kết thúc sự nghiệp khi chính anh cũng đã trở thành một biểu tượng, một con người tiên phong trong giới làm phim.
Cuộc đời và sự nghiệp của anh quá ngắn ngủi bởi bạo bệnh bất ngờ ập tới, nhưng những thành tựu mà anh đã nỗ lực đạt được ngay cả trong lúc đối diện với bệnh tật hiểm nghèo, đã khiến anh trở thành một nam diễn viên biểu tượng của đời sống văn hóa đại chúng, với những vĩ thanh đẹp để lại trong lòng công chúng.
Những nhân vật mà Boseman đảm nhận trên màn bạc đều có chất anh hùng, được biết đến nhiều nhất là vai diễn siêu anh hùng Báo Đen trong “Black Panther” (2018), và cuộc đời mà anh đã sống cũng chứa đựng tinh thần quả cảm của những nhân vật mà anh đã đóng.
Chadwick Boseman đã rời xa nền công nghiệp làm phim sau khi đã góp sức để môi trường làm phim trở nên rất khác so với thuở anh mới bắt đầu bước chân tới Hollywood. Tài năng của Chadwick Boseman không chỉ nằm ở cách anh diễn xuất mà còn nằm ở cách anh chọn lựa vai diễn.
Lúc sinh thời, đã có lần anh nói rằng mình mang trên vai “một sứ mệnh”. Ngay từ khi bắt đầu, Boseman đã biết anh muốn tham gia vào những chuyện phim như thế nào, anh đã trải qua một thập kỷ đóng những vai phụ nhỏ không để lại dấu ấn nào và kiên trì nhẫn nại để đi được tới thời điểm mà mình chờ đợi.
Cú đột phá của anh đến vào năm 2013 với bộ phim “42”, trong đó anh vào vai một huyền thoại trong lĩnh vực thể thao của Mỹ - Jackie Robinson, cầu thủ bóng chày da màu đầu tiên đạt được thành công lớn tại các giải đấu chuyên nghiệp của Mỹ.
Đó là một chuyện phim tiểu sử kể về một vận động viên thể thao, phim nặng về những con số, nhưng là một chuyện phim đáng kể, về cách Robinson đã vượt lên thái độ thù địch, phân biệt chủng tộc đến từ chính những quan chức trong lĩnh vực thể thao thời ấy, từ cả các đồng đội đã cùng ký vào một bản kiến nghị bởi họ không chấp nhận chơi bóng với một người da màu như ông.
Khi ấy, huấn luyện viên của đội bóng từng chia sẻ với báo giới rằng ông quyết giữ Robinson trong đội không chỉ bởi Robinson là một vận động viên tài năng, mà bởi ông thấy Robinson có sức mạnh của ý chí nghị lực kiên cường, dám lầm lì tiến bước mà không thèm đánh lại, cãi lại tất cả những điều không nên không phải người ta gây ra đối với mình.
Hollywood năm 2013 đã trở nên thân thiện hơn nhiều với diễn viên da màu, nhưng vai chính dành cho các diễn viên da màu vẫn rất khan hiếm, trừ phi đó là Denzel Washington hay Will Smith. Đạo diễn Tate Taylor đã phải đối thoại rất căng với nhà sản xuất mới có thể để Boseman được đảm nhận vai diễn nam ca sĩ da màu James Brown trong bộ phim “Get On Up” (2014).
Khi ấy, phía hãng phim gây áp lực muốn giao vai diễn này cho một rapper da màu nổi tiếng hơn Boseman.
Nhưng xem Boseman diễn xuất trong “Get On Up” với cách khắc họa nhân vật James Brown qua từng giai đoạn của cuộc đời, người ta sẽ hiểu rằng không ai có thể đảm nhận vai diễn ấy tốt hơn anh, Boseman đã hóa thân vào nhân vật từ khi còn là một ca sĩ trẻ tuổi trút hết xúc cảm và sức lực trên sân khấu, cho tới khi đã trở thành một ông già nghiện ngập, thiếu tỉnh táo, dễ gây gổ...
Đạo diễn Tate Taylor đã nhìn thấy trước tài năng của Boseman và quyết bảo vệ lựa chọn của mình đến cùng. Vậy là lần thứ hai, Boseman được vào vai một nhân vật biểu tượng trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, dù không hoàn hảo từ đầu đến cuối như cầu thủ Robinson, nhưng cũng là một nhân vật đi tiên phong trong việc phá vỡ những rào cản về chủng tộc.
Trước khi vào vai siêu anh hùng Báo Đen, Boseman còn có một vai diễn đáng nhớ nữa - vai diễn luật sư Thurgood Marshall, nhà hoạt động vì nhân quyền hồi thập niên 1940, về sau Marshall trở thành vị thẩm phán da màu đầu tiên làm việc tại tòa án tối cao.
Khác với hai bộ phim điện ảnh trước, bộ phim “Marshall” quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của Boseman bởi nhân vật người hùng trong phim không phải một ngôi sao thể thao, không phải một ngôi sao giải trí, không phải một nạn nhân đáng thương của nạn phân biệt chủng tộc, mà là một người hùng da màu vươn lên bằng chính tài năng và trí tuệ của mình.
Nhân vật luật sư da màu thông minh, tự tin, đầy chuyên nghiệp xuất hiện trong bối cảnh tòa án ở Mỹ hồi thập niên 1940 giữa lúc nạn phân biệt chủng tộc đang hoành hành trong đời sống xã hội Mỹ, thực sự khiến người ta ấn tượng.
Để nhập vai Báo Đen, Boseman cần phải sở hữu nhiều đặc điểm của nhân vật ngay cả trong đời thường: sự thanh nhã, sự nhạy cảm, vẻ ngoài lực sĩ, kỹ thuật thực chiến, sức hấp dẫn tự nhiên.
Khi đảm nhận vai diễn này, Boseman hiểu rằng đây không phải một vai diễn thông thường, ngay cả khi đem so sánh với các vai diễn siêu anh hùng khác, bởi nhân vật Báo Đen là một vai diễn có tính tiên phong truyền cảm hứng và nối dài những tham vọng cho cả một cộng đồng.
Đây là vai diễn có tính chất thử nghiệm, chưa từng có trước đây trong lịch sử điện ảnh: một bộ phim kinh phí lớn do một diễn viên da màu đóng chính với tham vọng chinh phục thị trường quốc tế.
Gánh rất nhiều trách nhiệm và kỳ vọng, “Black Panther” ra rạp ở một thời điểm của những sự chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống văn hóa đại chúng. Khi ấy, giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới - giải Oscar - đang bị cho là thiếu sự đa dạng chủng tộc, điều đó khiến ban tổ chức giải phải tìm nhiều biện pháp để thể hiện quan điểm tiến bộ.
Trong đời sống xã hội Mỹ khi ấy và ngay cả bây giờ, các hoạt động đòi bình đẳng của người da màu đang diễn ra mạnh mẽ. Thời điểm “Black Panther” ra mắt là một khoảnh khắc của những ngỡ ngàng đầy tích cực.
Đó là một chuyện phim bước ra ngoài thực tế của cộng đồng người Mỹ gốc Phi - bối cảnh mà Hollywood trước nay vẫn thường khai thác, phim đưa đến một xứ sở Phi Châu của tương lai với những tiến bộ không tưởng. Chưa bao giờ trước đó có một bộ phim nào dựng nên một thế giới giả tưởng ngoạn mục đến như vậy về Phi Châu trên màn bạc.
Bộ phim kinh phí lớn đã được xây dựng kỳ công đến từng chi tiết. Trên màn ảnh, Boseman chịu trách nhiệm là người đại diện cho tất cả những nỗ lực của ê-kíp. Boseman đã làm điều đó bằng cả năng lực tự thân và cả sự nỗ lực phi thường, bởi như chúng ta đã biết, thời điểm này, anh đang âm thầm chiến đấu với căn bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn III.
“Black Panther” đã mở rộng tầm nhìn và làm đổi thay giới làm phim. Thành công của bộ phim cho thấy rằng yếu tố đa dạng văn hóa và chủng tộc không phải chỉ là một yếu tố “phụ gia”. Thực tế, “Black Panther” đã mở ra cánh cửa cho thấy diễn viên da màu có thể đưa lại thành công lớn cho phim như thế nào.
Những bộ phim với diễn viên chính là người da màu đã trở nên phổ biến hơn ở Hollywood, gần đây nhất, có nam diễn viên John David Washington đóng chính trong phim “Tenet”.
Đạo diễn Brian Kirk của phim “21 Bridges” (2019), phim do Boseman đóng chính nhận xét: “Trước ‘Black Panther’, nếu bạn muốn nhận được đầu tư cho một bộ phim có diễn viên da màu đóng chính, nếu đó không phải là Will Smith hay Denzel Washington, thì quả thực là thách thức. Bộ phim ‘Black Panther’ đã làm thay đổi quan điểm ấy.
“Người ta bắt đầu bớt quan trọng hóa mức độ nổi tiếng của diễn viên và kỳ vọng nhiều hơn vào những gương mặt mới. Đó là một sự tự do mới dành cho các bộ phim và nhà làm phim, cho cả người xem điện ảnh nữa”.
“Về tính cách, Boseman là người trầm lắng. Anh ấy không thích nói về mình hay những gánh nặng mà mình đang gánh vác, nếu phải nói, anh ấy cũng không thích đi vào chi tiết, anh ấy không muốn chia sẻ nhiều về đời sống riêng, nhưng lại rất cởi mở về mặt xúc cảm, đó là một sự lạ lùng nghe qua tưởng mâu thuẫn.
“Boseman đối xử rất rộng lượng với những người xung quanh, với cả những khán giả mà anh không hề quen biết. Anh hiểu tầm quan trọng của việc cư xử thân thiện, gần gũi. Anh ấy là một diễn viên đáng kinh ngạc và là một ngôi sao điện ảnh đích thực”, đạo diễn Kirk nhận xét.
Boseman ban đầu học đạo diễn, anh từng coi diễn xuất chỉ như một thú vui. Nhưng cơ duyên đã đưa anh trở thành ngôi sao điện ảnh.
Hoạt động sản xuất phim của anh trong một số dự án đã cho thấy niềm đam mê dài lâu của anh có lẽ còn bao gồm cả công việc làm phim chứ không chỉ có diễn xuất. Boseman ra đi để lại một sự nghiệp đẹp đẽ góp phần làm thay đổi cục diện điện ảnh, nhưng điều đáng buồn là sự nghiệp của anh quá ngắn ngủi, dù đã có không ít hào quang.