Câu chuyện cuối năm: Tại sao chúng ta vô cảm?

(Dân trí)- Chỉ còn đếm từng ngày để chúng ta bước sang năm mới. Ở thời khắc nhà nhà đang náo nức chuẩn bị đón Tết, đón một năm mới an lành, hãy cùng chúng tôi nhìn lại 2013 với một câu chuyện cuối năm...

Ngày 27/12/2013, thần đồng văn học Nga- Mikhail Samarsky có chuyến giao lưu với học sinh Việt Nam, cậu bé 17 tuổi ấy nói rất nhiều đến việc đọc sách, và lợi ích đọc sách. Rằng, “Sách là nguồn trí thức vô tận của nhân loại”, rằng “Đọc sách là cách dễ dàng nhất, đơn giản nhất để mỗi chúng ta đến gần hơn, tiếp cận sâu hơn với tri thức nhân loại”. Rằng, sách mang đến “của cải trí thức giàu có cho chúng ta một cách miễn phí”, “Ai trong chúng ta cũng có thể đọc sách”... Khi nói những điều rất chân thành, say mê ấy với sinh viên Việt Nam, có lẽ Mikhail không ngờ rằng, ở Việt Nam- rất đông bạn trẻ thậm chí không biết D'Artagnan, Bonaparte... là ai.

***

Vẫn là câu chuyện cũ, đã nói đi nói lại nhiều lần. Chuyện về “văn hóa đọc sách” của người Việt. Người Việt ngày càng giỏi kiếm tiền, người Việt giỏi bươn chải, buôn bán, người Việt nhanh nhẹn, thông minh, bắt kịp nhanh chóng với đời sống kinh tế thị trường hiện đại… Nhưng, người Việt rất lười đọc sách.

Từ khắp mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi, mọi giới tính… rất đông những người Việt chẳng mấy khi động đến cuốn sách. Ở Việt Nam, người ta có thể xôn xao bàn tán những chuyện “kinh thiên động địa” về tham nhũng, về giá vàng, giá xăng, giá điện… Nhưng, không ai nói chuyện đọc sách. Chúng ta không hề có văn hóa đọc sách.

Trong một buổi trò chuyện cuối năm với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ông kể, “Hiện tại, tôi tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ban đầu, tôi ngạc nhiên, sau đó thấy chạnh lòng, rồi xót xa khi sinh viên bây giờ không biết Đác-ta- nhăng (D'Artagnan) là ai, thậm chí không biết cả Bôn-na-pác (Napoléon Bonaparte). Đặt câu hỏi về những nhân vật trong các tác phẩm văn học, lịch sử kinh điển như D’Artagnan, sinh viên cứ ngơ ngác như hỏi về ai ấy... Tôi nhận ra, giới trẻ bây giờ họ không còn đọc sách nữa. Nếu có đọc, họ đọc sách làm giàu chứ không còn ai đọc sách kinh điển”.
 
Câu chuyện cuối năm: Tại sao chúng ta vô cảm?
Rất đông giới trẻ bây giờ thích cởi đồ, thích nhanh chóng nổi tiếng bằng mọi giá, và (tất nhiên) không thích đọc sách
 
 
Câu chuyện của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khiến người viết nhớ đến một câu chuyện cười. Trong một lớp học, giờ kiểm tra, thầy giáo rất tức giận sau khi đặt một loạt câu hỏi về các nhân vật lịch sử mà không một học sinh nào trả lời được. Thầy gọi học sinh A đứng dậy phẫn nộ hỏi, “Tại sao em lại không biết gì về Napoléon Bonaparte, Abraham Lincoln, G. Washington...?”. Học sinh A bèn đáp, “Vậy thầy có biết Hùng “gấu”, Mạnh “béo”, Cường “ngố”... không?”. Thầy giáo “Họ là ai?”. Học sinh A: “Đấy, thấy chưa? Thầy không biết bạn em là ai, tại sao em lại phải biết về bạn thầy?”...!

Trước câu chuyện giới trẻ không đọc sách và người Việt không đọc sách, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, đó là một câu chuyện cũ tuy đã nói đi nói lại nhiều lần, nhưng lần nào nói đến cũng buồn.

Ai đó đã nói, văn hóa đọc sách còn phản ánh dân trí của cả một dân tộc, của một đất nước. Ở sách không chỉ có kiến thức nhân loại, ở sách còn có những rung cảm rất Người, còn có những câu chuyện nhân văn, nhân ái...

Đầu tháng 12/2013 xảy ra vụ “hôi bia” ở Đồng Nai , vụ bảo mẫu hành hạ trẻ dã man, việc hàng loạt nữ sinh cởi đồ quay clip “Anh không đòi quà”... gây sửng sốt dư luận. Hầu như, mỗi ngày chúng ta đều đọc được những thông tin “khủng khiếp” về đời sống xã hội đang biến thiên “muôn hình vạn trạng” ở khắp mọi nơi.
 
Vụ hôi bia chấn động Đồng Nai đầu tháng 12/2013.
Vụ "hôi bia" chấn động Đồng Nai đầu tháng 12/2013.
 
 
Sẽ có người nói rằng, chẳng có gì liên quan giữa việc đọc sách và việc... “hôi bia”. Chẳng có gì liên quan giữa việc đọc sách và việc những cô gái trẻ thích cởi đồ, “khoe hàng”.

Có thể, việc liên quan hay không liên quan trong những câu chuyện trên còn tùy thuộc và suy nghĩ, cảm nhận của từng người.

Bài viết chỉ xin khép lại bằng một câu nói của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, “Ở một xã hội rất ít người thích đọc sách, thì đừng hỏi vì sao chúng ta vô cảm”.

 
H.H