Câu chuyện buồn về một Di sản Tư liệu Thế giới của UNESCO
(Dân trí) - Gần đây, hàng trăm cuốn “Nhật ký Anne Frank” và những cuốn sách viết về nhân vật lịch sử có thật này đã bị phá hoại âm thầm tại các thư viện ở thành phố Tokyo (Nhật Bản).
Trước hiện tượng lạ này, đại sứ quán Israel tại Nhật đã ngay lập tức đem tặng hơn 300 cuốn sách mới để các thư viện ở Tokyo có thể nhanh chóng đem thay thế những cuốn đã bị xé rách.
Những cuốn sách viết về Anne Frank bị xé rách trong thư viện của Nhật.
Không rõ đối tượng thực hiện và mục đích của hành động phá hoại này là gì nhưng trong thời gian qua, tin tức về vụ việc đã xuất hiện trên khắp các mặt báo ở nhiều nước trên thế giới.
“Nhật ký Anne Frank” được viết trong thời kỳ Thế chiến II khi cô bé Anne Frank đang cùng gia đình ẩn náu tại thành phố Amsterdam (Hà Lan) những mong không bị quân Phát-xít bắt được và đưa vào các trại tập trung.
Đây được coi là một trong những cuốn sách mang ý nghĩa biểu tượng về sự chịu đựng mà những người Do Thái từng phải trải qua trong thời kỳ chiến tranh. Cuốn sách đã được đưa vào Danh sách Di sản Tư liệu Thế giới của tổ chức UNESCO hồi năm 2009.
Tác phẩm “Nhật ký Anne Frank” đã từng được dịch sang tiếng Nhật hồi tháng 12/1952 và đứng đầu danh sách những sách bán chạy nhất tại Nhật năm 1953. Thực tế, Nhật là đất nước yêu thích cuốn sách này thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, dựa trên số lượng sách bán ra từ trước đến nay.
Cô bé Anne Frank (1929-1945)
Đối với người đọc Nhật Bản, cuốn “Nhật ký Anne Frank” còn được hiểu theo một nghĩa khác, nó không chỉ tượng trưng cho bi kịch chiến tranh, cho trải nghiệm của người trẻ trong chiến tranh, mà cuốn sách còn tượng trưng cho cuộc chiến đấu mạnh mẽ mà người trẻ đương đầu để được sống bất kể thực tế khắc nghiệt.
Cuốn sách này tuy là một tác phẩm nước ngoài nhưng rất nổi tiếng trong văn hóa đọc của người Nhật. Ở Nhật không có cộng đồng người Do Thái sinh sống và thực tế trong lịch sử, người Nhật cũng chưa từng có thái độ phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng này.
Vì vậy, lý do đằng sau hành động phá hoại sách viết về cô bé Anne Frank vẫn chưa thể giải thích, đồng thời, sự việc này đã gây ra nhiều thất vọng đối với những nhà văn hóa và người yêu thích tìm hiểu văn học - lịch sử ở Nhật.
Nhiều người thậm chí còn gọi hành động phá hoại này là một “bước thụt lùi bi kịch” của một bộ phận người đọc Nhật Bản - những người đứng sau hành động phá hoại sách gây sửng sốt ở Nhật thời gian qua.
Trong Danh sách Di sản Tư liệu Thế giới của UNESCO kể trên, Việt Nam có hai di sản được công nhận, bao gồm:
Mộc bản triều Nguyễn
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009 - cùng năm với cuốn “Nhật ký Anne Frank”. Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19-20. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.
Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Với giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt, đầu tháng 3/2010, 82 tấm bia tiến sĩ của các khoa thi dưới triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Bích Ngọc
Tổng hợp