CEO nữ trong "màn thả thính" tranh cãi Shark Tank Việt Nam lên tiếng
(Dân trí) - CEO hãng xe điện Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng - thí sinh tham gia phần gọi vốn gây tranh cãi trong Shark Tank Việt Nam cho biết, rất áp lực khi thấy mình xuất hiện trên mặt báo.
Trong tập 2, chương trình Shark Tank Việt Nam, màn nhận xét của các Shark Nguyễn Xuân Phú, Phạm Thanh Hưng dành cho nữ CEO hãng xe điện thể thao Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng nhận về tranh cãi trái chiều.
Cụ thể, sau khi nghe nữ CEO trình bày về sản phẩm xe đạp trợ lực, thân thiện môi trường, Shark Phú (nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú) nói: "Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả".
Tiếp đó, đến màn chốt deal (thương lượng), Shark Phú nói: "Em không cần giải thích gì thêm về bussiness (kinh doanh). Với anh chỉ cần liếc mắt là biết bussiness nào rồi. Nên anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến bussiness, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ cho 10% cổ phần".
Ngoài ra, nhà đầu tư khác là Shark Hưng (nhà đầu tư Phạm Thanh Hưng) cũng bình luận dự án này được chọn vì đáp ứng các tiêu chí "xanh, sạch, xinh".
Sau khi chương trình lên sóng, nhiều người bình luận, phần nhận xét này là "thô lỗ, chớt nhả", "mang tính quấy rối ngay trên sóng truyền hình quốc gia".
Thậm chí, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) còn gọi đây là "văn hóa độc hại" và khẳng định: "Đồng ý là giải trí, thậm chí thương mại hóa là xu thế chung khó cưỡng lại, nhưng cũng không thể quên vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng quốc gia như luật pháp Việt Nam đã quy định.
Truyền thông đại chúng ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng, nhất là lớp trẻ. Việc dung túng cho những phát ngôn thô bỉ, những cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử giới tính... thật khó có thể chấp nhận".
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu đặt trong bối cảnh diễn ra chương trình thì phần nhận xét của các Shark không đến nỗi "thô lỗ", phân biệt giới tính như nhiều người bình luận.
Chia sẻ với Pv Dân trí, CEO hãng xe điện trợ lực Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng - thí sinh tham gia phần gọi vốn gây tranh cãi cho biết, rất bất ngờ trước phản ứng đa chiều của dư luận. Chị cho hay, hoàn toàn không được biết trước nội dung màn ghi hình gọi vốn sau khi dựng lại và phát sóng sẽ như thế nào?
Chương trình được quay từ tháng 4 và có 2 vòng tuyển chọn rất nghiêm túc. Để lên sóng và được chọn đầu tư, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các thông tin có tính xác thực cũng như đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe khác.
"Trên sóng truyền hình, Wiibike chỉ xuất hiện khoảng 15 phút, còn thực tế ghi hình diễn ra hơn 1 tiếng. Trong quá trình đó, các Shark đặt ra rất nhiều câu hỏi để tìm hiểu kỹ càng về Wiibike, từ quá trình thành lập đến đặc điểm sản phẩm, tình hình tài chính và mục tiêu, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp", CEO Nguyễn Thị Thu Hằng nói.
Ngoài ra, phần nhận xét của các Shark cũng phải đặt trong bối cảnh thực tế diễn ra toàn bộ chương trình "nếu không dễ gây hiểu lầm".
"Thực tế, sau một giờ liên tục chất vấn các câu hỏi, trao đổi cụ thể và căng thẳng thì câu nói chốt của Shark Phú được hiểu là: 'Còn sớm để đánh giá về business . Shark chỉ quan tâm đến yếu tố con người của đội ngũ sáng lập'", chị Hằng nói.
Đây là lần đầu tiên chị Hằng tham gia chương trình truyền hình nên rất căng thẳng vì không quen với áp lực sân khấu.
"Đến Shark Tank, điều tôi mong muốn không chỉ là gọi vốn đầu tư mà còn tìm được người có kinh nghiệm đồng hành cùng doanh nghiệp. Định hướng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở sản phẩm xe đạp Wiibike mà còn mong muốn đưa ra các giải pháp công nghệ và giao thông xanh để có những đóng góp thiết thực cho môi trường giao thông Việt Nam", chị Hằng nói.
Lý giải về việc chọn Shark Phú với phần đầu tư 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần, mà không chọn Shark Bình với đề nghị 3 tỷ cho 33% cổ phần, nữ CEO này cho biết, Shark Phú là người đã rất giàu kinh nghiệm quản trị hệ thống sản xuất và phân phối tương đồng với Wiibike.
Trong khi đó, trước những ý kiến trái chiều, Shark Nguyễn Xuân Phú cũng lên tiếng trên trang cá nhân.
Ông cho biết yếu tố "nhân tướng học" đóng vai trò quan trọng đối với mình khi quyết định hợp tác: "Một trong ba yếu tố để Shark Nguyễn Xuân Phú quyết định có xuống vốn đầu tư không chính là nhân tướng học.
Bản thân founder hay người đại diện cho start-up phải có tướng mạo, thần thái của người lãnh đạo; phải thể hiện được khát vọng, đam mê theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng".