Cần xử lý mạnh đối với người mẫu hoá trang đồ quân nhân gây sốc
(Dân trí) - “Nếu việc đem bộ quân phục của người lính ra để tôn vinh hoặc ngợi ca là điều đáng hoan nghênh, còn mang ra để đùa giỡn vô bổ là điều đáng lên án. Dứt khoát chúng ta phải có thái độ”.
Chế bài hát “Quốc ca” thành bài “doanh nghiệp ca” trong ngày hội của công ty, mặc đồ bộ đội kết hợp với trang phục hở hang để biểu diễn trong đêm hội hoá trang… là hai sự việc khiến dư luận không chỉ phẫn nộ mà còn đau lòng vì sự đùa giỡn đã đi quá giới hạn.
Từ chế “Quốc ca” đến đùa giỡn với quân phục
“Quốc ca” vốn dĩ là một bài hát linh thiêng, chỉ cất lên trong những sự kiện trang trọng và nghiêm túc. Ca từ và giai điệu của bài hát đồng thời cũng là sự tự hào, là lời ngợi ca về “hồn” dân tộc. Ấy vậy mà vào ngày 15/10, trong lễ kỷ niệm 13 năm thành lập của một hệ thống siêu thị dự án bất động sản, lãnh đạo doanh nghiệp này đã bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát “Cen ca” - bài nhạc chế của Quốc ca.
“Tiết mục” này được biểu diễn công khai tại một nhà hàng ở khu Bình Quới, Q.1 (TP. HCM) khiến nhiều người chứng kiến bất bình và họ đã ghi hình, tung lên mạng.
Ngay khi clip này xuất hiện trên mạng nhiều người đã bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trước việc coi thường những điều thiêng liêng của doanh nghiệp này. Thanh tra Sở VH,TT&DL TP.HCM cùng các cơ quan liên ngành cũng đã vào cuộc làm rõ.
Một số luật sư tại TP.HCM còn cho rằng, hành vi trên không thể bỏ qua dễ dàng được vì không chỉ vi phạm về luật bản quyền tác giả mà còn vi phạm quy định cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được quy định tại Điều 3 văn bản hợp nhất số 3201 ngày 03/9/2013 của Bộ VH TT&DL. Quy định này ghi rõ, nghiêm cấm các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Và nếu chiếu theo theo quy định, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 25 – 30 triệu.
Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì trong tối 31/10, trên nhiều diễn đàn xã hội lan truyền hình ảnh, clip một nhóm người trẻ diện đồ bộ đội kết hợp với trang phục hở hang biểu diễn trong một đêm thời trang, sau đó nhảy múa trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM). Điều đáng nói trong số những bạn trẻ này có một số người từng làm giám khảo cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2015, người Cao Thiên Anh - Top 3 Next Top Model 2012 và T.T - người mẫu kiêm stylist khá có tiếng trong giới thời trang tại TP. HCM. Sự việc này ngay sau đó đã được người trong cuộc lên tiếng giải thích rằng đó là những phút giây vui vẻ cùng bạn bè của những người trẻ. Tuy nhiên, thực tế cộng đồng mạng không mấy người chấp nhận lời giải thích này. Vì bộ quần áo bộ đội với màu xanh áo lính và chiếc mũ tai bèo là biểu tượng trân trọng của những người lính. Những người đã, đang và sẽ lặng lẽ bảo vệ sự bình yên của cuộc sống hôm nay.
Việc đưa màu xanh áo lính ra làm trò đùa giữa chốn đông người đã không thể chấp nhận được thì việc kết hợp bộ quân phục này với trang phục hở hang càng tạo nên sự phản cảm. Nhiều người, nhất là những người đang trong quân ngũ họ phản ứng khá mạnh khi quân phục của họ bị mang ra làm trò đùa một cách quá trớn. Đáng nói, những người trẻ thực hiện những hành động này không phải ai xa lạ mà chính là những người đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang, đang được công chúng biết đến. Nhiều người cho rằng, họ không xứng đáng được gọi là người mẫu hoặc người của công chúng và việc bỏ qua cho họ là không thể.
Mọi sự xuyên tạc đều bị xem là xúc phạm
Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cho rằng, “Quốc ca” là bài hát của một quốc gia, là điều thiêng liêng nhất, đáng trân trọng nhất mà tất cả con dân của quốc gia đó đều phải hiểu.
“Tôi xem “Quốc ca” là một “ngôi đền nghệ thuật” thiêng liêng mà mỗi chúng ta đều phải tôn thờ. Mọi sự xuyên tạc đều bị xem là xúc phạm và điều đó không thể chấp nhận được. Hành động đó vừa thể hiện sự phản văn hoá, phản thẩm mỹ và ý thức chính trị kém. Hành động đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm méo mó đi những giá trị truyền thống tốt đẹp. Cần phải đưa việc này ra nhắc nhở hoặc xử phạt để làm gương”, TS. Thế Hùng nhấn mạnh.
Đối với việc diện quần áo bộ đội với mục đích đùa giỡn hoặc kết hợp đồ bộ đội với trang phục phản cảm của giám chương trình Người mẫu Việt Nam, người mẫu Cao Thiên Trang và stylist T.T, TS Thế Hùng cho rằng, đây là việc làm cực kỳ thiếu ý thức.
“Chúng ta biết rõ, đó là trang phục của những người lính mà nhờ có họ ta mới có cuộc sống, mới có được gia tài cách mạng như hôm nay. Nếu việc đem bộ quân phục của người lính ra để tôn vinh hoặc ngợi ca là điều đáng hoan nghênh, còn mang ra để đùa giỡn vô bổ là điều đáng lên án. Dứt khoát chúng ta phải có thái độ”.
GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, cả hai vụ việc trên đều là những việc đáng trách. Việc mang quân phục ra đùa giỡn là hành vi vi phạm kỷ luật quân đội. Quân đội là lực lượng bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Thiếu sự tôn trọng họ là thiếu tôn trọng đất nước. Việc biểu diễn giữa đám đông lại càng đáng trách. Nó thể hiện sự coi thường những người xung quanh. Các bạn nên biết rằng không phải ai cũng tán thành những hành vi vô văn hóa, thích phơi bày cơ thể ra trước đám đông.
“Bất kể họ là ai, họ người mẫu, giám khảo hay nhà thiết kế thì cũng không được phép chà đạp lên những điều thiêng liêng như vậy. Không được phép coi thường mọi thứ. Tôi thấy xã hội thời đại nào cũng không chấp nhận kiểu sống không có suy nghĩ, muốn làm gì thì làm như thế. Xã hội nào cũng có những chuẩn mực, giá trị, có điểm dừng. Nếu hôm nay tha thứ những hành vi mang quân phục ra đùa giỡn thì nay mai họ có thể mang quốc kỳ ra đùa giỡn nữa thì xã hội sẽ đi đến đâu”, GS Quý chia sẻ.
Theo GS Quý cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh những hành động này vì họ đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội.
Hà Tùng Long