Các nhà văn lên tiếng về vụ việc in lậu cuốn sách của nhà văn Sơn Tùng

Loạt bài phản ánh tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng bị đánh cắp bản quyền liên tiếp và trắng trợn mang danh NXB Thời Đại, đã thu hút sự chú ý của công chúng. Nhiều nhà văn, bạn đọc cả nước rất quan tâm, bức xúc trước vấn đề mà báo đã đặt ra.

Nhà văn Lê Phương Liên, Giám đốc Quỹ Doraemon Hỗ trợ giáo dục dành cho trẻ em Việt Nam: Nạn sách in lậu, nỗi đau buồn bao giờ hết?

 

Sách in lậu không còn là chuyện hiếm, các tác giả mà tôi đã quen biết hầu hết đều bị in lậu, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa… In lậu bao nhiêu lần không biết nữa. Rồi cả “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh cũng bị in lậu…

 

Gần đây nghe tin “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng bị in lậu (dù biết đây không phải là lần đầu) trong lòng tôi vẫn đau xót vô cùng. Tôi nghĩ đến hình ảnh nhà văn Sơn Tùng nằm trên giường bệnh ốm nặng, người vợ hiền của ông cũng đã tuổi cao sức yếu bệnh tật đầy mình… Lại nhớ những xúc cảm thiêng liêng trong lòng khi đến những ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ ở làng Chùa, làng Sen (Nghệ An)… ngôi nhà trong Thành Nội Huế, nơi bà Hoàng Thị Loan, người mẹ thân yêu của Bác Hồ đã lìa đời…
 
Búp sen xanh – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài Hồ Chủ tịch bị NXB Thời đại xâm phạm bản quyền.

Búp sen xanh – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài Hồ Chủ tịch bị NXB Thời đại xâm phạm bản quyền.

 

Tôi lại nghĩ tới hình ảnh nhà văn Sơn Tùng với những ngón tay co lại vì bị thương nặng, ông đã phải buộc bút vào tay viết nên bản thảo “Búp sen xanh” với bao dồn nén những cảm xúc và trăn trở sau bao tháng ngày lăn lộn đi tìm tư liệu…

 

Ấy thế mà giờ đây, tất cả những công lao tâm huyết vô giá ấy đều đã bị lợi dụng thành món hàng rẻ mạt, những cuộc đời, những nhân cách đáng kính trọng… đang bị xâm hại tàn nhẫn và vô cảm bởi lòng tham của những kẻ ăn cắp hay ăn cướp bất chấp luật pháp!

 

Tôi còn nhớ trong một dịp trò chuyện với các bạn bè Nhật Bản, họ đã gọi những kẻ in sách chưa có bản quyền (gọi nôm na là in lậu) là “Lũ Cướp Biển”! Dù luật pháp đã có, nhưng vì sao mà việc phạm luật vẫn xảy ra? Sự việc gần đây nhất về việc in lậu cuốn “Búp sen xanh”, lý do vì sao vấn đề vẫn chưa được giải quyết rốt ráo đến nơi đến chốn? Đến bao giờ thì nạn in lậu sách chấm dứt? Câu hỏi này ai sẽ trả lời?

 

Nhà văn Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC): Cần phải xử lý dứt điểm vụ việc này để làm gương

 

Khi biết cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng bị in lậu đứng tên NXB Thời Đại, chúng tôi không bất ngờ bởi vì lâu nay vi phạm về văn học quá nhiều mà cả cơ quan quản lý nhà nước và cả cơ quan thực thi như chúng tôi xử lý chưa được bao nhiêu.

 

Điều đáng phê phán là chính các cơ quan xuất bản của Nhà nước (chúng ta chưa có xuất bản tư nhân) đang chủ động vi phạm việc khai thác bản quyền các tác phẩm văn học nghệ thuật của nhà văn và các văn nghệ sĩ.

 

Xung quanh việc in lậu cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, chúng tôi rất bức xúc và phẫn nộ đối với việc xâm hại đến bản quyền tác phẩm. Đặc biệt, nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động đã cao tuổi lại đang lâm trọng bệnh mà bị xử sự như vậy. Chúng tôi cho rằng cần phải xử lý thích đáng cơ quan vi phạm, không thể xuề xòa, không thể tặc lưỡi cho qua chuyện này được.

 

Cuốn “Búp sen xanh” mặc dù đã được nhà văn Sơn Tùng ủy quyền cho NXB Kim Đồng, nhưng VLCC vẫn có trách nhiệm vì Trung tâm được lập ra để bảo vệ quyền lợi cho hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho nên chúng tôi cũng góp ý kiến lên tiếng và đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ chuyện này.

 
Nhà văn Đỗ Hàn.
Nhà văn Đỗ Hàn.
 

Theo tôi, đơn vị đầu tiên cần phải xử lý là NXB Thời Đại. Vì ngày 2/1/2014, NXB Thời Đại đã có Giấy đăng ký xuất bản số 2/2014, đăng ký xuất bản 22 tác phẩm, trong đó, có cuốn “Búp sen xanh”. Sau đó, chính Cục Xuất bản đã có “Giấy xác nhận đăng ký xuất bản” chấp thuận đăng ký xuất bản của NXB Thời Đại!

 

NXB Thời Đại đã đăng ký, Cục Xuất bản đã đồng ý, sách in ra mang tên NXB Thời Đại, tức đã khép kín một quy trình làm sách đầy đủ. Nếu NXB Thời Đại khi thấy không xin được bản quyền thì phải có trách nhiệm báo cáo lại ngay với Cục Xuất bản theo đúng quy định của Nghị định chứ.

 

Hiện nay, NXB Thời Đại một mực kêu oan, vậy NXB Thời Đại phải có trách nhiệm kết hợp với các cơ quan Công an và Cục Bản quyền tìm cho ra đơn vị nào đã mạo danh NXB Thời Đại? Chuyện tìm ra nhà in nào đã in lậu cuốn sách “Búp sen xanh” không khó đối với cơ quan chức năng.

 

Chúng tôi cho rằng cần phải xử lý dứt điểm vụ việc này để làm gương. Các cơ quan chức năng để lọt lưới vụ in lậu này, không điều tra ra thủ phạm là có tội với những người cầm bút chân chính như nhà văn Sơn Tùng.

 

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: In lậu cuốn “Búp sen xanh” là một tội ác đối với nhà văn Sơn Tùng

 

In sách lậu trong bất kỳ trường hợp nào cũng là việc làm xấu xa, bất hợp pháp. Đó là sự ăn cắp trắng trợn thành quả lao động của người khác, là sự vi phạm quyền bản quyền trí tuệ của người viết sách và quyền bản quyền kinh doanh của người làm sách hợp pháp.

 

Đối với nhà văn Sơn Tùng thì việc cuốn sách “Búp sen xanh” của ông bị in lậu quả là một điều đau đớn hơn nữa. Vì cuốn sách đó là tác phẩm ấp ủ cả một đời của ông. Vì tác phẩm đó đã đi vào lòng bạn đọc lâu nay và đã được tác giả gửi gắm cho một nhà xuất bản chuyên về sách cho thiếu nhi có uy tín: NXB Kim Đồng.

 

Vì ông đang trong thời kỳ lâm trọng bệnh, muốn thấy cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn như những điều đã ký thác suốt đời bằng mạng sống và con chữ của mình. Gọi vụ sách lậu này là một tội ác đối với nhà văn Sơn Tùng cũng không phải là quá.

 

Việc in sách lậu là điều đã nhức nhối từ lâu mà vẫn luôn tiếp diễn, vẫn không xóa bỏ được triệt để, đó là lỗi nặng và trách nhiệm lớn của các cấp quản lý văn hóa và xã hội. Nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả bị in lậu sách đã lên tiếng kiến nghị đòi hỏi phải có những chế tài mạnh, những biện pháp nghiêm khắc đối với những kẻ in lậu sách, nhưng các cấp có thẩm quyền gần như chỉ mới dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính.

 

Tôi nghĩ, chúng ta đã có Luật bản quyền và đã tham gia Công ước Berne về bản quyền thì phải thực thi đầy đủ luật đó một cách kiên quyết. Cụ thể, những tác giả đã đăng ký quyền bảo hộ tác phẩm của mình mà nếu phát hiện bị xâm phạm bản quyền (sao chép không được phép, in ấn lậu, sử dụng tùy tiện) thì phía cơ quan bảo hộ phải có trách nhiệm cao nhất phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

 

Cần phải có những hành động quyết liệt, “xả thân”, không ngại va chạm, tai tiếng như trường hợp nhạc sĩ Phó Đức Phương của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đi đòi tiền tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn trong đêm hát của ca sĩ Khánh Ly mới rồi. Tôi chưa thấy một nơi nào bảo vệ cho tác giả sách được như vậy.

 

Còn phía nhà văn Sơn Tùng, cũng như nhiều nhà văn khác có sách bị in lậu, họ có quyền đòi hỏi nơi đã chấp nhận bảo hộ quyền tác giả cho mình (ở đây là NXB Kim Đồng), lên tiếng và hành động để chứng thực là bảo hộ và bảo vệ cho tác giả. Một cách nữa là các độc giả cũng cần nâng cao ý thức của mình khi chọn mua sách, nên tỏ rõ thái độ tẩy chay, bài trừ sách lậu bằng cách chỉ mua sách thật.

 
Theo Kiều Khải

Công an nhân dân