Cảnh sex trong phim Việt: Hiệu quả đến đâu?
Các nhà sản xuất khi phim đang trên trường quay đã cung cấp cho truyền thông vài trailer phim “nóng” nhất, không ngoài cảnh sex.
Chưa kể, nhà sản xuất còn cố tình giới thiệu các diễn viên diễn xuất cảnh sex (không có thế thân) để phỏng vấn, viết bài, khai thác diễn xuất cảnh sex như thế nào…
Đôi khi xem những trailer phim, cảm giác phim chắc sex dày đặc, chủ đạo, nhưng có xem rồi mới biết “không phải vậy mà tệ hơn vậy”. Mục đích đưa cảnh sex cho truyền thông giới thiệu phim, không gì khác hơn là một kiểu PR để “câu khách” mua vé xem phim. Nhưng sex có phải là yếu tố để tăng doanh thu phòng vé, làm nên giá trị thương mại của phim hay không?
Nhìn lại phim tham dự giải Cánh diều 2013, trong 11 phim có tới 8 phim mà cảnh sex được truyền thông “phát tán” nhiều nhất như một cách PR. Rất đáng buồn là 3 phim: Cát nóng, Đam mê, Lạc lối hiện chưa có một lịch chiếu thương mại nào, chưa kể những thông tin nhận xét về nội dung, nghệ thuật còn có thể gây bất lợi cho phim, nên dù có cảnh sex nhiều đến đâu thì khó có thể mang lại lợi nhuận từ các phim này cho nhà sản xuất. Mùa hè lạnh cũng gây “sốt” cho khán giả, vì những cảnh sex được giới thiệu trước đó trên truyền thông bởi có “sao” showbiz diễn xuất, nhưng doanh thu phòng vé xem như thất bại, vì giữa phim và trailer là “một trời một vực”. Phim Lấy chồng người ta cũng rơi vào cảnh thất thu, những cảnh sex trong phim chẳng thể hút khán giả tới rạp nhiều hơn.
Ngược lại thời gian trước, nhiều phim cảnh sex được giới thiệu đậm đặc, nhưng rồi cũng không mang lại thêm giá trị thương mại cho phim như với Bi, đừng sợ; Chơi vơi; Ngôi nhà trong hẻm… Trong khi những phim gần như không sex, chỉ là hài (còn bị liệt vào hài nhảm) thì doanh thu cực khủng, điển hình như Hello cô Ba ở mùa tết 2012, hay mới nhất là phim hài Nhà có năm nàng tiên (phim dự giải Cánh diều 2013) doanh thu hơn 50 tỉ đồng trong dịp tết 2013.
Cảnh sex trong phim Việt cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi cả về học thuật của giới lý luận phê bình điện ảnh, lẫn cái nhìn cảm quan chung của khán giả và cả những lý giải mang tính cá nhân của đạo diễn. Nhưng rõ ràng, cảnh sex trong phim Việt thật sự chưa đạt tới tầm là một “thành tố” gây hiệu ứng tăng thêm giá trị nghệ thuật, giá trị nội dung của phim, nên thiếu thuyết phục, thiếu chiều sâu, ít làm nên giá trị cho phim bởi sự non tay của đạo diễn. Và vì thế, cảnh sex vẫn ở ngưỡng của “gia vị” hoặc quá nhạt, hoặc quá tay, chưa kể có khi trở thành thô thiển rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, chỉ để làm phim thêm “tươi mát” chứ chưa hẳn đồng hành cùng tâm trạng, tâm lý nhân vật, chưa hẳn là tình tiết để kết nối câu chuyện phim.
Sex không còn là mới, không còn là lĩnh vực “cấm”, nên sự đòi hỏi của khán giả ở những cảnh sex trong phim cũng có nhu cầu cao hơn là một sự tò mò để xem phim. Không ai bỏ tiền ra để xem cảnh sex trong phim một cách đơn thuần. Và nếu nghĩ rằng cảnh sex sẽ là yếu tố để tăng giá trị thương mại của phim thì hoàn toàn là một sai lầm.
Theo Việt Văn