Cánh diều vàng: Sự “cô đơn” của một "huyền thoại"

Kết quả giải Cánh diều vàng 2013 diễn ra tối qua (15/3), đã cho thấy sự đổi mới trong tư duy những nhà làm phim thế hệ cũ của Hội Điện ảnh Việt Nam. Như trưởng ban giám khảo Nguyễn Vinh Sơn tự nhận, là đã "dám vượt lên những nếp nghĩ lối mòn để lần đầu tiên mạnh dạn ghi nhận những đóng góp tích cực của dòng phim thương mại, giải trí cho nền điện ảnh nước nhà, bằng bộ phim 'Thần tượng'."

Khi dòng phim thương mại, giải trí lên ngôi ở Cánh diều vàng 2013
Khi dòng phim thương mại, giải trí lên ngôi ở Cánh diều vàng 2013
với bộ phim "Thần tượng" (Ảnh: Quách Thơm/Vietnam+)
 
Còn với bộ phim từng đoạt Bông sen Vàng của Liên hoan phim Quốc gia 2013 “Những người viết huyền thoại,” ban giám khảo cũng tiếp tục mạnh dạn đặc cách cho “ngồi riêng một mâm” (vì không có trong khung giải thưởng của Cánh diều vàng) với Giải Đặc biệt về phim có đề tài chiến tranh cách mạng.

Về những đổi mới mang tính đột phá này, ban giám khảo Cánh diều vàng đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với báo giới ngay sau khi lễ trao giải kết thúc, mặc dù lúc đó đã gần 12 giờ đêm.

Hết thời cho những tư duy lối mòn?

Thực tế cho thấy, sự tham gia của dòng phim thương mại, giải trí và những đóng góp của các đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản từ nước ngoài về đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ và chiếm tỷ lệ cao trên thị trường phim nội.

Nhưng như đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Vinh Sơn, Trưởng ban giám khảo hạng mục phim điện ảnh Cánh diều vàng 2013 thừa nhận: “Dĩ nhiên, những người làm điện ảnh cũng như truyền thông luôn mong có những bộ phim nghệ thuật, phim truyền thống có chất lượng cao. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng các đạo diễn ở nước ngoài về, những đạo diễn trẻ ở trong nước được học tập độc lập và có khả năng tự nâng cao tay nghề rất lớn.”

Đạo diễn này cũng tin rằng, cùng sự phát triển của phim ngắn mấy năm trở lại đây, sắp tới không chỉ có các đạo diễn ở nước ngoài về mà ngay trong nước sẽ ngày càng có nhiều đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất mới, trẻ và tay nghề chỉn chu.

Cũng chính vì thế, khi ban giám khảo cân nhắc và quyết định tôn vinh một phim được gọi là giải trí thì vô hình chung đã thừa nhận thực tế, hệ thống phim giải trí hiện đang đảm bảo nhu cầu thưởng lãm của đông đảo công chúng, có những phim tốt.

Những gương mặt diễn viên gạo cội của làng điện ảnh Việt Nam.
Những gương mặt diễn viên gạo cội của làng điện ảnh Việt Nam.
(Ảnh: Quách Thơm/Vietnam+)

“Phim ‘Thần tượng’ không phải là phim có doanh thu cao nhất nhưng đó là phim tốt. Tôi mong rằng họ sẽ đạt được cái mốc là được giới ‘chính thống’ đánh giá cao. Còn nếu chúng ta trao giải cho những “Mùi cỏ cháy,” “Đừng đốt,” “Những người viết huyền thoại”... giải vàng thì những nhà làm phim giải trí sẽ cảm thấy xa lạ, rằng đây không phải là ‘sân chơi’ của mình và như thế cái dòng chảy của họ sẽ cứ tự chảy theo chiều hướng riêng,” đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ.

Ông cho rằng, khi chúng ta tôn vinh một bộ phim giải trí nhưng có ý nghĩa và tay nghề cao thì đó là một định hướng tốt. Hãy cho những nhà làm phim cơ hội để họ nhìn lại tay nghề của mình, kể cả những người làm phim chính thống và những người làm phim thị trường.

Trong phim “Thần tượng,” có thể thấy rõ tay nghề của đạo diễn. Tuy phim làm từ những chất liệu quen thuộc mà thế giới đã làm rất nhiều (dạng High school musical), nhưng vẫn mang đến cảm giác hứng thú, không bị nhàm chán cho người xem.

“Có thể họ không nằm trong hệ thống nhà nước để những phim được truyền thông cũng như giới nghiên cứu nghệ thuật ưu ái, nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên đặt lên bàn cân hết sức sòng phẳng và khách quan tất cả những thể loại và dòng phim đó. Thể loại và dòng phim bản thân nó không có lỗi, cái quan trọng là cách nhìn. Chúng ta phải mạnh dạn một lần nhìn thẳng vào tay nghề để đánh giá hơn là nhìn vào thể loại như xưa nay, để chỉ vì một chức năng nhiệm vụ nào đó...,” vị đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam chia sẻ.

Có thể những giải thưởng Cành diều vàng đều đã tìm được chủ nhân cho mùa phim năm nay, nhưng theo đánh giá của ban tổ chức, về mặt kịch bản, họ vẫn mong muốn có những nhân vật đặc biệt, có những hoàn cảnh tình huống đặc biệt để đưa ra những câu chuyện đặc biệt, tiếc là hiện giờ chúng ta vẫn chưa thấy.

Và sự “cô đơn” của một “... huyền thoại”

Đến phút cuối cùng, ban tổ chức mới công bố thêm một giải không nằm trong khung giải thưởng của Cánh diều-Giải Đặc biệt dành cho phim có đề tài về chiến tranh cách mạng, cho bộ phim “Những người viết huyền thoại.”

Điều này khiến báo giới không khỏi có những thắc mắc, hồ nghi. Vì phim từng đoạt Bông sen Vàng của Liên hoan phim Quốc gia 2013. Nay sang "chơi" ở sân Cánh diều vàng, sản phẩm thuộc dòng phim chiến tranh hoàn toàn không có đối thủ, khi đứng cạnh 12 phim dòng thương mại, giải trí.

Những đứa trẻ ngây thơ giữa chiến tranh trong phim Những người
Những đứa trẻ ngây thơ giữa chiến tranh trong phim "Những người
viết huyền thoại." (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Đại diện ban tổ chức cho biết, mỗi liên hoan phim đều có tiêu chí riêng và có những người tuyển chọn rất khắt khe cho mỗi dòng phim. Riêng ở đây, “Những người viết huyền thoại” có những giá trị đặc biệt về lịch sử, về truyền thống, về những cảm xúc của người xem đối với những hồi ức chiến tranh đẫm máu...

“Tuy có phần lủng củng so với những tay nghề khác và khập khiễng khi đặt chung phim này với 12 phim kia nên tôi có bàn với Hội Điện ảnh làm riêng ‘một mâm,’ cho một giải dành riêng để tôn vinh những người làm phim đó, tôn vinh dòng phim đó, tôn vinh thể loại đó-thể loại phim mà chúng ta không thể không làm, vẫn phải tiếp tục làm,” đạo diễn Vinh Sơn nói.

Theo ông, nếu xét về tay nghề của đạo diễn, kịch bản và tinh thần của phim thì “Những người viết huyền thoại” cũng có những mặt tốt thấy rõ là công sức, đam mê, lòng yêu mến của nhà sản xuất đối với người chiến sỹ. Nhưng về “tay nghề” của những người làm phim thì chưa được hoàn chỉnh.

Vì thế, giải thưởng cũng là lời kêu gọi người làm phim, dù đã "gặt hái" được thành quả cho dòng phim truyền thống, nhưng mặt khác tay nghề cũng cần được chú trọng hơn để đạt đến một tác phẩm hoàn thiện, chứ không chỉ là được tôn vinh vì trúng đề tài, trúng câu chuyện cảm xúc.

Ban tổ chức cho rằng, trường hợp đặc biệt này là cách xử lý hoàn toàn sòng phẳng, công bằng, xử lý hoàn toàn theo đánh giá nghề nghiệp đối với 12 phim còn lại của những người “cầm cân nảy mực.”Họ không chịu ảnh hưởng hay lệ thuộc bởi việc đây từng là phim đã đạt tới sáu giải của Liên hoan phim Quốc gia, mà tìm ra một góc nhìn riêng, với tiêu chí đánh giá riêng.

“Chúng tôi đã đặt ra nhiều phương án. Chúng tôi có thể đã chọn giải pháp thỏa hiệp, giải pháp mà tất cả đều vui bằng cách chia đều giải thưởng cho hai phim, hoặc khắc nghiệt hơn nữa là không có Cánh diều vàng. Đó là phương án an toàn nhất mà có người trong ban giám khảo đã bàn tới. Nhưng tất cả chúng ta đều biết đó chỉ là kết quả đối phó, sản phẩm đối phó,” trưởng ban giám khảo, đạo diễn Vinh Sơn bày tỏ.

Trên quan điểm đó, Hội Điện ảnh Việt Nam đã không phủ nhận đóng góp của những người làm nên bộ phim “Những người viết huyền thoại” mà tôn vinh bằng cách đặc biệt với giải Đặc biệt dành cho phim có đề tài về chiến tranh, cách mạng. Âu đó cũng là một kết quả xứng đáng.
 
Theo Chi Lê
Vietnam+