Các lão nghệ nhân và nỗi lo bảo tồn văn nghệ dân gian

(Dân trí) - 2 thể loại được chú ý nhiều trong Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ 5 – khu vực Nam Bộ là múa bóng rỗi và nói thơ đều ít được biết đến và khó tìm được người kế thừa.

Sau 3 ngày diễn ra, tối 13/4, tại TP. Tân An, tỉnh Long An, Liên hoan dân ca Việt Nam lần 5 - 2013 khu vực Nam Bộ kết thúc thành công tốt đẹp với 5 tiết mục sẽ tham gia liên hoan dân ca toàn quốc. 

Được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần, Liên hoan dân ca Việt Nam trở thành điểm hội tụ của những bài ca, điệu múa hình thành từ đời sống cộng đồng, phản ánh sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân lao động nhiều đời nay. Liên hoan dân ca Việt Nam năm nay có điểm mới là có thêm dân vũ và dân nhạc, sân khấu cũng lung linh, hấp dẫn hơn.
 
Ngoài công trình quan trọng nhất đang được nhiều địa phương sử dụng của hai vợ chồng nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, công tác nghiên cứu, sưu tầm các loại hình diễn xướng dân gian khu vực Nam Bộ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều loại hình đang mai một như thể loại hát ru, nói thơ Lục Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, hò đối đáp, hò chèo ghe…
 
Nghệ nhân Út Bến Hải (82 tuổi) với tiết mục nói thơ
Nghệ nhân Út Bến Hải (82 tuổi) với tiết mục nói thơ
 
Nghệ nhân Út Bến Hải đến từ tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Tôi đã sưu tầm 22 bài, đem tới viện bảo tàng, tòa soạn báo Bạc Liêu và đề nghị phải bảo tồn thơ Bạc Liêu. Bởi vì thơ Bạc Liêu trong 2 cuộc kháng chiến rất đi vào lòng người nhưng gần đây người trẻ ít biết”.
 
Tiết mục bóng rỗi của của nghệ nhân Minh Bảy (Lê Văn Bảy, 73 tuổi)
Tiết mục bóng rỗi của của nghệ nhân Minh Bảy (Lê Văn Bảy, 73 tuổi)
Tiết mục bóng rỗi của của nghệ nhân Minh Bảy (Lê Văn Bảy, 73 tuổi)
 
Còn nghệ nhân Minh Bảy (Lê Văn Bảy) của đoàn Bạc Liêu thì băn khoăn về lớp người kế tục: “Tôi có 2 học trò, một người ngoài 40 tuổi còn người kia 32 tuổi đều chưa đủ khả năng tham gia biểu diễn ở những chương trình như thế này. Nghệ nhân bóng rỗi vừa hát vừa phải biểu diễn các trò tạp kỹ như múa mâm, múa lu… nên đòi hỏi kỹ năng điêu luyện. Thế nhưng múa-hát bóng rỗi chỉ trình diễn khi có nghi lễ ở các đình miếu nên khó có thể xem đây là một nghề để sinh sống. Chúng tôi duy trì tập dượt là nhờ lòng yêu văn nghệ dân gian, không muốn nó bị mai một”.
 
Nhạc sĩ - ca sĩ Nhất Sinh, thành viên ban giám khảo: “Tôi không lo dân ca bị mai một”
Nhạc sĩ - ca sĩ Nhất Sinh, thành viên ban giám khảo: “Tôi không lo dân ca bị mai một”
 
Trước tình hình giới trẻ không mặn mà với văn nghệ dân gian, thay vì hát ru con, các bà mẹ trẻ thường chọn nhạc hòa tấu phương tây cho trẻ nghe để phát triển trí não… nhạc sĩ - ca sĩ Nhất Sinh vẫn có cái nhìn lạc quan: “Ưa chuộng loại nhạc nào đó là sở thích của mỗi người. Nhưng tôi tin rằng khi người ta đã đứng tuổi, khoảng ngoài 40 chẳng hạn, thì sẽ hướng về nguồn cội nhiều hơn, sẽ thích nghe dân ca hơn. Vì vậy, tôi không lo dân ca sẽ bị mai một”.
 

5 tiết mục tham gia liên hoan dân ca toàn quốc:

1. Vơn ngoăn trốp mi: Hát múa cầu mưa (Dân ca Chơ ro) - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu

2. Rô băm Bô rạng Khme Riềm kê (dân vũ) - đoàn Trà Vinh

3. Hát ru (Chàpây Chòm riêng) - đoàn Sóc Trăng

4. Hò Đồng Tháp: Tình đất tình người (Dân ca Đồng Tháp) - đoàn Đồng Tháp

5. Song ca & đệm đàn dân tộc Hoa: Hái ấu hồng - đoàn Bạc Liêu

 
 
 
Hồng Nhung