Cận cảnh bộ công cụ đá hơn 4000 năm tuổi
(Dân trí) - Sáng 24/4, tại Hà Tĩnh các nhà khảo cổ đã công bố kết quả bước đầu đợt khai quật khảo cổ tại 2 di chỉ Thạch Lạc và Rú Điệp, huyện Thạch Hà. Trong số các hiện vật được công bố, bộ công cụ bằng đá của người cổ xưa gây được sự chú ý đặc biệt.
Sáng 24/4, các nhà khảo cổ đến từ Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Úc, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Thạch Lạc, xã Thạch Lạc và thám sát Rú Điệp xã Thạch Đài huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh.
Theo các nhà khảo cổ, từ kết quả khai quật, bước đầu có thể nhận định Thạch Lạc, Rú Điệp là địa điểm cư trú cồn sò điệp, có mộ táng chôn vào nơi cư trú. Nơi đây có đầy đủ ba giai đoạn phát triển từ sớm đến muộn của loại hình văn hóa Bàu Tró có niên đại trong khoảng thời gian 4500 – 5000 năm.
Một trong vô số hiện vật được các nhà khảo cổ công bố, trưng bày sáng nay đó là bộ công cụ bằng đá của người cổ tại 2 di chỉ này. Tuyệt đại đa số công cụ bằng đá là rìu/bôn đá tứ giác có hai cạnh thu nhỏ về phía trên, rìu vai xuôi và rìu hai cạnh thu nhỏ về phía trên.
Ngoài rìu, là nhóm công cụ hòn đập, hòn kê, bàn mài và mảnh tách mảnh tước bằng đá.
Theo các nhà khảo cổ, đây là nhóm hiện vật quan trọng, giúp các nhà khảo cổ nghiên cứu, phân tích làm rõ mối quan hệ, đời sống của con người nằm trong thời đại đá mới ở Việt Nam.
Cận cảnh bộ công cụ bằng đá của người cổ tại 2 di chỉ Thạch Lạc, Rú Điệp (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) do PV Dân trí ghi lại: