Cánh diều 2017: Giám khảo phải thở dài vì… quá nhiều phim “thảm hoạ”
(Dân trí) - Trong buổi toạ đàm sáng nay 9/4, tại Hà Nội, đạo diễn, NSND Nhuệ Giang - Thành viên Ban Giám khảo (BGK) phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2017 chia sẻ rằng, các thành viên BGK có 3 buổi “chấm” phim nhưng hai ngày đầu tiên ai cũng phải thở dài vì nhiều phim "thảm hoạ".
Nhà sản xuất đang “quay lưng” với giải Cánh diều?
Sáng nay (9/4), Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, truyền hình 2017” trước thềm lễ trao giải Cánh diều. Tại buổi tọa đàm, nhiều đạo diễn, nhà làm phim, nhà lý luận – phê bình và nhà biên kịch đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến sự thay đổi của thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm 2017.
Năm nay, dự giải Cánh diều có 13 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
13 phim truyện điện ảnh gồm: Bạn gái tôi là sếp, Giấc mơ Mỹ, Em chưa 18, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Yêu đi đừng sợ, Dạ cổ Hoài Lang.
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, chỉ có các nhà sản xuất - nhà đầu tư mới có thể trả lời được câu hỏi vì sao không gửi phim tham dự giải Cánh diều nhiều như trước đây. Tuy nhiên, thời thế bây giờ cũng đã khác trước rất nhiều. Bất kỳ nhà sản xuất hoặc nhà đầu tư nào khi gửi phim đi tham dự một giải nào đó cũng có “đường đi nước bước” rõ ràng.
Riêng những phim mới sản xuất chưa ra rạp thì họ không bao giờ dám mạo hiểm gửi phim đi dự giải bởi nếu phim mang đi không có giải thưởng mang về là cũng xem như đã tự “kết liễu” mình. Bản thân ông luôn mong muốn giải Cánh diều thu hút được nhiều nhà sản xuất tham gia và có những cách tôn vinh xứng đáng với sự đầu tư của họ.
Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng - Trưởng BGK hạng mục Phim truyện điện ảnh của giải Cánh diều 2017 cho biết, năm 2017, có 39 phim truyện điện ảnh Việt ra rạp nhưng chỉ có 13 phim truyện tham gia giải Cánh diều. Con số này chỉ chiếm 1/3 tổng số phim ra rạp của năm nên không thể nói lên một cách đầy đủ chất lượng của toàn bộ phim điện ảnh sản xuất trong năm 2017 được.
Theo NSƯT Vũ Xuân Hưng 13 phim truyện dự giải năm nay, chất lượng không đồng đều, phim hay nhất và dở nhất có một khoảng cách rất xa. Có phim bám được 4 tiêu chí của giải thưởng (có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực) có phim chẳng thể hiện được tiêu chí nào. Có phim được tiêu chí này lại hỏng tiêu chí khác.
Đề tài của 13 phim tập trung chủ yếu ở mảng gia đình, tình yêu và học đường. Có tới 4 phim làm theo phim nước ngoài hoặc phỏng theo kịch bản gốc của nước ngoài. Điều đáng nói cả 13 phim dự giải đều là phim tư nhân và không hề có bất kỳ một phim nhà nước nào.
So với năm 2016, phim truyện điện ảnh giải Cánh diều năm nay đã xuất hiện những bộ phim đề cao tính nghệ thuật, đề cao văn hóa dân tộc, đề cao cội nguồn và tình người. Nhiều phim đã đề cập khá rõ nét về tính cách và số phận nhân vật. Thông qua đó thể hiện khá thuyết phục giá trị của đời sống và tình người.
Một số phim sử dụng kỹ xảo khá hiệu quả làm giàu cảm xúc cho người xem. Một số phim có sự sáng tạo khi kết hợp giữa giả tưởng với thực tế làm cho mạch phim sinh động. Âm nhạc trong phim có sự đồng hành với hình ảnh, làm giàu cho hình ảnh chứ không chạy theo minh họa cho hình ảnh như trước.
Giám khảo thở dài vì… quá nhiều phim “thảm hoạ”
Tuy nhiên, NSƯT Vũ Xuân Hưng cũng cho rằng, dù 13 phim nói về nhiều đề tài khác nhau nhưng lại thiếu vắng phim nói về những vấn đề quan trọng, bức thiết của đời sống và phim mang tính triết lý - xã hội sâu sắc. Nhiều phim còn có bố cục rối rắm, ôm đồm nhiều tuyến truyện, nhiều nhân vật… làm khó hiểu cho người xem.
Thậm chí, một số phim xuất hiện nhiều yếu tố làm hỏng tính chân thật nhân vật như áp đặt nhân vật, áp đặt tình huống, hóa trang không phù hợp, lời thoại cường điệu… tạo ra cảm giác giả tạo, làm mất niềm tin của khán giả đối với bộ phim. Đặc biệt, một số phim dự giải Cánh diều 2017 vẫn lạm dụng những nhân vật có sự bất bình thường về giới tính (nhân vật đồng tính nam) tạo nên sự thái quá và phản cảm. Phim sử dụng kịch bản nước ngoài thiếu sự sáng tạo, không có bản sắc truyền thống và không kích thích được sự sáng tạo của nghệ sĩ.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang - Thành viên của BGK phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2017 cũng thành thật rằng, các thành viên BGK có 3 buổi “chấm” phim nhưng hai ngày đầu tiên ai cũng phải thở dài vì toàn phim thảm hoạ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phim Việt đang tràn ngập lối hành xử bạo lực, cả trong lời nói, suy nghĩ, hành động và cách ứng xử.
“Phim dở rất nhiều, có 1/3 phim trong số 13 phim truyện dự giải là xem được. Tất cả các thành viên trong ban giám khảo đều có cảm giác phim chưa hoàn chỉnh, chưa có thật sự xuất sắc.
Đa phần là phim thị trường nên phim nào có tỉ lệ hài hước rất lớn. Hai ngày đầu phim hài nhiều mà hài không theo tình huống, hài ở đây cố tình và cường điệu tạo nên sự khó chịu cho người xem.
Tôi thấy rất khó chịu về cách diễn xuất của các diễn viên trong phim vì điện ảnh không diễn xuất như vậy. Quá cường điệu, kệch cỡm và gây phản cảm về thẩm mỹ. Tôi thấy, những vấn đề đưa ra trong một số bộ phim rất có hại trong việc giáo dục thẩm mỹ. Các phim không bám sát được đời sống Việt Nam, bóng dáng Việt Nam trong phim gần như không có.
Cách kể chuyện, cách xây dựng kịch bản đều rất tồi. Nếu đưa ra thị trường những bộ phim như thế này sẽ có hại nhiều hơn có lợi, không giáo dục thẩm mỹ cho khán giả và không đưa đến cho khán giả văn hóa Việt Nam.
Khán giả đến rạp bây giờ toàn nằm trong độ tuổi từ 18 - 25. Nếu chúng ta cứ đổ xô làm những bộ phim như thế này để đưa ra rạp sẽ tạo ra một thế hệ khán giả lười biếng, không chịu suy nghĩ vì toàn đáp ứng sự giải trí rẻ tiền, những câu chuyện đâu đâu, không gắn bó gì với đất nước. Nếu 40 năm sau xem lại những bộ phim này chẳng ai biết Việt Nam mình ngày xưa như thế nào vì nó rất xa rời thực tế. Những phim như “Dạ cổ hoài lang”, “Đảo của dân ngụ cư” là rất hiếm.
Tôi nghĩ rằng, trong 2 năm vừa rồi không có phim nhà nước quả là một điều rất đáng tiếc. Chúng ta đang buông bỏ một mặt trận văn hóa - nghệ thuật điện ảnh đã từng rất thành công trong quá khứ và điều này cần phải xem lại”, Đạo diễn Nhuệ Giang bày tỏ.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Minh Tuấn cho rằng, đợt chấm phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều 2017 vừa qua mang đến cho ông một ấn tượng rất bạo liệt. Trong đó, có cả “hung” và “dữ”. “Hung” là hung trong tích cách, cảm xúc… “Dữ” là dữ dội trong cảm hứng, tư duy; dữ tợn trong cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề…
“Tính thị trường và tính nhân văn của các phim quyện vào nhau không đồng đều, không hoàn chỉnh. Ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường đã xích lại gần nhau, có những lúc quyện vào nhau rất tự nhiên. Tôi cảm giác đây dù hay dù dở nhưng phim được làm tới bến, đẩy tình huống và tính cách nhân vật tới cùng, tới số và tới đỉnh. Nhưng kèm theo đó là cách hành xử bạo lực trong phim cũng đang bị lạm dụng. Bạo lực không chỉ là đánh đấm mà bạo lực trong lời nói và thái độ sống như “Em chưa 18”.
Các phim đang thiếu đi sự do dự, sự hoang mang và tinh tế của tâm hồn Việt. Các nhà làm phim tư nhân chủ yếu đầu tư cho những phim chỉ mang tính không gian nhỏ, quan hệ nhỏ gọn... chưa nêu bật được không gian, cuộc sống chung của cả cộng đồng, dân tộc. Qua đó cho thấy, vấn đề văn hóa và hình tượng nghệ thuật ở đây mang tính văn minh du mục dần lấn át nét văn hóa đẹp đẽ của người Việt. Cách hành xử trong phim mang tính văn minh du mục chứ không phải của người Việt”, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói thêm.
Hà Tùng Long