Các website âm nhạc sẽ phải trả phí sử dụng nhạc quốc tế

(Dân trí) - Đại diện Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm quốc tế (IFPI) cho biết cơ quan này đang chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết để yêu cầu các website cung cấp nhạc trực tuyến tại Việt Nam không được sử dụng các bản ghi nhạc quốc tế trước khi trả phí bản quyền.

Thông tin trên được bà Leong May Seey, Giám đốc khu vực châu Á của IFPI cho biết vào ngày 30/8, tại buổi ký kết thỏa thuận sử dụng bản quyền âm nhạc giữa hai hãng ghi âm quốc tế là Universal Music và  Sony Music với NCT Corporation, chủ sở hữu website nhạc trực tuyến Nhaccuatui tại Việt Nam.
 
Các website âm nhạc sẽ phải trả phí sử dụng nhạc quốc tế - 1
Việc Universal Music và  Sony Music kỳ kết thoả thuận sử dụng với NCT Corporation bản quyền âm nhạc với NCT Corporation chứng tỏ hai hãng này đang quan tâm đến vấn đề bản quyền tại Việt Nam.

Lâu nay, các hãng ghi âm quốc tế hầu như không phát hành băng đĩa nhạc tại Việt Nam bởi người Việt đã quen sử dụng bản ghi lậu, không bản quyền. Ông Ron Kamnuanthip, Giám đốc Universal Music khu vực Thái Lan và Đông Dương cho biết: “Bản đĩa ở Thái Lan và các nước khác trên thế giới kinh doanh rất tốt. Nhưng tôi nhận thấy ở Việt Nam thì không như vậy”.

Đến nay, khi các website âm nhạc trực tuyến phát triển mạnh, việc vi phạm bản quyền bản ghi nhạc quốc tế càng nặng nề hơn vì các thành viên website tự do chia sẻ các tác phẩm âm nhạc này từ rất nhiều nguồn khác nhau. Và gần đây, các hãng ghi âm quốc tế đang chú ý đến vấn đề bản quyền bản ghi âm nhạc quốc tế tại Việt Nam. Cái đầu tiên họ nhắm đến là thị trường nhạc số rộng lớn.

Theo ông Ron Kamnuanthip, thị trường nhạc số rất lớn và phát triển rất nhanh, nó giúp người yêu thích âm nhạc có thể thưởng thức bất cứ lúc nào, nhiều ca sĩ đã nhờ nhạc số mà được cả thế giới biết đến như Lady Gaga hay Susan Boyle…

Ông Ron Kamnuanthip cho rằng: “Nhạc số là xu hướng có ảnh hưởng rất lớn đến nền âm nhạc thế giới. Đó là xu hướng tòa cầu, ngày càng nhiều người tiếp cận âm nhạc trên internet, nhất là trong điều kiện đường truyền internet ngày càng tốt hơn”.

Tuy nhiên, vấn nạn vi phạm bản quyền trên thị trường nhạc số lại càng đáng lo ngại hơn. Theo thống kê của IFPI, trong 3 năm 2008 - 2010, cơ quan này đã tiến hành khởi kiện 1.200 vụ việc vi phạm bản quyền bản ghi âm nhạc trên khắp thế giới. Ở khu vực châu Á, IFPI đã tiến hành nhiều vụ ở Trung Quốc; trong năm 2011, 3 thành viên của 1 website âm nhạc ở nước này bị tuyên án 5 năm tù giam.

Theo ông Nhan Thế Luân, Tổng giám đốc NCT Corporation, thì việc NCT ký kết thỏa thuận sử dụng bản quyền với 2 hãng ghi âm quốc tế là bước khởi đầu cho việc thưởng thức âm nhạc có bản quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện này cũng cho thấy các hãng ghi âm quốc tế đang chú ý đến vấn đề bản quyền tại thị trường âm nhạc Việt Nam rộng lớn với gần 80 triệu dân.

Khi được hỏi về việc bảo hộ bản quyền âm nhạc của mình tại Việt Nam, ông Ron Kamnuanthip cho biết: “Cả Universal Music và Sony Music đều ủy quyền cho IFPI đại diện làm công việc đó”.

Còn bà Leong May Seey, Giám đốc khu vực châu Á của IFPI cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi thư yêu cầu nhiều website âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam ngừng cung cấp các bản ghi âm nhạc quốc tế có bản quyền, có website chúng tôi gửi đến 16 lần. Tuy nhiên, họ đều từ chối yêu cầu trên”.

Bà Leong May Seey khẳng định: “Hiện bộ phận pháp lý của chúng tôi đang chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục cần thiết và liên hệ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để làm việc này, bảo hộ quyền lợi cho chủ sở hữu hợp pháp các bản ghi âm nhạc quốc tế”.

Tuy nhiên, ông Nhan Thế Luân cho rằng tương lai vài năm nữa, người dùng vẫn có thể được thưởng thức nhạc quốc tế miễn phí. Hiện NCT ký kết thỏa thuận sử dụng bản quyền với hai hãng ghi âm trên nhưng vẫn cung cấp miễn phí trên nhaccuatui.com, chỉ thu một phần phí rất nhỏ ở dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ di động…

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm