Câu chuyện tình yêu kỳ diệu của nhà toán học trong “Một tâm hồn đẹp”

(Dân trí) - “Một tâm hồn đẹp” kể về một trí tuệ lớn của nhân loại, nhưng trí tuệ siêu phàm đó lại đẩy nhà khoa học chìm dần vào cơn điên bi kịch. Trong những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời, niềm hy vọng trong ông đã được thắp sáng bằng tình yêu kỳ diệu.

Câu chuyện tình yêu kỳ diệu của nhà toán học trong “Một tâm hồn đẹp”

“Một tâm hồn đẹp” từng đoạt 4 giải Oscar cho Phim/Đạo diễn/Kịch bản chuyển thể/Nữ phụ xuất sắc nhất.

“A Beautiful Mind” (Một tâm hồn đẹp - 2001) là bộ phim tiểu sử dựa trên cuộc đời nhà toán học John Nash - một trong những trí tuệ vĩ đại nhất và cũng là một trong những con người bi kịch nhất, ông từng mắc chứng bệnh hoang tưởng tâm thần phân liệt những tưởng sẽ vĩnh viễn hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhưng rồi ông đã được giải thoát khỏi bi kịch bằng tình yêu kỳ diệu, không mệt mỏi, không đầu hàng trước số phận của người vợ thủy chung.

Những phát hiện của John Nash về lý thuyết trò chơi đã có tầm ảnh hưởng đối với mọi mặt cuộc sống của con người hôm nay. Trong phim, nam diễn viên Russell Crowe vào vai nhà toán học John Nash, nữ diễn viên Jennifer Connelly vào vai vợ ông - bà Alicia.

Khi Alicia đang mang thai đứa con đầu lòng thì những triệu chứng bệnh đầu tiên bắt đầu lộ rõ ở John Nash. “Một tâm hồn đẹp” kể về một trí tuệ lớn đã trở thành một “công cụ khổng lồ” phục vụ cho sự phát triển của nhân loại, nhưng đồng thời, trí tuệ đó cũng lừa dối nhà khoa học, đẩy ông vào những ảo giác kinh hoàng, những tưởng sẽ vĩnh viễn làm trật bánh sự nghiệp và cuộc đời John Nash.

Russell Crowe vào vai nhà toán học John Nash

Russell Crowe vào vai nhà toán học John Nash

Trong phim, nam diễn viên Russell Crowe đã thể hiện hình ảnh một nhà toán học khốn khổ từ từ chìm vào cơn điên bi kịch, nhưng rồi bằng tình yêu của vợ - người phụ nữ “có vai trò quan trọng nhất đối với sự sống sót của John Nash”, ông đã được giải cứu để bất ngờ lấy lại được khả năng tư duy siêu việt và đạt được vị thế đáng nể trong giới hàn lâm.

John Nash được người ta tung hô, so sánh với Newton, Mendel, Darwin… nhưng đã có nhiều năm, ông là một cái bóng dật dờ cười nói một mình, lẩm nhẩm viết lên cửa kính những con số, những công thức chỉ có mình ông hiểu, John Nash cô độc sống trong một thế giới ảo tưởng của những điệp viên áo đen, những điệp vụ tuyệt mật…

Đạo diễn Ron Howard đã khéo cho người đọc thấy một cốt lõi tốt đẹp trong con người John Nash khiến vợ ông vẫn quyết định ở lại bên người đàn ông mình đã lựa chọn, để tiếp tục giữ niềm hy vọng cháy sáng trong con người thiên tài bị hành hạ, trong những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời John Nash.

Russell Crowe vào vai nhà toán học John Nash

Nữ diễn viên Jennifer Connelly vào vai người vợ của nhà toán học - bà Alicia. Cô đã đoạt tượng vàng Oscar cho Nữ phụ xuất sắc nhất

Bộ phim đã không lý tưởng hóa John Nash, ngược lại, sự tự mãn, khó gần, khó ưa của ông đã được đặc tả thú vị. Cậu thanh niên John Nash từng nói thẳng vào mặt một sinh viên giỏi vừa nhận học bổng rằng: “Chẳng có lấy dù chỉ một ý tưởng đáng kể trong bài luận của cậu”; hay khi bị thua trong một ván cờ, John Nash kết luận: “Tôi đi trước. Cuộc chơi của tôi là hoàn hảo. Chính trò chơi bị lỗi”.

John Nash khó tính, lập dị, ngay từ thời trẻ, cậu đã thấy khó giao tiếp với những người xung quanh. John tự kết luận: “Tôi không thích loài người và họ cũng chẳng thích tôi”. Giáo viên tiểu học của John Nash từng nhận xét về cậu trò nhỏ rằng cậu được sinh ra “với hai bộ não nhưng chỉ có một nửa trái tim”.

Ảnh cưới của nhà toán học John Nash thời trẻ

Ảnh cưới của nhà toán học John Nash thời trẻ

Ảnh cưới của nhà toán học John Nash thời trẻ

Nhà toán học và vợ trong những năm tháng tuổi già. Họ đã ly hôn một lần nhưng kết hôn hai lần và thực tế, gần suốt cả cuộc đời họ đã gắn bó với nhau.

Với trí tuệ siêu phàm của mình, John Nash thỏa chí khi ở bên những con số, nhưng lại trở thành một kẻ khó ưa, khó chịu khi ở bên… những con người. Điều đó đúng cho tới khi John Nash gặp Alicia - người vợ tương lai của ông. Alicia là sự lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời John Nash, giúp ông giải được bài toán khó nhất về… con người.

Đối với Alicia, John Nash là một người đàn ông đẹp trai, thông minh, tình yêu dành cho John Nash giống như một sự tôn thờ thần tượng. Cô bị thu hút và rung động trước sự đơn độc của người đàn ông trí tuệ siêu phàm, sẵn sàng chấp nhận có một người yêu kỳ dị với những ý tưởng “điên khùng” ngay cả trong tình yêu, rằng: “Tục lệ đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một vài hoạt động thuần khiết lý thuyết trước khi chúng ta có thể quan hệ tình dục”.

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Alicia đã luôn cố chạm được vào John Nash, nhưng người đàn ông ấy luôn bị giam cầm trong chính nội tâm của mình. Trong cuốn tự truyện “Một tâm hồn đẹp” (1998) - cuốn sách truyền cảm hứng cho bộ phim này, có một câu miêu tả về John Nash, rằng đây là “người đàn ông vĩnh viễn vượt qua những biển cả ý nghĩ kỳ lạ, vĩnh viễn độc hành”.

Chứng hoang tưởng của John Nash là một dạng thức tồn tại hiện hữu, với những hình ảnh, tình huống, câu chuyện rõ ràng, nó khiến ông tin rằng mình đang bị săn lùng bởi những điệp viên áo đen và vì vậy, ông luôn rơi vào những cuộc rượt đuổi… chỉ có một mình.

Có lần, khi cùng Alicia đứng dưới bầu trời đêm, John cùng Alicia kết nối các vì sao để vẽ lên bầu trời. Sự lãng mạn đó chấm dứt khi Alicia bắt đầu tìm thấy trong phòng làm việc của John vô số mẩu báo được kết nối một cách điên rồ, tạo thành những thông tin giả tưởng mà John cho rằng người ta đã gửi tới cho mình dưới dạng mật mã qua những tờ báo.

Khi chứng bệnh tâm thần phân liệt bắt đầu lộ rõ ở nhà toán học...

Khi chứng bệnh tâm thần phân liệt bắt đầu lộ rõ ở nhà toán học...

Nếu phim ẩn ý rằng John Nash ngay cả trong những năm tháng bình thường về sau, vẫn thường thấy lại hình ảnh ảo giác từng ám ảnh mình một thời, nhưng ông chung sống hòa bình với những hình ảnh thoáng qua đó; thì ngoài đời, John Nash từng nói về chứng bệnh của mình là “một chuyện chẳng dễ chịu gì khi những người xung quanh ta không bao giờ chịu bình phục, chẳng bao giờ chịu tỉnh ra để trở lại bình thường. Họ là những khách hàng thường xuyên của những bệnh viện tâm thần, họ luôn đòi được uống thuốc” - một cách nói “rất John Nash”.

Phim có một cảnh khá thú vị: Một thành viên đại diện cho hội đồng trao giải Nobel đến gặp John Nash và hàm ý cho ông hiểu người ta đang “cân nhắc” để ông nhận giải. John Nash hiểu rằng người ta sẽ chỉ thông báo một khi giải đã được trao cho ai đó, không bao giờ thông báo rằng ai đó đang được “cân nhắc”. Đó là luật. John Nash liền đáp: “Thực ra ông đến đây để kiểm tra xem tôi có còn bị điên nữa không và liệu tôi có làm loạn lên không nếu tôi giành giải”.

Khi đã giành giải Nobel, John Nash được yêu cầu viết về cuộc đời mình, ông đã nói rằng việc bình phục khỏi chứng tâm thần phân liệt “không hoàn toàn là một niềm vui” bởi “khi không còn sự điên rồ đó nữa, nhà tiên tri Zarathustra cũng sẽ chỉ là một trong hàng triệu, hàng tỉ người sống, rồi chết, rồi bị lãng quên”.

Nếu chưa từng có sự điên rồ ấy, liệu John Nash có sống, rồi chết, rồi bị lãng quên? Phải chăng chứng bệnh là cái giá phải trả cho trí tuệ thiên tài của ông như một định mệnh về những thiên tài bị hành hạ?

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

“Tôi đã tìm thấy phát hiện quan trọng nhất trong sự nghiệp, phát hiện quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Đó là phương trình bí ẩn về tình yêu mà bất cứ logic và lý lẽ nào cũng có thể tìm thấy từ đó… Tôi ở đây là vì em. Em là lý do duy nhất để tôi tồn tại. Em là tất cả lý do của cuộc đời tôi. Cảm ơn em!” - đó là những lời John Nash dành cho vợ trong lễ trao giải Nobel.

Vào cuối tuần qua, nhà toán học John Nash và vợ đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. “Một tâm hồn đẹp” giờ trở thành bộ phim tưởng nhớ về họ - “hai người bạn đời kỳ diệu với hai tâm hồn đẹp và hai trái tim đẹp”.


Bích Ngọc
Tổng hợp