Cận cảnh những cổ vật quý hiếm vừa bị đánh cắp
(Dân trí) – Trong 6 cổ vật quý giá bị kẻ trộm đánh cắp tại lăng Tự Đức vào đầu tháng 11/2013, có 1 cổ vật bị bỏ rơi tại hiện trường, nhưng đã bị vỡ.
Cụ thể như sau: 2 lư xông trầm hình nghê (con nghê hay còn gọi là con lân), chất liệu bằng đồng. Lư thứ nhất trên thân có khắc chữ Hán: 六十七斤三兩 "lục thập thất cân tam lạng" (sáu mươi bảy cân, ba lạng) tương đương 40,7 kg; cao 40cm, dài 48cm. Có số ký hiệu hiện vật là TĐ 194 Đg 28. Niên đại: Thế kỷ XIX.
Lư đồng thứ nhất
Lư thứ hai thân có khắc chữ Hán: 七十八斤十 兩 "Thất thập bát cân thập lạng" (bảy mươi tám cân, mười lạng) tương đương 47,2kg. Có số ký hiệu hiện vật là TĐ 195 Đg 29. Niên đại: Thế kỷ XIX.
Cả 2 lư này đều có hình dáng con lân, làm toàn bằng đồng. Con lân dáng ngồi xổm, đầu quay bên phải. Lân có mắt lồi to, mũi vểnh, đuôi có bờm vểnh. Trên lưng đúc thủng hình chữ nhật, có nắp đậy.
Lư đồng thứ 2. Chiếc lư có hình dáng con lân ngậm ngọc trong miệng trông rất đẹp
Hai cổ vật này đều là những chiếc lư xông trầm, có nắp. Trước thời điểm mất cắp, lực lượng bảo vệ đã cất 2 chiếc nắp của 2 lư. Nên 2 cổ vật lư xông trầm hình nghê nói trên bị đánh cắp là không có nắp.
Trong bốn ché rượu, có 2 ché rượu đầu khá giống nhau. Ché thứ nhất bằng sứ tráng men trắng vẽ men lam. Ché có thân và nắp trang trí hình long vân thủy ba. Nắp có núm hình con nghê. Thân phình, thon dần phía đáy. Kích thước: đường kính miệng 23cm, đường kính đáy 32cm; cao 65,5cm. Có số ký hiệu hiện vật là TĐ 120 Gm 02. Niên đại: Thế kỷ XIX.
Ché rượu thứ hai cũng bằng sứ, tráng men trắng vẽ men lam. Thân và nắp trang trí hình long vân thủy ba. Nắp có núm hình con nghê. Thân phình thon dần phía đáy. Kích thước: đường kính miệng 23cm; đường kính đáy 32,5cm; cao 65cm. Có số ký hiệu hiện vật TĐ 121 Gm 03. Niên đại: Thế kỷ XIX.
Ché thứ hai có vẽ hình con rồng cuộn trong mây với hình dáng rồng lớn và oai vệ hơn hình rồng ở ché thứ nhất
Nhóm 2 ché rượu sau có phần khác nhau: Ché thứ 3 bằng sứ trắng men trắng vẽ màu lam, miệng đứng, vai xuôi, thân phình. Vai đắp nổi 4 đầu hổ phù, quanh thân vẽ cảnh sơn thủy, chú bé chăn trâu thả diều, người chèo thuyền, cưỡi ngựa. Nắp vẽ phong cảnh sơn thủy, nhà cửa, núm nắp hình con nghê. Kích thước: đường kính miệng 13cm, đường kính đáy 22cm; cao 43cm. Có số ký hiệu hiện vật TĐ 124 Gm 06. Niên đại: Thế kỷ XIX.
Ché thứ tư bằng sứ, tráng men trắng vẽ lam; miệng cao, vai xuôi, thân phình. Thân trang trí lương long chầu nhật, dưới trang trí thủy ba tam sơn. Nắp có núm hình nụ sen, xung quanh vẽ mây. Kích thước: cao 61,5cm, đường kính đáy 31,5cm. Có số ký hiệu hiện vật TĐ 123 Gm 05. Niên đại: Thế kỷ XIX.
Riêng ché rượu thứ tư này (TĐ 123 Gm 05) trong quá trình vận chuyển ra ngoài của kẻ gian) đã bị vỡ nên bị bỏ lại tại bên trong la thành, hiện đã được thu hồi để phục vụ điều tra. Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhận được thông tin, Công An Thừa Thiên Huế đã đến khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra truy tìm thủ phạm.
Đây là vụ mất cắp cổ vật rất đáng tiếc. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đã thông báo trên trang web của trung tâm cùng với số điện thoại của lãnh đạo với mong muốn công luận xã hội phối hợp trong cung cấp thông tin, góp phần truy tìm các cổ vật bị đánh cắp.
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), cả 6 cổ vật trên đều rất quý giá. Nhưng để thẩm định giá trị của cổ vật để định giá cụ thể, cần phải có một hội đồng thẩm định gồm các giới khoa học, giới tài chính, giới chơi cổ vật…
Cùng nhìn lại 6 cổ vật quý bị đánh cắp ở lăng Tự Đức
Đại Dương