“Cha đẻ” của cây đàn Piano bằng... tre trúc

(Dân trí) - Kết hợp nguyên lý chơi nhạc trên phím đàn piano với kĩ thuật cặp lắc mô phỏng động tác tra ngô của đàn T’rưng cùng kiến trúc mái nhà rông trên nền chất liệu tre, trúc, nghệ nhân Lê Thái Sơn đã tự tay sáng chế cây đàn P’rông.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thưởng thức tiếng đàn P'rông 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thưởng thức tiếng đàn P'rông 
của nghệ sỹ Lê Thái Sơn.

Chơi và tự tay chế tạo những nhạc cụ dân tộc là niềm đam mê lớn của ông. Bạn bè trong giới văn nghệ sỹ gọi ông là “Người Hà Nội nhưng lúc nào tâm hồn cũng dành cho miền ngược” , ông là nghệ sỹ - nghệ nhân sáo trúc Lê Thái Sơn.

Nơi ngõ nhỏ đường Tô Hiệu, quận Hà Đông, Hà Nội, cứ chiều chiều lại réo rắt vang lên những thanh âm của sáo trúc, sáo Mèo, tiếng trầm hùng, xa xôi của đàn đá như tiếng dội vào vách núi... Những thanh âm dễ xao động lòng người ấy phát ra từ lớp học nhạc cụ dân tộc miễn phí của nghệ nhân sáo trúc Lê Thái Sơn. Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp văn hóa quần chúng, bôn ba khắp núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên, nay người nghệ sỹ ấy lại tiếp tục truyền thụ cho lớp trẻ tình yêu, niềm đam mê với những nhạc cụ dân tộc. Nhiều bạn trẻ vùng cao cũng lặn lội tìm đến xin làm học trò của thầy. Hay có lần, hai vị khách du lịch người Thụy Điển và Đan Mạch mê tiếng sáo Việt Nam, sau khi xem những video của nghệ sỹ Lê Thái Sơn trên internet đã tự thuê xe ôm đến nhà để được nghe ông thổi sáo. Không cần đến phiên dịch viên, họ nói chuyện với nhau bằng... âm nhạc.

Người nghệ sỹ thủ đô mang tâm hồn Tây Bắc

Nghệ sỹ Lê Thái Sơn sinh năm 1949 ở làng Chuông, Phương Trung, Thanh Oai, Hà Tây xưa (nay là Hà Nội), một làng nghề có truyền thống đan lát. Từ nhỏ, Lê Thái Sơn đã say mê những âm thanh từ các loại nhạc cụ tre, trúc. Ông tốt nghiệp trường Lý luận và nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa năm 1970 và có 5 năm công tác ở phòng Văn hóa sông Mã, tỉnh Sơn La.

5 năm công tác ở Sơn La đã khơi dậy trong ông tình yêu với những âm hưởng, thanh sắc của núi rừng. Ông đi khắp vùng núi Tây Bắc để học cho kỳ được tiếng sáo, tiếng tiêu của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là sáo Mèo rồi dày công tìm hiểu cách chế tác những nhạc cụ này.

Nghệ sỹ Lê Thái Sơn biểu diễn sáo trúc.
Nghệ sỹ Lê Thái Sơn biểu diễn sáo trúc.

Sau đó ông trở về Hà Nội học tiếp Đại học Văn hóa và gắn bó với công tác văn hóa quần chúng và giảng dạy âm nhạc Thủ đô.

Năm 2011, nghỉ hưu, ông dành thời gian đi thăm gia đình con gái ở cách nửa vòng trái đất. Thông gia và chàng rể người Mỹ mê ''tít'' tiếng sáo của ông. Chính khoảng thời gian này ông đã cho ra lò nhiều video dạy thổi sáo và trăn trở làm thế nào để ngày càng có nhiều người Việt tìm đến với môn nghệ thuật mang đậm dấu ấn dân tộc này. Ngày trở về, ông đã quyết định mở lớp học sáo trúc miễn phí.

Lớp học sáo trúc của nghệ sỹ Lê Thái Sơn.
Lớp học sáo trúc của nghệ sỹ Lê Thái Sơn.

Hai anh em ruột Bùi Công Thuyên và Bùi Công Thơm nổi tiếng trong làng sáo Việt cũng là những học trò ''ra lò'' từ lớp học của thầy Sơn khi thầy còn giảng dạy ở Nhà thiếu nhi quận Hà Đông. Năm xưa, nghỉ hè, hai cậu bé suốt ngày lặn lội ngoài mương bắt cá, đơm tôm. Nhìn hai cậu con trai lấm lem bùn đất, ông bố quyết định đưa các con tới Nhà thiếu nhi xem có môn gì phù hợp để cho các con học trong dịp hè. Phát hiện ra năng khiếu của cả hai anh em, thầy Sơn dồn hết tâm huyết đào tạo hai bạn theo ngành âm nhạc. Cả Thơm và Thuyên sau đó đều trở thành những sinh viên ưu tú của khoa Sáo trúc, Nhạc viện Hà Nội. Và đến nay Bùi Công Thơm đã trở thành một cái tên được nhiều người biết đến. Cậu anh Bùi Công Thuyên tuy không còn theo nghề nhưng cũng là một doanh nhân thành đạt và vẫn tìm đến với sáo sau mỗi ngày làm việc căng thẳng.

Nghệ sỹ Lê Thái Sơn hướng dẫn bé Quỳnh Anh tập thổi sáo.
Nghệ sỹ Lê Thái Sơn hướng dẫn bé Quỳnh Anh tập thổi sáo.

Lớp học miễn phí của thầy Sơn ngày hôm nay có nhiều học sinh tiếp thu tốt, nhỏ tuổi nhất là Phạm Quỳnh Anh (7 tuổi) ở phường Yết Kiêu (Hà Đông, Hà Nội) cũng thổi được nhiều bài như: Con chim vành khuyên, Đội kèn tí hon,... cậu học trò tên Thuật người dân tộc Tày ở Cao Bằng đang theo học ĐH Ngoại thương cũng tìm đến học vì: ''Thầy dạy nhiệt tình mà lại dễ hiểu, thầy rất quý học trò vùng cao chúng em''.

Sáo “đánh thức” các giác quan

Có người đến với lớp học của thầy Sơn như một cách thư giãn sau giờ học, có nhiều võ sư theo học để luyện khí công hay như bác Đặng Tùng Lâm, Nguyên Phó Chủ nhiệm CLB thơ Hương Sen, ngoài 70 tuổi thì lại có một lý do đặc biệt hơn: ''Tôi bị bệnh phế quản mãn, bác sỹ nói bác hãy tập thở và tập sáo. Chính vì thế tôi đến với sáo ngoài mong muốn được đệm sáo cho vợ ngâm thơ còn là để thí nghiệm lời khuyên của bác sỹ. Đến nay tôi đã thấy tiến triển bước đầu''.

Bác Tùng Lâm - một trong những học viên cao tuổi của lớp sáo trúc.
Bác Tùng Lâm - một trong những học viên cao tuổi của lớp sáo trúc.

Thổi sáo tưởng mệt nhưng không phải. Khi thổi sáo, các giác quan cùng được đánh thức, chân đập phách, tay bấm ngón, mắt nhìn bản nhạc, tai nghe, mũi hít thở, lưỡi đẩy, môi mím giữ hơi, luyện như phương pháp của yoga vậy.

Thầy Sơn ví von: ''Học sáo giống như em bé học nói, đầu tiên học cầm sáo, thổi cho kêu sau đó mới đến bấm ngón. Học sáo, tiêu lúc đầu rất mỏi vì mình bắt ngón tay của mình theo thói quen mới. Các bạn yêu thích sáo, tiêu hãy cố gắng kiên trì tập luyện để chỉ huy thói quen của mình tận dụng hết khả năng của 10 ngón tay. Con người chỉ huy thói quen, không phải thói quen chỉ huy con người''.

Sáo 6 lỗ bấm mở các ngón tay bị hạn chế khi ta thể hiện các âm thăng, giáng. Ngày nay nhờ có sáo 10 lỗ bấm mở các ngón tay, nên khi ta thể hiện các âm thanh thăng, giáng được thuận lợi.

Sáo 10 lỗ bấm, mở các ngón tay được hướng dẫn ở phạm vi hẹp, mới chỉ có ở chuyên ngành sáo tại các trường chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và các trường văn hóa nghệ thuật. Để tạo cơ sở thuận lợi giới thiệu cho công chúng yêu thích sáo, biết đến tác dụng của sáo10 lỗ, tiêu 9 lỗ, 10 lỗ thầy Sơn đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn mọi người làm quen ngay từ khi mới bắt đầu. ''Với các bài Về quê, Lá diêu bông, các bản nhạc dân ca Việt Nam hay các bản nhạc quốc tế, thể hiện bằng tiêu 10 lỗ rất tốt, có nhiều ưu điểm hơn hẳn tiêu 9 lỗ, 8 lỗ, 7 lỗ, 6 lỗ'', nghệ sỹ Thái Sơn cho biết.

Ngoài giờ lên lớp, thầy Sơn lại cặm cụi chế tác nhạc cụ. Một lần đi dự Ngày hội Văn hóa các dân tộc Tây Bắc được tổ chức tại Điện Biên, người dân Điện Biên bất ngờ khi thấy nghệ sỹ Lê Thái Sơn chơi các bản nhạc từ chiếc đàn đá mini, bà con ngỡ rằng chiếc đàn chỉ để trưng bày thôi.

Vào ''Những ngày văn hóa Tây Nguyên'', chính người Tây Nguyên lại mua đàn T'rưng của nghệ nhân miền Bắc ấy, có anh chàng ở Lũng Cú, Hà Giang cũng lặn lội về tận thủ đô tìm mua sáo Mèo của thầy Sơn.

Rồi đến kì Festival làng nghề truyền thống Huế, Liên hoan văn hóa các nước ASEAN, nghệ sỹ lại xách theo những cây sáo ngang, sáo Mèo, đàn đá,... do chính tay mình làm ra giới thiệu với công chúng. Ông cũng mày mò sáng tạo ra cây đàn bầu tre nặng chỉ khoảng 1kg, mang đi rất dễ dàng, đàn sử dụng điện, mất điện có thể dùng pin.

Chiếc đàn P'rông.
Chiếc đàn P'rông.

Chế tác được nhiều nhạc cụ như vậy nhưng cây đàn P'rông mới chính là sản phẩm đánh dấu ''thương hiệu'' nghệ nhân Lê Thái Sơn. Cây đàn piano độc đáo bằng tre của ông đã được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và nhiều vị lãnh đạo cấp cao khác trầm trồ ngợi khen vì sự sáng tạo và được ông mang đi giới thiệu ở nhiều nước.Không dừng lại ở đó, mới đây, ông lại đầu tư hơn trăm triệu mua các loại máy móc để làm sáo gỗ. Một cây sáo gỗ cầu kì và đắt đỏ hơn nhiều một cây sáo trúc vì phải trải qua công đoạn tiện, gọt dũa rất mất thời gian nhưng ông vẫn làm đến cùng vì ''trót nghiện rồi''.

Chân dung nghệ sỹ Lê Thái Sơn do họa sỹ mù ký họa.
Chân dung nghệ sỹ Lê Thái Sơn do họa sỹ mù ký họa.

Chỉ tay lên bức tranh dân gian Đông Hồ ''Mục đồng thổi sáo'', nghệ nhân Lê Thái Sơn nói: ''Đàn gẩy tai trâu'', nhưng nhìn kìa, chỉ một tiếng sáo mà trâu phải vểnh tai nghe''. Rồi ông dẫn hết học trò lên không gian nơi gác mái, nơi có xưởng chế tác nhạc cụ của ông. Mở tung cửa sổ để đón gió vào phòng, người nghệ sỹ bỏ quên tất cả mọi thứ xung quanh mình, ông cặm cụi cho ra đời cây sáo trúc mới rồi căng tai thẩm âm. Căn phòng gác mái rộn ràng những hợp âm của đàn P'rông, của chuông gió, tiếng đàn đá của cô học trò nhỏ Quỳnh Anh và tiếng rít của gió qua những ống nứa học trò vùng cao mang đến làm sáo. Những ống nứa của núi rừng Tây Bắc được phơi thật nỏ để tiếng sáo thanh hơn, trong hơn. Bên khung cửa sổ, ông trân trọng bày bức tranh do một họa sỹ mù kí họa chân dung ông bằng... nhạc cảm.

“Mỗi người có một cuộc đời, người sống lâu thì được 7- 8 - 9 chục năm, cũng có người không được thế. Người giàu hoặc người nghèo về của cải vật chất đến mấy chăng nữa, cuối cùng cũng bình đẳng ở chỗ là phải về chầu tiên tổ. Chính vì vậy, tôi muốn đem hết khả năng hiểu biết của mình về cây sáo, truyền đạt tận tâm tới mọi người yêu thích, để cùng nhau có một cuộc đời vui tươi và hạnh phúc”, nghệ sỹ Thái Sơn chia sẻ về lý do quyết định mở lớp học dạy sáo trúc miễn phí.


Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm