“Các nhà văn nữ châu Âu: Mối tình cho văn học và cuộc đời”

(Dân trí) - Đó là chủ đề buổi tọa đàm diễn ra ngày 23/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội nhân dịp Những ngày văn học châu Âu lần IV tại Hà Nội.

Tọa đàm còn có sự tham gia của chuyên gia văn học Pháp Lê Hồng Sâm, nhà văn Mây Hồng cùng các thành viên khóa đào tạo dịch giả, đặc biệt có sự góp mặt của nhà văn nữ Đức Katharina Hagena, nhà văn nữ Ba Lan Magdalena Witkiewicz và nữ nhà thơ Aoife Mannix đến từ Vương quốc Anh.

Những diễn giả có mặt trong buổi toạ đàm đều là những người nổi tiếng, được giới “mộ đạo” văn học vô cùng yêu quý và nể phục. GS Lê Hồng Sâm là chuyên gia văn học Pháp thế kỷ 19 và thể kỷ 20. Là chủ biên công trình dịch thuật đồ sộ Tấn trò đời của Balzac, bà cũng đã dịch sang tiếng Việt nhiều nữ tác giả lớn của Pháp thế kỷ 20 như Marguerite Duras, Marguerite Yourcenar… Vừa là nhà giáo, nhà phê bình văn học và dịch giả, GS Lê Hồng Sâm có những đóng góp to lớn trong công tác đào tạo thế hệ dịch giả trẻ. Bà được trao tặng Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm của Chính phủ Pháp năm 2002.

“Các nhà văn nữ châu Âu: Mối tình cho văn học và cuộc đời”

Hình ảnh tại buổi tọa đàm "Các nhà văn nữ châu Âu: Mối tình cho văn học và cuộc đời" diễn ra sáng ngày 23/5 tại Hà Nội

Dưới sự dẫn dắt của GS Lê Hồng Sâm và nhà thơ Dương Tường, các thành viên lớp “Dịch giả trẻ” trình bày những nghiên cứu của mình trong khuôn khổ sự kiện này: Bàn về Viết của Marguerite Duras; Hồi kí Hadrien của Marguerite Yourcenar và sự tái tạo từ bên trong những điều các nhà khảo cổ thế kỉ 19 đã dựng lại từ bên ngoài; Tôi đã dám dịch Nathalie Sarraute; Những vấn đề nữ quyền trong Giới thứ hai của Simone de Beauvoir; Một vài vấn đề nữ quyền trong các tác phẩm của Linda Lê; Về tác giả Colette và các tác phẩm đã được dịch ở Việt Nam.

Buổi hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả, nhưng có lẽ phần đông là nữ giới- những người đang đứng lên bảo vệ nữ quyền, luôn đòi hỏi công bằng, quyền bình đẳng và tự do như nam giới. Tại sao đàn ông “có quyền” nhiều hơn phụ nữ và tại sao từ xưa tới nay, kể cả trong văn học người đàn ông vẫn luôn có một vị trí cao hơn phụ nữ?

Các diễn giả tranh luận với nhau về khái niệm “nữ quyền” là gì. Nhà văn Mây Hồng khẳng định: “Nữ quyền đơn giản là quyền của nữ giới. Mâu thuẫn ở người phụ nữ là vẫn luôn cần có đàn ông. Trong xã hội chúng ta không thể loại bỏ đàn ông được. Không có đàn ông phụ nữ chúng ta không tồn tại trên cõi đời này”.

Còn nhà văn Magdalena Witkiewicz vui vẻ chia sẻ: “Chúng ta không bắt buộc phải có một người bạn đời, một người chồng tốt, nhưng có thì thật là tuyệt vời. Tôi không ghét đàn ông…Chúng ta sinh ra, chúng ta đang được sống, vậy nên chúng ta phải cố gắng để luôn vui vẻ và hạnh phúc. Tôi đến Việt Nam để sống với một người chồng tốt cùng những đứa con, không phải để tìm một người chồng gia trưởng. Tôi nghĩ nữ quyền là biểu tượng của hạnh phúc. Tôi viết về nhiều góc cạnh đời sống, gia đình, bạn bè,…cả những điểm tốt và điểm xấu. Ai chỉ luôn chú ý đến điểm tốt thôi thì tôi thấy không ổn. Chúng ta phải luôn nhìn ở hai mặt tốt và xấu".

Nhà văn Katharina Hagena lại nêu ý kiến khác: “Nếu chọn “nữ quyền” và “người phụ nữ” thì tôi sẽ chọn “người phụ nữ”. Tính nữ không chỉ nói đến sinh nở mà còn nói tới nhiều vấn đề khác. Người phụ nữ giúp xã hội hoàn thiện hơn với vai trò nuôi con của mình. Chồng tôi hay con tôi nhận ra tính nữ ở tôi, thì điều đó thật thú vị. Theo tôi đó là quyền bình đẳng- nữ quyền là quyền tự do. Khi người phụ nữ muốn gì đều có thể nói ra được thì khi đó mới đạt đến nữ quyền.”

Buổi thảo luận diễn ra trong không khí “đấu tranh” bảo vệ nữ quyền và bảo vệ quan điểm của mỗi diễn giả. Tất cả khán giả chắc chắn đã có những suy nghĩ và nhận định của riêng mình. Ai đúng ai sai, ai phải ai trái có lẽ không thể phân chia rạch ròi, bởi mỗi dịch giả trình bày một góc “chiếc bánh”. Mà chắc chắn rằng khi ghét những miếng bánh nhỏ lại khán giả sẽ có một “chiếc bánh” hoàn thiện của riêng mình!

Trúc Diệp 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm