Câu chuyện có thật về người đàn ông “xẻ núi” vì tình yêu
(Dân trí) - Một người đàn ông bằng bi kịch tình yêu của cuộc đời mình đã có đủ nghị lực để xẻ núi. Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật, một kỳ tích tình yêu được thực hiện bằng cả đau thương và mất mát.
Một kỳ tích tình yêu có thật ở Ấn Độ xoay quanh một người đàn ông đã dành ra 22 năm trong cuộc đời mình để xẻ núi, tạo thành một đường mòn xuyên núi, nhằm giúp những người bị đau ốm có thể nhanh chóng tới bệnh viện thay vì phải đi bằng đường vòng mất nhiều thời gian chỉ để tránh ngọn núi hiểm trở.
Tất cả những nỗ lực mà người đàn ông này thực hiện trong 22 năm xẻ núi đều là vì tình yêu dành cho người vợ đã khuất của mình. Câu chuyện về kỳ tích tình yêu nhưng nhuốm màu bi kịch này đã vừa được các nhà làm phim Ấn Độ chuyển thể thành phim điện ảnh.
Dashrath Manjhi là một người đàn ông nghèo người Ấn Độ, khi vợ ông qua đời vì gặp tai nạn mà không được kịp thời cấp cứu, ông Manjhi đã quyết định biến tình yêu và nỗi niềm tiếc thương của mình trở thành hành động, tạo thành một đường mòn xuyên núi, sau này, con đường được coi như chứng tích tình yêu của ông dành cho vợ sau khi vợ ông qua đời năm 1959.
Ở ngôi làng nơi ông Manjhi sinh sống, phải đi sang thị trấn bên cạnh mới có bệnh viện, muốn vậy, người ta lại phải đi vòng qua ngọn núi hiểm trở, hành trình này dài 55km, chính vì đường dài nên vợ ông Manjhi mới qua đời sau khi gặp phải một tai nạn.
Ông không muốn bất cứ người nào trong làng phải chịu chung số phận như vợ mình nữa, vì vậy, ông đã dùng búa và đục để đẽo đá trên núi trong suốt 22 năm, tạo thành một lối mòn băng ngang ngọn núi.
Trong suốt 22 năm đẽo đá làm đường, ông Manjhi đã không quản ngày đêm, cứ lúc nào rảnh tay là ông lại đem búa, đục ra ngọn núi gần làng Gehlour, phía đông bang Bihar để cặm cụi đục đẽo. Sau khi ông hoàn tất việc tạo thành lối mòn xuyên núi, quãng đường 55km đường vòng đã được giảm xuống chỉ còn 15km khi người ta đã có thể đi thẳng xuyên qua núi.
Đến tận năm 1982, ông Manjhi mới hoàn tất công trình của cuộc đời mình, tạo thành một con đường mòn chạy dài 110m với chiều rộng ở một số đoạn lên tới hơn 9m.
Nam diễn viên Nawazuddin Siddiqui - người vào vai ông Manjhi chia sẻ: “Câu chuyện này thật đẹp và lôi cuốn. Ông ấy đã biến điều không thể thành có thể. Thành quả của ông đã giúp cho hàng ngàn người được hưởng lợi. Khi nhập vai ông Manjhi, điều khó nhất chính là thể hiện được cả sự điên rồ của ông. Những gì ông làm là quá phi thường. Ông là nhân vật truyền cảm hứng, là một biểu tượng cho tuổi trẻ Ấn Độ”.
Cuối đời, ông Manjhi bị ung thư túi mật, sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương cho người dân bản địa. Sinh thời, ông từng chia sẻ rằng thoạt tiên, khi ông vác búa, đục ra đẽo đá trên núi, người dân bản địa đã nghĩ rằng ông bị điên do không chịu đựng nổi sự ra đi bất ngờ của vợ, nhưng sau đó, họ nhìn thấy ở ông sự nghiêm túc và kiên trì, họ không còn nói ông điên nữa.
Nhà làm phim Ketan Mehta cho biết thoạt tiên khi mới nghe câu chuyện về ông Manjhi, anh cũng không tin nhưng khi được biết đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật ở một ngôi làng xa xôi, hẻo lánh, Mehta biết rằng mình sẽ phải làm một bộ phim về câu chuyện này.
“Người ta bảo ông ấy điên nhưng ông ấy vẫn có đủ lòng tin và nghị lực để thực hiện con đường chỉ với hai bàn tay. Tôi đã đến tận nơi để nhìn ngắm con đường mòn xuyên núi mà ông đã đẽo tạc nên từ bàn tay của mình. Nhìn con đường tôi càng được truyền cảm hứng” - nhà làm phim Ketan Mehta chia sẻ.
Sau khi hoàn tất con đường mòn, ông Manjhi đã trở thành người hùng của dân làng, ông đã giúp hàng ngàn người dân sống quanh đó có thể đến bệnh viện nhanh hơn nhiều. Kỳ tích tình yêu này đã được thực hiện vì một bi kịch, một mất mát lớn trong cuộc đời ông Manjhi. Bộ phim “The Mountain Man” ca ngợi ý chí con người và xây dựng một tượng đài tình yêu.
Trailer phim “The Mountain Man” (Người đàn ông đẽo núi - 2015)
Bích Ngọc
Theo Daily Mail