Cảm phục nghị lực của nhiếp ảnh gia khiếm thị tác nghiệp tại Paralympic
(Dân trí) - Joao Maia là một trong những nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Rio 2016. Câu chuyện về Joao Maia đặc biệt hơn những nhiếp ảnh gia khác bởi anh không thể nhìn thấy những gì mình chụp, Maia là người khiếm thị.
“Bạn không nhất thiết phải nhìn được mới có thể chụp ảnh. Đôi mắt của tôi nằm trong trái tim tôi”, Maia chia sẻ bên lề quá trình tác nghiệp tại Paralympic Rio 2016.
Bằng một cách kỳ diệu nào đó, nhiếp ảnh gia khiếm thị người Brazil - Joao Maia - vẫn có thể thực hiện một công việc bất khả thi - chụp ảnh. Những bức ảnh của Maia có chất lượng tương đối tốt, gần như không khác biệt nhiều so với tác phẩm của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Anh Maia, 41 tuổi, đã bị mất thị lực từ năm 28 tuổi sau khi mắc phải một căn bệnh nan y về mắt. Hiện tại, Maia chỉ có thể nhìn được những hình thù và màu sắc lờ mờ khi người ta đặt một vật gì đó thật gần trước đôi mắt đã gần như không còn thị lực của anh.
Từng là một người đưa thư ở thành phố Sao Paulo, Brazil, bệnh tình đã khiến Maia không thể làm công việc quen thuộc này được nữa và bắt đầu phải học cách di chuyển với một cây gậy dò đường trong tay, anh bắt đầu đi học chữ nổi của người khiếm thị, và tìm đến một niềm hứng thú mới trong cuộc sống, một lĩnh vực mà không ai có thể ngờ nổi - nhiếp ảnh.
Maia cho rằng: “Nhiếp ảnh đề cao sự nhạy cảm. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời khi có thể cho mọi người thấy tôi vẫn có thể quan sát, cảm nhận về thế giới xung quanh như thế nào”.
Hai vật bất ly thân của Joao Maia tại Paralympic Rio 2016 luôn nằm thường trực trong hai bàn tay anh, một bên là chiếc máy ảnh và một bên là chiếc gậy dò đường. Joao Maia hòa vào nhóm phóng viên ảnh thể thao đang tác nghiệp tại Paralympic và tập trung làm công việc của mình.
Khi xác định muốn tác nghiệp tại Paralympic Rio, Maia đã bắt đầu luyện tập chụp ảnh thể thao tại các sự kiện diễn ra ở Brazil từ hồi năm ngoái. Bí quyết để Maia có thể chụp hình nằm ở thính giác, anh cần phải tập trung cao độ mỗi khi làm việc để có thể lắng nghe những âm thanh xung quanh, cảm nhận được thời điểm vận động viên xuất hiện trước ống kính của mình.
Có thể hiểu công việc của Joao Maia khó khăn như thế nào bởi tại các sự kiện thể thao luôn có đám đông hò reo cổ vũ, tiếng những phóng viên tác nghiệp, tiếng loa thông báo của ban tổ chức… Trong ngần ấy âm thanh hòa vào nhau, Maia phải nghe ra tiếng của các vận động viện.
Ở tại những bộ môn thi đấu đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải ở cách xa các vận động viên, Maia gần như bất lực vì anh không còn bất cứ cảm nhận nào về các vận động viên nữa. Chẳng hạn như bộ môn điền kinh là một thách thức rất khó chinh phục đối với Maia bởi khoảng cách với các vận động viên cũng như vận tốc của họ khiến anh lúc bắt được khoảnh khắc, lúc không.
“Khi tôi được ở một khoảng cách đủ gần, tôi có thể cảm nhận thấy nhịp tim và nhịp bước chân của các vận động viên, tôi tưởng mình đã sẵn sàng để ghi lại khoảnh khắc, nhưng rồi khi họ tới, tiếng hò reo cổ vũ nổi lên cộng thêm với khoảng cách, khiến tôi cảm thấy quá khó để có thể bấm máy”, Maia chia sẻ.
Đồng hành bên Maia là những người mà anh gọi là “đôi mắt đi mượn” của mình, đó là những người bạn nhiệt tình của anh: “Không có họ, tôi sẽ không thể làm được gì, họ giúp tôi lọc ảnh, biên tập ảnh, điều này tôi không thể nào làm được, sau đó, họ lại giúp đăng những bức ảnh của tôi lên mạng xã hội”.
Tài khoản Instagram @joaomaiafotografo của Maia hiện giờ đã có gần 7.000 lượt người theo dõi. Maia đặt mục tiêu cho mình phải không ngừng học hỏi và tiến bộ. Tại Paralympic năm nay, anh đã có được nhiều khoảnh khắc ấn tượng. Đây là sự kiện thể thao lớn đầu tiên Maia tham gia, mục tiêu tiếp theo của anh là có mặt tại Paralympic Tokyo 2020.
Chiêm ngưỡng những bức ảnh do nhiếp ảnh gia khiếm thị Joao Maia chụp tại Paralympic Rio 2016:
Bên cạnh nhiếp ảnh thể thao, Maia cũng chụp ảnh đời sống, ảnh phong cảnh:
Bích Ngọc
Theo AFP