Cải lương, chèo, tuồng "bắt tay" với xiếc, jazz: Táo bạo để chuyển mình?
(Dân trí) - Việc nghệ thuật sân khấu cải lương "bắt tay" với xiếc, jazz kết hợp với tuồng - chèo - cải lương... được xem là những ý tưởng kết hợp táo bạo để chuyển mình của các đơn vị nghệ thuật.
Cải lương "bắt tay" với xiếc, jazz với tuồng - chèo - cải lương
Nhiều năm qua, sân khấu nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm được tổ chức để bàn cách cứu sân khấu truyền thống thoát khỏi "cơn thoi thóp thế kỷ" nhưng mọi việc vẫn chỉ dừng ở… mong đợi.
Trước thực tế đó, nhiều đơn vị đã buộc phải đánh liều chuyển mình theo hướng cách tân để "tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Theo đó, mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam với Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay dựng vở "Cây gậy thần" - vở diễn đầu tiên kết hợp một cách bài bản giữa nghệ thuật cải lương với xiếc để kéo khán giả trở lại với sân khấu. Vở diễn dự kiến sẽ công diễn suất đầu tiên vào ngày 12/12 nhưng đã có buổi ra mắt phạm vi hẹp trong ngày 6/12 vừa qua.
Lần đầu tiên, kịch hát dân tộc biểu diễn trên sân khấu tròn và kết hợp với kỹ thuật biểu diễn của xiếc đã tạo được nhiều không gian, thay đổi góc nhìn cho người xem. Nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung được hai ê-kíp diễn viên của cải lương và xiếc luân phiên nhau thể hiện.
Nghệ sĩ vừa ca cải lương, vừa nhào lộn, vừa đu bay trên không trung tạo nên những điều lạ mắt chưa từng có. Tuy diễn trên sân khấu của xiếc nhưng vở diễn vẫn đậm chất cải lương, có thắt nút, có cao trào và không mất đi sắc màu văn hóa đặc trưng.
Ngoài ra, một sự kết hợp tưởng chừng như "lệch nhịp" giữa nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo, cải lương... với nhạc jazz trong hòa nhạc "Dân gian trên Jazz/Dân gian trên dây" sẽ diễn ra vào 19/12 tới đây cũng khiến không ít người bất ngờ.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc cho biết, mục đích của đơn vị tổ chức là muốn tìm ra những thể nghiệm mới để bắc nhịp cầu vừa quen, vừa lạ cho những đối thoại Đông - Tây trong âm nhạc.
Theo đó, thông qua 6 tác phẩm âm nhạc mang giai điệu của tuồng, chèo, cải lương, dân gian Tây Bắc… kết hợp với jazz, chương trình sẽ mang đến cho khán giả sự kết nối mạnh mẽ của nhiều khía cạnh trong âm nhạc: truyền thống và hiện đại, sự tự do và chuẩn mực.
Gợi mở nhiều hướng đi mới cho sân khấu
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, đây là "sự chuyển mình đáng kinh ngạc" của sân khấu truyền thống và âm nhạc truyền thống. Chưa đánh giá về mức độ thành công, chỉ nói riêng về ý tưởng kết hợp giữa các loại hình sân khấu và âm nhạc tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau cũng đủ thấy sự táo bạo và nỗ lực sáng tạo của các đơn vị.
"Điều này cho thấy, những người làm nghệ thuật sân khấu và âm nhạc đã bắp kịp với cuộc sống hiện đại khi tìm ra những hình thức mới mẻ, đa dạng, thoát khỏi lối dàn dựng cũ mòn. Tất nhiên, để có được kết quả này, các nghệ sĩ, đạo diễn và ê-kíp tổ chức sẽ phải cố gắng gấp 2 - 3 lần so với việc dàn dựng một vở diễn hoặc chương trình bình thường", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.
NSND Tống Toàn Thắng - PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đồng đạo diễn vở "Cây gậy thần" chia sẻ, lúc đầu bản thân anh cùng diễn viên của hai đơn vị đã rất bỡ ngỡ, lo lắng bởi đặc trưng của hai loại hình cải lương và xiếc rất khác nhau.
Cải lương nặng yếu tố bi ai, tiết tấu chậm; còn xiếc lại mang tiết tấu nhanh, trực diện. Mọi người vừa làm vừa "vỡ hoang" ngôn ngữ của cả hai loại hình khi đứng chung sân khấu. Chúng tôi muốn thực sự nhờ khán giả của cả hai loại hình để cùng nâng tầm cải lương và xiếc".
NSND Triệu Trung Kiên - Quyền GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam, đồng đạo diễn vở cũng cho rằng, khi bắt tay vào dựng vở diễn, sự lạ lẫm và bỡ ngỡ khiến cho tất cả đều chếnh choáng.
"Chúng tôi rất lo lắng bởi xiếc với cải lương là hai loại hình chẳng liên quan gì đến nhau, không biết ghép vào có lộ ra vết nối hay không. Chúng tôi bàn với nhau đo bằng chính cảm xúc của người sáng tạo. Biến sự chân thành, mộc mạc và tâm huyết anh em diễn viên trở thành sự bổ trợ đắc lực cho nhau, tạo nên sự cộng hưởng hiệu quả.
Sau một thời gian tập luyện, bên nào cũng cảm thấy hào hứng và không còn khoảng cảnh. Xiếc học thêm được ngôn ngữ biểu diễn của cải lương, cải lương học thêm được nhiều kỹ năng biểu diễn hình thể của xiếc. Bằng cảm nhận chủ quan của mình khi thấy sự hào hứng của khán giả đến xem trong buổi ra mắt hôm 6/12, chúng tôi biết tác phẩm của mình đã chinh phục được khán giả", NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, thời gian qua, Bộ đã có những cuộc trao đổi với mong muốn các nhà hát có sự phối hợp kết hợp, trao đổi kinh nghiệm dàn dựng nghệ thuật, rạp biểu diễn để làm mới các hình thức biểu diễn.
Vở diễn "Cây gậy thần" và chương trình "Dân gian trên Jazz/Dân gian trên dây" là những dự án rất đáng trân trọng trong sự tìm tòi và nỗ lực đổi mới. Vở diễn "Cây gậy thần" cũng là một mô hình thử nghiệm các loại hình sân khấu cùng phối hợp dàn dựng một tác phẩm để cho những người làm nghệ thuật cùng suy ngẫm, gợi mở những hướng đi mới cho sân khấu.